Quy định là phải qua UPCoM
Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN (có hiệu lực từ 1/1/2014), trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trường hợp DN CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK, sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các Sở GDCK.
… nhưng DN muốn lên Sở thì sao?
Nếu thực hiện “cứng” theo quy định trên, theo ý kiến của một số lãnh đạo DN, sẽ không đáp ứng được mong muốn của họ, cũng như các cổ đông hậu CPH. Lý do là bởi hiện nay sàn UPCoM kém thanh khoản, không thích hợp với những DN có vốn hàng ngàn tỷ đồng, những DN đầu ngành. Bởi vậy, không ít DN lớn đã và sắp CPH tỏ ý không muốn đi đường vòng qua UPCoM, mà niêm yết thẳng lên Sở GDCK. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) dự kiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 12 tới trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), sau đó niêm yết trên sàn này.
Tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây, trả lời câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm là sau IPO, Vietnam Airlines sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM, hay niêm yết thẳng lên HOSE hoặc Sở GDCK Hà Nội (HNX), ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines cho biết, sau khi hoàn thành CPH trong quý I/2015, Tổng công ty sẽ thực hiện đúng quy định về niêm yết cổ phiếu trên TTCK, tuy nhiên hiện chưa chốt sẽ niêm yết trên HOSE hay HNX.
Theo ý kiến của các DN, bản chất của quy định mới về CPH gắn với TTCK tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg là nhằm khắc phục tình trạng nhức nhối tồn tại trong nhiều năm qua: rất nhiều DN sau khi CPH không có lộ trình niêm yết, nên tính minh bạch của DN hậu CPH không cao, cũng như khó bảo về quyền và lợi ích cho các cổ đông. Việc niêm yết thẳng trên HOSE hoặc HNX là nhu cầu chính đáng của DN và cần được khuyến khích, bởi nó hoàn toàn đáp ứng mục tiêu quan trọng mà cơ quan quản lý đặt ra là sau CPH, DN phải niêm yết để đảm bảo hoạt động minh bạch…
Các DN đang chờ đợi, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khi ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 51/2014/QĐ-TTg cần tháo gỡ bất cập trên theo hướng những DN đủ điều kiện niêm yết thì tạo điều kiện cho DN niêm yết thẳng, chứ không nhất thiết phải qua sàn UPCoM. Việc buộc đăng ký giao dịch trên UPCoM chỉ nên là công cụ chốt chặn những DN cố tình né tránh nghĩa vụ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên TTCK, chứ không nên buộc các DN đủ điều kiện niêm yết thẳng trên Sở GDCK phải tuân thủ.
Hướng giải quyết
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg buộc DN sau CPH phải đăng ký giao dịch qua UPCoM là theo thông lệ quốc tế, là bước quá độ để giúp DN làm quen với các quy chuẩn về minh bạch, công bố thông tin trên TTCK, cũng như có thời gian để hoàn tất thủ tục chuyển lên niêm yết trên Sở GDCK. Với quy định hiện hành, các DN ngay sau CPH sẽ khó đáp ứng ngay các điều kiện niêm yết, cũng như yêu cầu về thời gian để hoàn tất các thủ tục chuyển đổi từ DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang tìm hướng tháo gỡ cho những trường hợp không muốn qua sàn UPCoM, mà muốn lên niêm yết thẳng trên HOSE hoặc HNX, khi đáp ứng các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Cụ thể, việc soạn thảo văn bản hướng dẫn Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đang được UBCK tiến hành khẩn trương. Trong đó, UBCK dự kiến yêu cầu DN hoàn thiện song song hai hồ sơ: đăng ký giao dịch trên UPCoM và niêm yết trên Sở GDCK. Trường hợp DN CPH đáp ứng được các điều kiện niêm yết, đồng thời kịp hoàn tất hồ sơ niêm yết trên Sở GDCK, thì sẽ cho phép DN không cần đăng ký giao dịch qua UPCoM.
Trường hợp DN sau CPH không kịp hoàn thiện hồ sơ niêm yết, cũng như với những DN chưa đủ điều kiện niêm yết, thì phải đăng ký giao dịch cổ phiếu qua UPCoM theo đúng quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg. Quy định chặt chẽ này nhằm khắc phục tình trạng nhức nhối nêu trên, tránh trường hợp DN khi đăng ký lên niêm yết, nhưng cố tình chậm trễ hoàn thiện hồ sơ, để vừa chưa lên niêm yết, đồng thời trốn nghĩa vụ đăng ký giao dịch qua UPCoM.