Theo báo cáo của Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, tính đến hết năm 2014, ngành cơ khí mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu về cơ khí của toàn quốc, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là phải đáp ứng được 45 - 50%. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của ngành cơ khí đạt 15,23 tỷ USD, song giá trị nhập khẩu các sản phẩm cơ khí tới 26,5 tỷ USD, tức nhập siêu hơn 10 tỷ USD. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt hơn 30%, thấp hơn mục tiêu phải đạt 40 - 50%.
Xét về cơ cấu sản phẩm, nhiều loại sản phẩm cơ khí quan trọng đang chịu sự cạnh tranh và thua kém hàng ngoại nhập hoặc do các doanh nghiệp FDI sản xuất như ô tô, xe máy; hàng điện tử - đồ gia dụng; thiết bị điện; dây chuyền sản xuất công nghiệp đồng bộ; thiết bị cho các nhà máy điện; xi măng.
Bản thân các doanh nghiệp trong ngành nhìn chung phát triển còn manh mún, chậm đổi mới và thiếu đồng bộ, mức độ chuyên môn hóa thấp; sản xuất chưa gắn kết với nhu cầu thị trường; sự liên kết giữa nghiên cứu và ứng dụng còn lỏng lẻo, đứt quãng…
Điều này cho thấy rõ sự yếu kém, trì trệ của ngành, dẫn tới sự chậm phát triển của các doanh nghiệp cơ khí, khiến các doanh nghiệp mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tiếp cận với sự tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ mới, để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Theo ông Nguyễn Chí Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự trì trệ, chậm phát triển của ngành cơ khí là do sự bất cập và thiếu tính thiết thực trong cơ chế chính sách đề ra tại Chiến lược phát triển ngành. Theo đó, phần lớn các chính sách còn chung chung, thiếu cụ thể và không sát với thực tiễn, đặc biệt là các cơ chế về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cũng đồng tình với nhận định này. Theo ông Cường, hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp cơ khí đang ở vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.
Trong khi chính sách cho phát triển ngành và hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí phát triển có, nhưng doanh nghiệp lại không tiếp cận được. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, đất đai đưa ra rất chung chung khiến doanh nghiệp khó có thể định lượng cụ thể để lập dự án và làm hồ sơ vay tiền.
“Không phải là các doanh nghiệp không nhìn nhận được các cơ hội, có doanh nghiệp đã đầu tư lớn từ nhiều năm nay để có thể đón đầu được chiến lược phát triển cơ khí và tìm cách tận dụng các cơ chế ưu đãi để phát triển, song thực sự rất khó”, ông Cường nói.
Đồng quan điểm, đại diện Viện Nghiên cứu cơ khí Narime đặt vấn đề, hiện nay các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về đầu tư, vốn vay, đất đai, thuế đã có đầy đủ, nhưng vấn đề quan trọng nhất là liệu các chính sách và cơ chế hỗ trợ này có thực sự đến được với các doanh nghiệp hay không?
Theo vị đại diện này, đây là những bất cập cần được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí, để có những hỗ trợ hiệu quả và thiết thực hơn cho doanh nghiệp phát triển trong điều kiện hội nhập, đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ ưu đãi, bởi khi hội nhập, các ưu đãi này sẽ phải xóa bỏ dần theo lộ trình cam kết.
Ở góc độ khác, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đề xuất, cần có sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước về thị trường để tạo cơ sở cho DN yên tâm đầu tư phát triển.
“Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tham gia vào các dự án trong nước thông qua việc quy định một tỷ lệ nội địa hóa, giúp doanh nghiệp có cơ sở khi đàm phán vay vốn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm cơ khí mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được và đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đồng, có giá cả hợp lý, thì nên có biện pháp hạn chế nhập khẩu để giảm sức ép cạnh tranh”, ông Quang kiến nghị.