Doanh nghiệp có thể tiếp cận được 30.000 tỷ USD từ các quỹ ESG

(ĐTCK) Thống kê tại châu Á, các quỹ đầu tư ESG tăng mạnh trong 10 năm trở lại đây, tổng tài sản lên đến 58.000 tỷ USD, gấp 10 lần, trong khi thị trường Việt Nam mới chỉ có một quỹ đầu tư ESG.

Quy mô quỹ ESG lên đến 30.000 tỷ đồng năm 2025

Chia sẻ tại Hội thảo IR View diễn ra sáng ngày 24/9, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Trung tâm Phân tích SSV cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng dữ liệu ESG có lẽ là rào cản rất lớn với các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.

Hiện tại chỉ có 3% các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thông tin về các phân tích, đánh giá mức độ thực hành ESG, hay có 44% doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện và có kế hoạch thực hiện ESG.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang rất coi trọng về vấn đề xếp hạng quản trị.

Theo bà Ly, dù số lượng quỹ đầu tư ESG tại Việt nam còn chưa nhiều nhưng đã có những doanh nghiệp niêm yết thu hút được rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Ví dụ điển hình như VNM thu hút được 300 quỹ nước ngoài, trong đó có đến 126 quỹ đầu tư ESG.

“Từ đó cho thấy việc chủ động thực hành báo cáo thông tin ESG giúp doanh nghiệp niêm yết tiếp cận đến quỹ ESG toàn cầu với quy mô lớn, ước tính 30.000 tỷ USD năm 2025 và lên đến 40.000 tỷ USD vào năm 2050”, bà Ly cho biết.

Ngoài thu hút đầu tư, ESG còn nâng cao giá trị hình ảnh, năng lực cạnh tranh, thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời là những động lực thôi thúc doanh nghiệp thực hành báo cáo phát triển bền vững.

Chia sẻ bên lề sự kiện, Trưởng ban Quan hệ IR VNM, ông Đồng Quang Trung cho biết, yếu tố xanh rất thu hút các nhà đầu tư châu Âu, họ có những chuyên viên phân tích phụ trách riêng về ESG, trong khi thị trường Mỹ và châu Á thì các nhà phân tích quan tâm nhiều hơn tới các chỉ số tài chính.

Có những quỹ huy động vốn từ các nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư các doanh nghiệp thực hành tốt về ESG. Khi thực hành tốt ESG, doanh nghiệp không chỉ thu hút vốn ở góc độ tài chính từ các quỹ ESG, mà bản thân doanh nghiệp cũng góp phần thu hút, tạo thiện cảm với người tiêu dùng đang có nhu cầu cao hơn với các sản phẩm xanh.

"Hiện nhà đầu tư châu Âu chiếm khoảng gần 10% tổng giá trị vốn hóa VNM, riêng nhà đầu tư từ Anh đã trên 5%", ông Trung nói cho biết thêm, hiện hoạt động IR của VNM xây dựng trên 4 trụ chính là minh bạch, khả năng tiếp cận, sự tham gia và xử lý khủng hoảng. Trong đó, minh bạch được thể hiện qua việc cung cấp thông tin qua nhiều kênh khác nhau, song ngữ, tuân thủ quy định công bố thông tin. VNM xây dựng hệ thống để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin VNM, các tài liệu được cập nhật thường xuyên hàng quý để đảm bảo nhà đầu tư nắm rõ nhất thông tin về doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, VNM luôn có ứng dụng các cuộc họp trực tuyến để nhà đầu tư có thể tham gia các cuộc họp của Công ty. Trước đây, ĐHĐCĐ tổ chức trực tiếp của Công ty có khoảng 400 - 500 nhà đầu tư tham dự, đến nay con số đã tăng lên 1.300 nhà đầu tư nhờ tổ chức trực tuyến.

Ngoài ra, VNM dùng các hệ thống quản lý khủng hoảng truyền thông. Hàng ngày, hệ thống sẽ gửi về các email để quản lý các thông tin trên mạng xã hội, internet, nếu có sai lệch thì sẽ cùng bộ phận truyền thông, quan hệ công chúng để đính chính thông tin qua các kênh truyền thông.

Hội thảo IR View diễn ra sáng ngày 24/9

Về cách tiếp cận nhà đầu tư tổ chức, ông Trung cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới VNM. Hiện danh sách cổ đông của Công ty có 500 nhà đầu tư ngoại, 300 trong đó là các quỹ. Hàng năm, VNM vẫn dành nguồn lực để tham gia 10 sự kiện đầu tư thu hút vốn ở các thị trường trọng điểm là Singapore, Anh, Mỹ, Hồng Kong (Trung Quốc). Ngoài ra, VNM cũng cung cấp nhiều thông tin chuyên sâu về vĩ mô, ngành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Với doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn PAN cho biết, dù Việt Nam đứng thứ hạng khá cao trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhưng lại xếp vị trí khá thấp trong chuỗi giá trị, chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt là hàng có thương hiệu. Vì vậy, ban điều hành của PAN Group đề ra mục tiêu rõ ràng trong việc đầu tư vào doanh nghiệp cùng tầm nhìn và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Hiện nay, PAN Group ghi nhận phần lớn doanh thu từ xuất khẩu, với đóng góp 50%, chủ yếu tới các thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Canada, Úc, Hàn Quốc.

"Để làm được điều đó chúng tôi phải xây dựng quy trình sản xuất rất khắt khe đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các tiêu chí phát triển bền vững", ông Hiệp nhấn mạnh và cho biết thêm, trong vòng 5 năm trở lại đây, các hệ thống quản trị ESG của doanh nghiệp được quan tâm đặc biệt, điều đó dẫn tới nhiều sự thay đổi liên quan tới chính sách, đòi hỏi sự thay đổi của doanh nghiệp và tại PAN Group cũng đã có sự chuẩn bị.

Doanh nghiệp có thể tiếp cận “vốn xanh” từ ngân hàng trong nước

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Vương Huy Đông, Phó Thư ký HĐQT và Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) cho biết, Ngân hàng có nhiều hoạt động phát triển bền vững. VietinBank đã ký biên bản hợp tác với MUFG tại Hội nghị COP28 thu xếp 1 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững.

Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững.

Tổng dự nợ tín dụng xanh của VietinBank đạt 42.300 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng dư nợ tín dụng, gần 1.000 khách hàng. Không chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh mà còn khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia vào chuỗi cung ứng xanh.

Tại ACB, ông Trần Vũ Hiền, Giám đốc Khối Tài chính cho biết, Ngân hàng có gói tín dụng xanh hơn 2.000 tỷ đồng đã giải ngân hết, gồm khách hàng doanh nghiệp xanh, và chưa xanh nhưng cần vốn để xanh hơn (cải thiện hệ thống xử lý nước thải, dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng, cải thiện hệ thống lọc không khí…) đều có thể tiếp cận. ACB sẽ gia hạn tiếp để các doanh nghiệp tiếp tục hành trình xanh của mình.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ HD (HDCapital), các công ty trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm thường có hoạt động IR tốt hơn so với một số lĩnh vực khác như bất động sản hay xây dựng.

Về xu hướng ESG, ông Long đưa ra dẫn chứng con số ấn tượng, có khoảng 140.000 tỷ USD đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu, gấp 5 lần GDP của Mỹ. Đây là lượng vốn khổng lồ và có thể làm thay đổi bức tranh của một ngành.

"Tính minh bạch và chính xác của thông tin, sự công bằng trong đối xử với cổ đông, và khả năng xây dựng niềm tin dài hạn sẽ tạo cơ hội thu hút vốn cho doanh nghiệp", ông Long nhấn mạnh.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục