Doanh nghiệp cơ khí tìm cách tự chủ

(ĐTCK) Trong tổng số 6 dự án hóa chất lớn triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) của Việt Nam, có tới 5 dự án nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC; 49 trên tổng số 62 dự án xi măng nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc; toàn bộ 2 dự án chế biến khoáng sản; 16/27 dự án nhiệt điện hiện do Trung Quốc nắm giữ, chưa kể nhiều dự án giao thông và nhiều lĩnh vực quan trọng khác cũng trong tình trạng tương tự.

Những con số thực tế mà Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam nêu ra tại một hội thảo mới đây với chủ đề tự chủ kinh tế quả thực khiến không ít người phải giật mình về tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc của nền sản xuất Việt Nam.

Hệ lụy của sự phụ thuộc này, đó là phần lớn các dự án đều bị chậm tiến độ từ 3 tháng tới 3 năm, chất lượng thiết bị máy móc không đồng đều, trong đó một số thiết bị phụ trợ chất lượng không đảm bảo và thường bị thay thế so với thiết kế ban đầu, dẫn tới việc đội giá hợp đồng… Nhưng đáng buồn hơn, các nhà thầu Trung Quốc gần như đang giành “miếng cơm” của các nhà thầu phụ Việt Nam hoặc nếu có, cũng chỉ để lại một phần rất nhỏ.

Lấy ví dụ về 2 dự án cụ thể là Nhà máy Alumin Lâm Đồng với tổng giá trị gói thầu lên tới 466 triệu USD, nhưng các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ nhận được chưa tới 8 triệu USD và Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có tổng trị giá 499 triệu USD chỉ giao cho các nhà thầu Việt Nam 2,5 triệu USD, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam đang chịu nhiều thiệt thòi và bị ảnh hưởng nặng nề từ thực trạng nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Theo ông Thụ, nếu các dự án này do nhà thầu đến từ châu Âu hoặc các nước phát triển khác làm tổng thầu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội ký được các hợp đồng thầu phụ với giá trị cao hơn và được chuyển giao công nghệ tốt hơn.

“Các nhà thầu châu Âu khi ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam thường đưa ra những yêu cầu về cơ cấu quản lý, tay nghề của nhà thầu phụ, cũng như sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do đó, nếu dự án do họ trúng thầu, một mặt các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhận được các hợp đồng thầu phụ có trị giá từ 15 - 20% tổng giá trị gói thầu, mặt khác nâng cao được chất lượng lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật và được chuyển giao công nghệ”, ông Thụ nói.

Điều đáng lo ngại là mặc dù các dự án do Trung Quốc trúng thầu có kết quả kém, song xu hướng trúng thầu của các nhà thầu này tăng hàng năm, kéo theo việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũng tăng theo. Con số hiệp hội này đưa ra về tình trạng nhập siêu trong ngành công nghiệp cơ khí cho thấy, nếu như năm 2002 nhập siêu từ Trung Quốc mới chỉ ở mức 1 tỷ USD, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên tới 20 tỷ USD, trong đó nhập siêu nhóm thiết bị đồng bộ hàng năm lên tới 10 tỷ USD. 

Trước thực trạng này, Hiệp hội Doanh nghiêp Cơ khí Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp tăng cường giám sát, kiểm tra, có chế tài hiệu quả, nhằm khắc phục tình trạng nhiều dự án trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực nhiệt điện, khai khoáng, xi măng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện không tạo điều kiện cho nhà thầu phụ Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị sớm có những chủ trương, chính sách nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các công trình, cũng như có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí, phụ trợ Việt Nam phát triển, đủ năng lực tham gia các dự án, công trình công nghiệp trong và ngoài nước.

Trước biến cố Biển Đông, Hiệp hội đề xuất cho kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do nhà thầu Trung Quốc đang thi công dở dang, để huy động nguồn lực trong nước phối hợp với các nhà thầu nước ngoài hoàn chỉnh dự án, coi đây là cơ hội để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vượt lên phát triển.            

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục