Kể từ 1/7/2022, doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thuộc trường hơp rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Xếp loại doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn
Tổng cục Thuế sẽ xây dựng tiêu chí để xếp loại doanh nghiệp được coi là rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn. Cụ thể, cơ sở kinh doanh mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu như không góp vốn điều lệ theo quy định; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề; chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; doanh thu tăng đột biến (kỳ kê khai trước doanh thu rất thấp, xấp xỉ bằng không nhưng kỳ sau đột biến về doanh thu); giá trị hàng hóa bán ra, thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng hoặc chênh lệch rất nhỏ so với giá trị hàng hóa mua vào, thuế giá trị gia tăng đầu vào được coi là có độ rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn.
Cơ sở kinh doanh bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, hàng điện máy; kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vận tải, vật liệu xây dựng, xăng dầu, khoáng sản (than, cao lanh, quặng sắt...); kinh doanh nông lâm sản (dăm gỗ, gỗ ván, gỗ thanh,…) không được sử dụng hóa đơn điện tử bình thường mà buộc phải sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế do bị coi là có độ rủi ro cao về phát thành, sử dụng hóa đơn.
Doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng (hoặc không có kho hàng, không phát sinh chi phí thuê kho), không có tài sản cố định, hoặc lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10 lao động); doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh này nhưng có hóa đơn đầu vào thuê nhân công của doanh nghiệp tỉnh khác; doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở đăng ký kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Doanh nghiệp thay đổi người đại diện trước pháp luật từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng hoặc thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh. Doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng. Doanh thu kê khai hàng năm phát sinh từ trên 10 tỷ đồng nhưng số thuếgiá trị gia tăng phát sinh phải nộp thấp dưới 100 triệu đồng (1%) cũng bị coi là có độ rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa có doanh thu kỳ sau đột biến tăng (từ 3 lần trở lên so doanh thu bình quân của các kỳ trước) nhưng số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp thấp (dưới 1% doanh số phát sinh trong kỳ).
Doanh nghiệp có số lượng hoá đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với số lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước (tăng 2 đến 3 lần). Doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2.000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế kể từ 1/7/2022.
Đối tượng bị coi là có độ rủi ro cao về phát hành, sử dụng hóa đơn còn có doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn nhưng không báo cáo tình sử dụng hóa đơn hoặc chậm báo cáo; và các doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp báo cáo tài chính nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ dưới 100 triệu đồng.
Ngày càng có nhiều vụ việc nghiêm trọng
Mặc dù dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn lại rất “nhộn nhịp”.
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, nếu như năm 2019, cơ quan thuế phát hiện ra 135 trường hợp có hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an điều tra, xử lý thì năm 2020 phát hiện ra 162 trường hợp (tăng 20%).
Hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế, gian lận thuế không những gia tăng mà ngày càng có nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng như trường hợp của Công ty Junma (Phú Thọ); Công ty XNK EUROPA, Công ty Thương mại và XNK An Khánh, Công ty XNK và thương mại dịch vụ Minh Hải, Công ty XNK và thương mại Gia Bảo (Hà Nội); Vụ việc 15 công ty mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn do Ngô Văn Phát (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại xăng dầu Phát-Petraco (Hải Phòng) cầm đầu; và nhiều trường trường hợp nghiêm trọng khác đang được cơ quan công an xử lý tại một số địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, An Giang, khu vực Tây Nguyên…
Đặc biệt là vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trốn thuế ở An Giang, mới đây (ngày 11/3/2021) Công an tỉnh An Giang đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can trong “đường dây” mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trong đó có 3 cán bộ thuế thuộc Cục Thuế tỉnh An Giang có hành vi tiếp tay cho các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Tân Châu và huyện Tri Tôn mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
“Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngành thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý kịp thời sai phạm”, ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, bên cạnh tổ chức giám sát chặt chẽ đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn; kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách nhà nước, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp.