Doanh nghiệp đang có thời cơ vàng để bứt phá

(ĐTCK) Khảo sát mới đây của Công ty cổ phần Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tiến hành với 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất cho thấy, bên cạnh hai vấn đề thường xuyên gây “đau đầu” cho cả doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách là thủ tục hành chính và thuế thu nhập doanh nghiệp thì cải thiện môi trường pháp lý là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn.
Doanh nghiệp đang có thời cơ vàng để bứt phá

"Tinh thần cải cách là kim chỉ nam cho mọi chỉ đạo của Chính phủ"

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam

Kể từ khi Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành năm 2014 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đã được thụ hưởng nhiều thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý và quy định pháp luật liên quan tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nổi bật nhất là tinh thần cải cách đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chỉ đạo của Chính phủ, là thước đo đánh giá kết quả đạt được ở mỗi ngành, cơ quan, mỗi địa phương.

Những nỗ lực trên của cả khu vực công và tư đã đem lại kết quả: Việt Nam tăng 14 bậc để về xếp ở vị trí 73/136 tại bảng xếp hạng và đứng thứ hai trong 10 quốc gia dẫn đầu về nỗ lực thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Báo cáo thuận lợi hóa thương mại 2016). 

"Tiếng nói của doanh nghiệp ngày càng được coi trọng"

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng Giám đốc Vinatex

Chính phủ nhiệm kỳ mới đã nêu cao tinh thần quyết tâm trong kiến tạo hành động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế, thể hiện trong Nghị Quyết 19 mới nhất với việc chi tiết hóa nhiệm vụ của từng bộ ngành, gắn với những chỉ số cần thay đổi, cải cách.

Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đang dần trở thành một kênh tham vấn quan trọng để các cơ quan quản lý tìm hiểu thực tiễn và từ đó có những điều chỉnh, thay đổi trong quy định của pháp luật hiện hành. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao điều này và mong rằng những cải thiện đó sẽ được phát huy mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong thực tiễn.

Việc thay đổi bất kỳ chính sách nào cũng cần có sự tham vấn kỹ càng các bên liên quan, trong đó có doanh nghiệp, và cần có lộ trình thực hiện rõ ràng để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị. 

"Việc Thủ tướng lắng nghe tạo hậu thuẫn cho doanh nghiệp phát triển"

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen

Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm sát sao của Chính phủ nhiệm kỳ mới đối với các vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô, đặc biệt là sự cầu thị, quan tâm của Thủ tướng trong việc định kỳ tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, thể hiện tinh thần trách nhiệm, thiện chí cao. Việc Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết các rào cản, hậu thuẫn tích cực cho doanh nghiệp phát triển.

Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã có sự hồi phục tích cực, tạo đà cho tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt như nợ công tăng cao, bội chi ngân sách, nợ xấu xử lý chậm, lãi suất ngân hàng cao và có tín hiệu gia tăng, dư địa điều chỉnh chính sách tài khóa không còn nhiều…

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến khó lường như xu thế trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại một số quốc gia đang trở thành thách thức lớn nhất của trào lưu tự do thương mại; sự cơ cấu lại của các chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó tạo ra sự dịch chuyển mới trong phân công sản xuất và các chuỗi sản xuất; xu hướng phát triển nhanh và mạnh của cuộc cách mạng 4.0 mà rất nhiều quốc gia đang bắt đầu tính tới… Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động lớn tới kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2017, cần có sự linh hoạt, thận trọng trong chính sách và nỗ lực điều hành của Chính phủ, cũng như các giải pháp hỗ trợ tích cực cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Về vĩ mô, cần có các giải pháp điều hành hiệu quả trong quản lý đầu tư, đảm bảo ổn định tiền tệ và chính sách tài khoá, kiểm soát được nợ công, minh bạch hóa đầu tư công, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển. Về vi mô, Chính phủ nên quan tâm tới các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

"Ứng dụng công nghệ đã trở thành mục tiêu ưu tiên của Chính phủ"

Ông Võ Quang Huệ, Phó chủ tịch EuroCham

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc các chuỗi giá trị của nền kinh tế, đặc biệt là trong ngành sản xuất của một quốc gia. Nhiều nghề nghiệp sẽ biến mất, đồng thời xuất hiện thêm những nghề mới.

Việt Nam đang và sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ những thay đổi này. Trong bối cảnh này, EuroCham rất hoan nghênh việc Chính phủ có nhiều đề xuất nhằm xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh và ứng dụng giải pháp công nghệ cao vào nhiều lĩnh vực, ví dụ nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia giàu sức cạnh tranh và thực sự sẵn sàng hành động nhằm hướng đến hội nhập vào thị trường toàn cầu. Sự phát triển của hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành quả của sự chủ động này, dù vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết. Theo Chỉ số hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 9 bậc kể từ năm 2015 và hiện đang đứng ở vị trí 82 trong tổng số 190 quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng để vươn lên các vị trí cao hơn.

Là một phần trong các nỗ lực đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đã trở thành mục tiêu ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển Chính phủ điện tử, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng.

Chúng tôi vui mừng được biết khái niệm Chính phủ điện tử cũng nằm trong mục tiêu của Nghị quyết 36a/NĐ-CP và hy vọng có thể hợp tác với Chính phủ và các cơ quan chính quyền để đạt được mục tiêu này.  

"Doanh nghiệp đang có thời cơ vàng để bứt phá"

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng

Hiện tại là thời cơ vàng để doanh nghiệp bứt phá, bởi cộng đồng doanh nghiệp đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Trong đó, tư duy điều hành của Chính phủ đã có sự thay đổi, chuyển từ quản lý sang phục vụ. Đây là tư duy của một Chính phủ kiến tạo, là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thực sự mong đợi.

Theo đó, rất nhiều quyết sách quan trọng đã được Chính phủ đưa ra, đặc biệt là Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã tạo một luồng sinh khí mới trong đời sống doanh nhân, doanh nghiệp.

2016 cũng là năm ghi nhận nhiều quy định pháp lý cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp, hoặc ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh đã được bãi bỏ, thay thế. Điều này cho thấy, Chính phủ đã biết lắng nghe hơn những khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh tích cực.

Hiện tại, một cơ hội rất lớn đang đến với chúng ta. Đó chính là việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC năm 2017. Sẽ có hơn 100 hội nghị, trong đó có 20 hội nghị cấp bộ trưởng trở lên với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp các nước và khoảng 6.000 phóng viên quốc tế cùng tham dự. Đây là cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và hiện thực hóa giấc mơ vươn ra thế giới. Chưa kể, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do. Việc này sẽ mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước, nếu chúng ta chuẩn bị kỹ để đón nhận.  

"Hiệu quả của luật phụ thuộc vào tính minh bạch trong thực thi"

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VCS Stone

Thực tế, các doanh nghiệp có hệ thống và trình độ quản trị quốc tế đều có những hoạt động hội nhập rất tốt và nhiều trong số đó đã và đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tuy ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp. Trước hết, do quy mô của các doanh nghiệp hầu hết là quá nhỏ, năng lực tài chính yếu. Đặc biệt, trình độ quản trị của các doanh nghiệp đa số ở mức thấp, hiểu biết về môi trường kinh doanh quốc tế không nhiều.

Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong muốn có chính sách thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Với họ, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bắt buộc phải hội nhập. Muốn hội nhập thì phải đảm bảo ít nhất là: hiểu được luật pháp Việt Nam và quốc tế để tuân thủ pháp luật, dù ở bất cứ nơi đâu; hội nhập với trình độ quản trị quốc tế, muốn vậy phải có nguồn nhân lực trình độ quốc tế, chuyên nghiệp và kinh nghiệm; có chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược về nguồn lực rõ ràng và phù hợp với chuỗi giá trị mình muốn tham gia.

Với kinh doanh, yếu tố sống còn để phát triển bền vững là phải có nguồn lực con người đủ mạnh, trên nền tảng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, với trách nhiệm giải trình minh bạch, sau đó mới là nền tảng công nghệ, vốn và thiết bị.

Nhóm PV thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục