Doanh nghiệp dầu khí: Triển vọng sáng cuối năm

(ĐTCK) Giá dầu đã trải qua giai đoạn đáy, đang vận động theo xu hướng hồi phục và dao động quanh mức 50 - 60 USD/thùng. 6 tháng cuối năm, kỳ vọng giá dầu sẽ cải thiện và tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. 
Doanh nghiệp dầu khí: Triển vọng sáng cuối năm

Giá dầu trên đà hồi phục

Thực tế, từ đầu năm, giá dầu WTI đã có thời điểm tăng vượt 60 USD/thùng, trước khi điều chỉnh giảm về ngưỡng 57 USD/thùng vào trung tuần tháng 7/2019. Trong 6 tháng qua, giá dầu ghi nhận những nhịp biến động tăng - giảm khá bất ngờ, đóng cửa phiên thứ Sáu tuần qua tăng nhẹ. Dầu ngọt nhẹ WTI đạt 60,4 USD/thùng, tăng 15,59%; dầu Brent cán mốc 66,7 USD/thùng, tăng 8,85% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ nă m2018, lần lượt là -14,9% và -11,41%.

Doanh nghiệp dầu khí: Triển vọng sáng cuối năm ảnh 1

Giá dầu quốc tế và xăng 95 singapore.

Nguyên nhân khiến giá dầu biến động mạnh thời gian qua là do sản lượng dầu của Mỹ tăng nhanh và sẽ sớm vượt nhu cầu dầu thế giới hiện khá ảm đạm, dẫn đến dự trữ dầu toàn cầu gia tăng. Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong nửa đầu năm 201,9 cung vượt cầu khoảng 0,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu đối với dầu OPEC vào đầu năm 2020 có thể giảm về 28 triệu thùng/ngày. Với sản lượng dầu của OPEC hiện tại là 30 triệu thùng dầu/ngày, IEA dự báo, dự trữ dầu toàn cầu có thể tăng 136 triệu thùng tính đến cuối quý I/2020.

Doanh nghiệp dầu khí: Triển vọng sáng cuối năm ảnh 2

Hiện tại, giá dầu đã trải qua giai đoạn đáy, đang vận động theo xu hướng hồi phục và dao động quanh mức 50 - 60 USD/thùng. Ðây là vùng giá chưa phải kỳ vọng tốt đối với tình hình hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói riêng và các doanh nghiệp dầu khí nói chung, nhưng nếu giá dầu tăng, có thể sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành này tại Việt Nam.

Tiến độ các dự án dầu khí tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 53 dự án dầu khí, trong đó có 10 dự án đã và đang sẵn sàng đi vào khai thác thương mại.

Về hoạt động khoan thăm dò, Việt Nam đang triển khai 24 dự án quan trọng, nhất là dự án Lô 05.3/11 thuộc bể Nam Côn Sơn, Rosneft Việt Nam sở hữu 100% cổ phần và nhà điều hành dự án. Trữ lượng của lô này ước tính đạt khoảng 40 tỷ mét khối khí đốt và 9 triệu tấn khí ngưng tụ, các Lô 135 và 136/3 cũng thuộc bể Nam Côn Sơn (Repsol sở hữu 40%).

Các dự án trong giai đoạn đánh giá thẩm định có 3 dự án, trong đó dự án quan trọng nhất là mỏ Lạc đà vàng được Total E&P Vietnam phát hiện từ năm 2010. Ngoài ra, 7 dự án đã được phát hiện để phát triển thương mại bao gồm mỏ Cá tầm (Vietsovpetro 100%), Nam Du/U Minh (Jadestone Energy 100%), Lô B Ô môn (PVEP 66%), Sư tử trắng giai đoạn 2 (PVEP 50%), Cá voi xanh (Exxon Mobil 64%), Cá rồng đỏ (Repsol 55%), Báo vàng - Báo đen (PVN 50%, Gazprom 50%).

4 dự án đang triển khai mạnh giai đoạn 2019-2022 gồm Lô 52/97 thuộc bể trầm tích Malay - Thổ Chu (PVN mua lại 43% cổ phần sở hữu của Chevron), Sao vàng - Ðại nguyệt (JX Nippon Oil 35%), Phong Lan dại (ONGC 45%).

18 dự án đang trong giai đoạn khai thác, bao gồm các dự án quan trọng như Hổ trắng (Vietsovpetro 100%), Lan tây - Lan đỏ (ONGC 45%).

PVN đang tập trung đẩy mạnh các dự án dầu khí trọng điểm. Nếu giá dầu hồi phục sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành, tạo nguồn việc cũng như doanh thu cho các doanh nghiệp quan trọng thuộc chuỗi giá trị.

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS)

Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) ước tính, từ năm 2018 đến 2021, sản lượng khí khô của GAS sẽ tăng trung bình 3,2%/năm, LPG tăng trung bình 6,4%/năm, condensate tăng trung bình 6,3%/năm và giá có xu hướng tăng kể từ năm 2019. Ðến năm 2021, dự kiến GAS đạt sản lượng 10,8 tỷ m3 khí khô, 1,7 triệu tấn LPG và 95.000 tấn condensate.

Theo PSI, doanh thu của GAS tiếp tục tăng trưởng ổn định từ năm 2018 với tốc độ trung bình 9%/năm nhờ sự gia tăng của nhu cầu khí thiên nhiên trong nước với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5%/năm. Bên cạnh đó, nhờ đà hồi phục của giá dầu mỏ thế giới và việc tiết kiệm chi phí đầu vào sẽ giúp lợi nhuận của GAS tăng với tốc độ trung bình khoảng 10%/năm. Ước tính, đến năm 2021, doanh thu của GAS đạt khoảng 95.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 18.000 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2019, GAS đạt tổng doanh thu 38.370,7 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ năm 2018) và 60% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ đạt 35.041,8 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ năm 2018) và 59% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế đạt 5.468,0 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch 6 tháng (94% so với cùng kỳ 2018) và 72% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ đạt 5.480 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch 6 tháng (tương đương cùng kỳ 2018) và 73% kế hoạch năm.

Một số khó khăn mà GAS gặp phải tại hoạt động dầu khí thượng nguồn như trữ lượng bể khí Cửu Long đưa vào bờ giảm mạnh, gặp khó tại mỏ khí Thái Bình, tiến độ chậm tại mỏ Sao vàng - Ðại nguyệt, dự án Nam Côn Sơn giai đoạn 2, quá trình đàm phán ký hợp đồng giá khí tốn nhiều thời gian... Tuy nhiên, việc giá dầu hồi phục đang và sẽ hỗ trợ cho hoạt động của GAS.

Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS)

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, xây dựng cơ khí, PVS còn cung cấp các dịch vụ sản xuất (FSO/FSPO). Trong 6 tháng đầu năm, PVS ước đạt doanh thu hợp nhất 8.500 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 65,4% kế hoạch năm.

Trong đó, mảng dịch vụ cơ khí dầu khí đạt doanh thu 5.319 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và hoàn thành 71% kế hoạch năm; dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng đạt doanh thu 881 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 59% kế hoạch năm; dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO đạt doanh thu 979 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 65% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 521 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ và hoàn thành 93% kế hoạch năm.

PVS có tiềm năng tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận từ các dự án Lô 46/07 và Lô 51 Nam Du - U Minh (dòng khí đầu tiên dự kiến quý IV/2021), Lô 09 - 2/09 Kình ngư trắng (khai thác dự kiến năm 2021), Lô 117 - 119 Cá voi xanh (khai thác năm 2023), Lô 12/11 Thiên Nga - Hồng Hạc, Báo vàng - Báo đen và Lạc đà vàng. Lĩnh vực xây dựng kho nổi cũng khá ổn định, hứa hẹn mang lại doanh thu tốt cho PVS.

Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT)

6 tháng đầu năm 2019, PVT đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chính được giao, cụ thể: doanh thu ước đạt 4.170,3 tỷ đồng, tương đương 156% kế hoạch 6 tháng và 76% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 480,1 tỷ đồng, tương đương 196% kế hoạch 6 tháng và 96% kế hoạch năm.

PVT đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ PVN, cũng như sự hợp tác, phối hợp với các đơn vị trong ngành trong vận chuyển toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại sẽ là động lực tăng trưởng cho PVT trong năm 2019 nhờ vào việc vận chuyển dầu thô và dầu thành phẩm cho nhà máy. Triển vọng dài hạn của PVT là sáng trên nền tảng công việc nhiều hơn. Công ty cũng đang tích cực triển khai công tác đầu tư trẻ hóa đội tàu vận tải như tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu LPG, tàu than...

Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí - CTCP (PVC)

Trong 6 tháng đầu năm 2019, PVC đạt tổng doanh thu 914 tỷ đồng, bằng 79% cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 104% kế hoạch 6 tháng và 47% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 15,3 tỷ đồng, hoàn thành 1.093% kế hoạch 6 tháng và 438% kế hoạch năm.

Riêng Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 742 tỷ đồng, bằng 77% cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 100% kế hoạch 6 tháng và 46% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31,2 tỷ đồng, bằng 176% cùng kỳ năm 2018, hoàn thành 288% kế hoạch 6 tháng và 616% kế hoạch năm.

PVC kinh doanh hiệu quả một số sản phẩm truyền thống như hoá chất cho lọc hoá dầu cho các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dung Quất; ký mới một số hợp đồng cung cấp hoá chất lọc dầu cho Nhà máy Nghi Sơn với giá trị lớn; đồng thời, trúng thầu cung cấp hoá chất khai thác cho Cửu Long JOC, JVPC…

Một số lĩnh vực kinh doanh còn gặp khó khăn như doanh thu từ cung cấp hoá chất cho khoan không đảm bảo theo mục tiêu kế hoạch, tỷ lệ trúng thầu cung cấp hoá chất cho VSP giảm do mức độ cạnh tranh gay gắt; kinh doanh hạt nhựa nhập khẩu có nguồn vay ngoại tệ không ổn định, kinh doanh hạt nhựa PP của Nhà máy Nghi Sơn phải đấu thầu, nguồn cung không ổn định…

Tuy nhiên, nếu mảng kinh doanh truyền thông giữ được kết quả khả quan thì PVC vẫn có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch, do các mảng gặp khó không chiếm tỷ trọng lớn trong hiệu quả chung của Tổng công ty.

Lê Ðức Khánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ