Doanh nghiệp coi nhẹ công bố thông tin, vì sao?

(ĐTCK-online) Sau hơn 4 tháng đi vào vận hành, thị trường UPCoM đã thu hút được 21 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch với giá trị vốn hoá khoảng 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính thanh khoản của thị trường này không cao.
Không ít doanh nghiệp vẫn có nguyện vọng lên đăng ký giao dịch tại UPCoM.

Bất cập lớn của sàn UPCoM từ khi được đưa vào vận hành đến nay vẫn là vấn đề cơ chế khớp lệnh mà nhiều thành viên thị trường đã kiến nghị thay đổi. Theo các CTCK, việc sàn UPCoM không khớp lệnh liên tục đã làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu. Bởi lẽ, muốn bán 10.000 cổ phiếu thì phải tìm được người mua đúng cả về giá và khối lượng. Quy định này khiến nhà đầu tư khó giao dịch, khó kết nối cung - cầu thực.

Khi thành lập UPCoM, mục đích của cơ quan quản lý là các CTCK sẽ trở thành nhà tạo lập thị trường thông qua cách thức giao dịch như hiện nay. Với những doanh nghiệp CTCK bảo trợ giao dịch, CTCK có thể mua đi bán lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, không mấy CTCK hào hứng trở thành nhà tạo lập thị trường.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có đề xuất tiến tới khớp lệnh liên tục cho thị trường UPCoM nhằm nâng cao năng lực giao dịch. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp vẫn có nguyện vọng lên đăng ký giao dịch tại UPCoM và đối với một số mã cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn này, hàng ngày vẫn có giá trị giao dịch lớn, nên có thể khẳng định nhà đầu tư và doanh nghiệp không quay lưng lại với thị trường. Do đó, nếu thực hiện khớp lệnh liên tục thì đây sẽ là sự hỗ trợ cơ bản cho tính thanh khoản trên  cho thị trường UPCoM.

Đối với thị trường OTC, một số CTCK đã có đề xuất liên kết với nhau để giao dịch những cổ phiếu tốt. Một vị lãnh đạo UBCK cho biết, Ủy ban sẽ ủng hộ nếu các công ty đưa ra phương án hợp lý. Trên thực tế, UBCK đã có có chủ trương cho phép các CTCK áp dụng các sản phẩm mới với điều kiện trước khi đưa vào áp dụng phải xin phép UBCK.

Hiện tại, vấn đề được quan tâm nhất và cũng là vướng mắc của thị trường OTC, theo các chuyên gia, CTCK và nhà đầu tư là việc công bố thông tin ra thị trường của các công ty đại chúng quá yếu. Ngay cả khi giao dịch trên UPCoM - thị trường có quản lý, thì việc công bố thông tin của doanh nghiệp cũng rất mờ nhạt. Tại thị trường này, doanh nghiệp không phải công bố báo cáo tài chính quý nên nhà đầu tư thiếu thông tin để phân tích tìm cơ hội đầu tư. Ngoại trừ một số doanh nghiệp ý thức được vai trò quan trọng của việc công bố thông tin hoặc có tin hỗ trợ giá cổ phiếu mới thực hiện công bố, thì phần lớn doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin theo quý.

Trên thực tế, thanh khoản trên thị trường OTC chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu chuẩn bị niêm yết. Điều này không chỉ do hứa hẹn về thanh khoản và giá tăng khi lên sàn, mà quan trọng là nhà đầu tư nắm được nhiều thông tin hơn khi doanh nghiệp phải làm các thủ tục niêm yết và công bố bản cáo bạch ra thị trường.

 

Ông Hoàng Minh Sơn - Giám đốc CTCP OTC Việt Nam:

 

Trên thị trường OTC hiện nay, quy định về công bố thông tin đối với công ty đại chúng đã có, nhưng việc thực hiện hầu như không chặt chẽ và không bắt buộc. Theo báo cáo của UBCK, hiện có khoảng 4.000 công ty đại chúng, nhưng khi vào website của cơ quan này thì thấy, rất nhiều công ty có nghĩa vụ công bố thông tin đã không thực hiện nghiêm túc việc này. Thông tin đăng tải tại đây cũng không thực sự mới mẻ, nói cách khác, các DN chưa quan tâm tới việc công bố thông tin.

 

Theo thống kê trên website www.sanotc.com, thị trường OTC hiện có 1.709 cổ phiếu đang giao dịch, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn thờ ơ với vấn đề cung cấp thông tin cho thị trường, cho nhà đầu tư. Có thể họ chưa nhận ra tầm quan trọng của việc công bố thông tin khi tham gia thị trường vốn. Sức mạnh của việc minh bạch thông tin cũng chưa được doanh nghiệp nhìn nhận đúng. Chưa kể đến sự mù mờ về quy định công bố thông tin của một số lãnh đạo doanh nghiệp. Phổ biến nhất là việc doanh nghiệp phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng không xin phép UBCK, phát hành riêng lẻ không báo cáo… Đã có nhiều doanh nghiệp bị nhận quyết định xử phạt của UBCK về vấn đề này như CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ bị phạt tiền 5 triệu đồng, CTCP Hà Châu OSC bị phạt tiền 30 triệu đồng, CTCP Long Hậu bị phạt 75 triệu đồng… Tất cả đều do phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ mà không báo cáo với UBCK, không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc không phân phối theo quy định. Kết quả kinh doanh không tốt như dự kiến cũng là một trong những lý do khiến công ty đại chúng ngại không công bố thông tin.

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục