Sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn vì Covid-19. Doanh thu giảm, lợi nhuận lao dốc, nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực chuyển động để vượt qua giai đoạn này.
Công ty Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex), doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất quế, hồi khép kín với nhà máy chế biến tại Yên Bái đang hoàn thiện thủ tục để chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần.
Sở hữu “hệ sinh thái” về vùng trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm quế, hồi được cấp chứng nhận hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Vinasamex vừa “gật đầu” với một đối tác Hà Lan để doanh nghiệp này góp vốn với tỷ lệ ban đầu 20% tại doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Vinasamex cho biết, do đặc thù sản phẩm và phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Công ty không bị ảnh hưởng nặng như nhiều lĩnh vực sản xuất khác, đơn hàng vẫn được xuất đi đều, dẫu khâu thanh toán có chậm hơn trước. Do đó, kế hoạch đầu tư mở rộng thêm 2 nhà máy vệ tinh, tổng vốn đầu tư mỗi nhà máy khoảng 40 tỷ đồng, nhằm gia tăng năng lực cung ứng hàng xuất khẩu vẫn đang được doanh nghiệp triển khai và khoản vốn góp từ nhà đầu tư EU sẽ giúp Công ty sớm hiện thực hóa kế hoạch này.
“Nếu không có gì thay đổi, 2 dự án sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động trong năm 2021”, bà Huyền nói.
Trong khó khăn chung của thị trường trong và ngoài nước, 5 tháng qua, trong khi xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%; xuất khẩu dệt may đạt 10,45 tỷ USD, giảm 14,5%, thì Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh, một trong những nhà sản xuất vải dệt thoi có nhà máy tại Nam Định đã có tin vui khi “bắt tay” với Công ty Huntsman Textile Effects (Mỹ) để sản xuất vải, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để may áo choàng y tế.
Theo đó, Dệt Bảo Minh sẽ xử lý 760.000 m vải dệt với sự kết hợp cẩn thận giữa các giải pháp hiệu ứng rào cản của Huntsman với các hiệu ứng phụ trợ khác để sản xuất 345.000 áo choàng cách ly cao cấp.
Ông Trần Đăng Tường, Giám đốc điều hành Dệt Bảo Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu của thế giới về áo choàng y tế, Dệt Bảo Minh phải có khả năng cung cấp một loại vải có chất lượng cao phù hợp, trong khi vẫn duy trì cam kết thực hành sản xuất tốt và bền vững. Đội ngũ kỹ thuật của Dệt Bảo Minh và Huntsman Textile Effects đã hợp tác để sản xuất với tốc độ nhanh nhất có thể, cung cấp vải theo đúng tiến độ.
Hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi Covid-19, đặc biệt ở các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU (giảm 12%), ASEAN (giảm 9,4%), Hàn Quốc (giảm 5%).
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 33,3 tỷ USD.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Do đó, những nỗ lực chuyển động để vượt qua thế khó của mỗi doanh nghiệp, cộng với kết quả của việc dập dịch tại các thị trường lớn và môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước tốt lên sẽ kéo theo những đơn hàng và dòng vốn ngoại cùng liên kết triển khai các dự án như trường hợp của Vinasamex kể trên.