Doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sai thì dứt khoát thu hồi

0:00 / 0:00
0:00
Cần có quy định cụ thể để thu hồi được diện tích đất mà công ty cổ phần sử dụng khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt khi cổ phần hóa theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 60/2018/QH14.

Đó là nhận định của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Quốc hội đã yêu cầu thu hồi lại diện tích đất mà công ty cổ phần sử dụng khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt khi cổ phần hóa (CPH), nhưng dường như việc thu hồi đất đang gặp vướng mắc, thưa ông?

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính).

Năm 2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 60/2018/QH14, trong đó có yêu cầu: “Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật”.

Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp CPH sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017.

Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra nội dung này và nếu không có gì thay đổi, Chính phủ sẽ báo cáo kết quả thanh tra tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của Covid-19 và việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai các cuộc thanh tra vào thời điểm thích hợp.

Làm sao có thể thu hồi được những diện tích này, vì Luật Đất đai 2013 không có quy định thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng khác với phương án đã được phê duyệt khi thực hiện CPH?

Luật Đất đai nghiêm cấm việc không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Như vậy, mặc dù Luật Đất đai không quy định thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất khác với phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi thực hiện CPH, nhưng doanh nghiệp đã sử dụng đất không đúng với phương án đã được phê duyệt tức là vi phạm quy định cấm sử dụng đất không đúng mục đích thì Nhà nước có quyền thu hồi.

Theo tôi được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án xử lý đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ 37 địa phương thì diện tích đất sử dụng khác với phương án đã được phê duyệt khi CPH lên tới trên 193.700 m2. Vấn đề là toàn bộ diện tích đất này đã được cấp có thẩm quyền, mà cụ thể ở đây là UBND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng, tức là doanh nghiệp không sai?

Doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sai thì dứt khoát thu hồi. Ví dụ, phương án sử dụng đất trước khi CPH là để xây dựng văn phòng, làm nhà xưởng, nhưng sau khi CPH, nhiều doanh nghiệp sở hữu những mảnh đất vàng đã chuyển sang làm trung tâm thương mại, mở nhà hàng, quán nhậu… không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì dứt khoát phải thu hồi.

Trong trường hợp doanh nghiệp được địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải nộp tiền chênh lệch giữa 2 phương án sử dụng đất vì giá đất Nhà nước giao, cho thuê để làm văn phòng, nhà xưởng, khác với giá đất làm chung cư, trung tâm thương mại, nhà hàng…

Dư luận đặc biệt quan tâm đến hơn 6.080 m2 “đất kim cương” ở 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Thưa ông, liệu có thu hồi được diện tích này không?

Liên quan đến hơn 6.080 m2 đất ở 2-4-6 Hai Bà Trưng là sai phạm sau quá trình CPH chứ không phải trong quá trình CPH Sabeco. Việc chuyển đổi diện tích này từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân và chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê không qua đấu giá là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí và vi phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai.

Với những sai phạm này, sau khi vụ án kết thúc, Nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ diện tích, tổ chức đấu giá để sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Khi tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục, nhà đầu tư nào trả giá cao thì được quyền sử dụng, nhà đầu tư cũ muốn quay lại cũng phải tham gia đấu giá bình đẳng như tất cả các nhà đầu tư khác.

Để bịt lỗ hổng về quản lý đất đai trong quá trình CPH, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP, tuy nhiên chỉ xử lý đối với đất đai của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty con mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn. Thưa ông, quy định như vậy có dẫn đến thất thoát đất đai tại công ty cổ phần, liên doanh có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước?

Quản lý đất đai thì thực hiện theo Luật Đất đai; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, còn Nghị định 140/2020/NĐ-CP chỉ xử lý phương án sử dụng đất khi CPH. Theo đó, phương án sử dụng đất khi CPH là tập hợp các đề xuất về hình thức sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) đối với các diện tích đất của doanh nghiệp CPH và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lý do không xử lý diện tích đất của công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn góp của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là vì các doanh nghiệp này sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào những doanh nghiệp này cũng chỉ là cổ đông bình đẳng như các cổ đông khác, chỉ quan tâm, theo dõi, giám sát số vốn góp, vốn cổ phần của mình, chứ không có quyền với các tài sản, diện tích đất đai của doanh nghiệp mà mình góp vốn, góp cổ phần.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục