Doanh nghiệp dầu khí: Kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng theo giá dầu

(ĐTCK) Với việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong đó có Nga, đồng ý cắt giảm bớt sản lượng để cân bằng nguồn cung - cầu trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng mạnh và hiện đang ở mức đỉnh cao nhất 17 tháng qua (gần 53 USD/thùng).
Kịch bản giá dầu thô thế giới duy trì ổn định trên mức 50 USD/thùng sẽ là điều kiện tốt để các doanh nghiệp ngành dầu khí mở rộng hoạt động trở lại Kịch bản giá dầu thô thế giới duy trì ổn định trên mức 50 USD/thùng sẽ là điều kiện tốt để các doanh nghiệp ngành dầu khí mở rộng hoạt động trở lại

Diễn biến này giúp các doanh nghiệp trong ngành dầu khí được hưởng lợi như thế nào, khi thời điểm kết thúc năm và đánh giá kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh đang đến gần?

Giá dầu tăng, mở ra triển vọng phục hồi cho doanh nghiệp dầu khí Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, xét trong ngắn hạn, việc giá dầu tăng giai đoạn này là một chỉ báo tích cực cho ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty dầu khí đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Mặc dù vậy, dựa trên các yếu tố: (1) tác động thực sự lên kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ chỉ được thể hiện từ quý I/2017; (2) cần thời gian để quan sát thêm về mức độ thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC, cùng các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga và (3) độ trễ trong hoạt động của các công ty dầu khí khác nhau, do phụ thuộc vào kế hoạch và dự án lớn từ tập đoàn mẹ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nhóm dầu khí sẽ là nhóm cổ phiếu cần được theo dõi sát sao, với thứ tự ưu tiên lần lượt là các công ty con cấp 2 sau PVN, sau đó là các công ty cấp 3 - 4 trong giai đoạn đầu năm 2017.

Đồng thời, theo VCBS, với giả định rào cản trong hoạt động sản xuất than, dầu mỏ, dầu đá phiến của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump bị gỡ bỏ, vùng quanh 55 USD/thùng (giá hòa vốn của dầu đá phiến) sẽ là ngưỡng cản mạnh đối với giá dầu thô. Nhìn nhận từ góc độ các doanh nghiệp dầu khí trong nước, VCBS đánh giá kịch bản giá dầu thô thế giới duy trì ổn định trên mức 50 USD/thùng sẽ là điều kiện tốt để các doanh nghiệp ngành dầu khí mở rộng hoạt động trở lại sau một thời gian khá dài trầm lắng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) vẫn duy trì quan điểm khá thận trọng khi nhìn nhận về diễn biến giá dầu cũng như triển vọng cổ phiếu ngành dầu khí. Cụ thể, VPBS cho rằng, sẽ khó có triển vọng giá dầu trong thời gian tới vì rủi ro còn hiện hữu, giá dầu ít khả năng tạo được đột phá trong vòng 3 – 6 tháng tới. Bên cạnh đó, tuy rủi ro đã có chiều hướng giảm dần, nhưng lượng cung trên thị trường còn rất lớn, nên sự phục hồi giá loại nguyên liệu này sẽ diễn ra chậm hơn so với năm 2009.

Ông Lê Anh Minh, Giám đốc Phân tích VPBS cho rằng, giá dầu dù hồi phục nhưng hiện mới đang giao dịch ở mức gần 53 USD/thùng, trong khi ngưỡng 60 USD/thùng mới đủ để tạo thay đổi căn bản trong kết quả kinh doanh của các công ty dầu khí tại Việt nam. Chưa kể, cần lưu ý rằng, tổng lượng cắt giảm của tất cả các nước trong OPEC và ngoài OPEC ở mức 1,76 triệu thùng, tương đương chỉ 2% tổng cung dầu toàn cầu, một tỷ lệ khá khiêm tốn. Điều này còn chưa tính đến các hành vi vi phạm và xuất khẩu theo con đường phi chính thức gần như không thể kiểm soát và theo dõi được của các nước tham gia cam kết. Theo quan điểm của VPBS, giá dầu sẽ khó tăng mạnh ít nhất đến giữa năm 2017.

Trái với cái nhìn thận trọng của các công ty chứng khoán trong nước, nhiều chiến lược gia trên thế giới đang lạc quan về diễn biến của giá dầu khi cho rằng, nếu các nước OPEC và ngoài OPEC tuân thủ đầy đủ việc cắt giảm sản lượng, bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ trong ngắn hạn đều khó có khả năng gây áp lực giảm giá lên giá dầu.

Trao đổi với hãng tin CNBC ngày 12/12, ông Daniel Hynes, Chiến lược gia thị trường hàng hóa của Ngân hàng ANZ  dự báo giá dầu sẽ tiến lên mức 65 USD/thùng trong quý I/2017. 

PVD, PVS, GAS, PXS... cơ hội lớn hơn rủi ro

Theo VCBS, giá dầu tăng luôn tạo ra kỳ vọng tích cực ngắn hạn trên thị trường và ngay lập tức tác động lên thị giá của các cổ phiếu họ dầu khí, đặc biệt là các mã như GAS, PVD, bởi đây là các công ty vốn hóa lớn đang niêm yết, có hoạt động sản xuất - kinh doanh bám sát với diễn biến giá dầu nhất trong “họ” PVN. Tuy nhiên, để thực sự thấy rõ ảnh hưởng biến động giá dầu lên kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, cần có một độ trễ nhất định, thông thường từ 3 - 6 tháng.

Dựa theo các dữ liệu lịch sử, lợi nhuận của GAS và PVD suy giảm ngay từ quý I/2015 (3 - 4 tháng khi giá dầu Brent lao dốc từ hơn 100 USD/thùng về 45 USD/thùng), sớm hơn nhiều so với các doanh nghiệp họ dầu khí niêm yết khác như PVS, PVC…

3 quý đầu năm 2016, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) chỉ đạt lợi nhuận sau thuế gần 750 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận quý III sụt giảm mạnh, trong đó dịch vụ kỹ thuật dầu khí, dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng phục vụ hoạt động dầu khí giảm trên 50%; các dịch vụ khảo sát địa chấn (2D, 3D), hoạt động đầu tư liên doanh, liên kết trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa giàn khoan không có lãi. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh toàn diện cũng tác động đến hiệu quả hoạt động của PVS.

Tuy nhiên, việc giá dầu thô hồi phục mạnh từ đầu quý IV đã giúp Công ty đạt được kết quả cả năm khá tích cực. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc PVS cho biết, năm 2016, Công ty ước đạt 1.140 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch. Hoạch định kế hoạch năm 2017, lãnh đạo PVS cho biết, Công ty tiếp tục xây dựng kế hoạch dựa trên biến động của giá dầu và sẽ phân ra các kịch bản để đối phó. Năm 2016, PVS từng đưa ra 3 kịch bản giá dầu khác nhau với mức giá dầu thô ở mức bình quân 60 USD/thùng, 40USD/thùng và 25 - 30 USD/thùng

Tổng công ty cổ phần Khoan và Kỹ thuật khoan dầu khí (PVD) cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến động của giá dầu. Hiện nay, dù giá dầu đã tiến triển khá tốt nhưng vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng. Theo PVD, trong bối cảnh hiện tại, Công ty sẽ tập trung một số giải pháp chính như tăng cường công tác tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường ra nước ngoài như Myanmar, Malaysia, Trung Đông, đặc biệt là cho các giàn khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan; tiếp tục cắt giảm chi phí, nhất là với các giàn khoan đang chờ việc, nên lợi nhuận năm 2016 của Công ty chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2015.

Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam (GAS) và PVD là 2 mã đầu ngành và cũng khá nhạy cảm với diễn biến của giá dầu. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giá dầu, cả 2 công ty đều nhận được những trợ lực tích cực khác trong năm 2016. Theo đó, GAS dự kiến có thể nhận một khoản hồi tố khoảng 1.800 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm 2016 và bản thân hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn đang ổn định. Trong khi PVD dự kiến sẽ giảm bớt được áp lực giảm giá thuê giàn và có thể ký thêm các hợp đồng mới cho thuê giàn khoan trong thời gian tới.

Giá dầu tốt hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp họ dầu khí, tuy nhiên, năm 2016 chưa hẳn là một năm tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành. VPBS đưa ra con số dự phóng lợi nhuận năm 2016 của một số “ông lớn” trong ngành như PVS đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 1.031 tỷ đồng, giảm 32,2%; PVD đạt 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 93,6%; và GAS đạt 7.712 tỷ đồng, giảm 9,6% so với năm trước.

Một thực tế là đa số doanh nghiệp trong ngành dầu khí đều có nền tảng tài chính tốt, doanh thu và lợi nhuận suy giảm chỉ mang tính giai đoạn nhất thời, nhưng giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh. Theo tính toán sơ bộ, hiện có một số doanh nghiệp có P/E dự phóng 2016 ở mức cao (do EPS nhiều khả năng giảm), nhưng xét theo P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) hay tỷ lệ cổ tức/thị giá thì cổ phiếu lại rất hấp dẫn. Do đó, đối với những nhà đầu tư giá trị, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra khuyến nghị có thể tính toán giải ngân, đặc biệt đối với các cổ phiếu đang có hệ số P/B quá thấp.    

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục