Bức tranh thị trường 1 năm qua một lần nữa đồng điệu với nhận định của nữ doanh nhân đầu tiên đưa doanh nghiệp của mình đến với TTCK.
Doanh nghiệp niêm yết chật vật kiếm lãi
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho biết, tổng doanh thu quý I/2016 của các doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở GDCK tăng gần 10% so với quý I/2015, nhưng tổng lợi nhuận chỉ tăng gần 1%. Doanh nghiệp dường như kinh doanh chật vật hơn khi có tới gần 100 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận âm trong quý I/2016.
Tính đến hết ngày 23/5/2016, cả hai sàn có 16 công ty chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2016. Trong số các công ty đã công bố báo cáo tài chính quý I/2016, có 86 công ty có lợi nhuận âm, chiếm khoảng 12,5% số lượng công ty niêm yết ở hai sàn. 128 công ty có lợi nhuận chưa tới 1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ở sàn HNX (83%).
Chỉ có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận quý I/2016 trên 1.000 tỷ đồng, trong đó một nửa là ngân hàng, bao gồm: VNM (2.157 tỷ đồng), CTG (1.919 tỷ đồng), VCB (1.837 tỷ đồng), BID (1.659 tỷ đồng), GAS (1.315 tỷ đồng), HPG (1.022 tỷ đồng).
Trên sàn Hà Nội, thống kê từ Sở GDCK cho biết, toàn sàn hiện có 372/379 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý I/2016 (không tính 4 doanh nghiệp thay đổi niên độ kế toán là GLT, VTL, IDV, MHL). Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội là 2.867 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 1% so với mức lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Trong đó, 319 doanh nghiệp niêm yết (86%) có kết quả hoạt động kinh doanh lãi với tổng giá trị lãi đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; 50 doanh nghiệp (14%) có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ là 193 tỷ đồng, tăng 67,97% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất với 104 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, giá trị lãi đạt 949 tỷ đồng, chiếm 31% tổng giá trị lãi. Tiếp đến là ngành tài chính với 25 doanh nghiệp kinh doanh lãi 898 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng giá trị lãi và ngành thương mại và dịch vụ lưu trú, ăn uống có 43 doanh nghiệp lãi 467 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng giá trị lãi.
Trong số các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngành công nghiệp cũng là ngành chiếm tỷ trọng lỗ lớn nhất với 12 doanh nghiệp và giá trị lỗ 65 tỷ đồng. Tiếp đến là doanh nghiệp thuộc ngành khai khoáng và dầu khí và ngành xây dựng, với giá trị lỗ lần lượt là 59 tỷ đồng và 28 tỷ đồng.
… Index chật vật chuyển động
Kết thúc quý I/2016, VN-Index tăng 1,83% so với quý I/2015, còn HNX-Index lại giảm 3,9% so với cùng kỳ. Trong năm 2016, quý I, VN-Index giảm 3,08%, HNX-Index giảm 1,14%. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016 đến nay (25/5), VN-Index tăng 5,68%, HNX-Index tăng 1,64%.
Sự tăng điểm khó khăn của chỉ số chứng khoán cho thấy, Index phản ánh rất đồng điệu với hiện trạng sức khỏe của doanh nghiệp niêm yết. Chính sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết là yếu tố quan trọng quyết định sự tăng/giảm của TTCK, chứ không thể một mệnh lệnh hành chính nào có thể thúc đẩy sự chuyển động của thị trường trong quãng thời gian đủ dài (1 năm).
Theo bà Mai Thanh, hàng hóa trên TTCK là các doanh nghiệp niêm yết, nhưng khối doanh nghiệp này cũng như nền kinh tế của Việt Nam chưa khỏe. Tính cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn yếu, dễ bị tổn thương. “Khi chúng ta đặt vấn đề vì sao các nhà đầu tư không xem TTCK là nơi gửi gắm vốn vào đó mà người ta dễ dàng đi vào, đi ra như vậy, chúng ta có ngay câu trả lời: đó là vì người đầu tư chưa có niềm tin và không yên tâm bỏ tiền vào TTCK”, bà nói.
Phân tích sâu hơn, Chủ tịch REE cho rằng, nhiều công ty niêm yết hiện nay chưa khỏe bởi nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất, các công ty hầu như chưa có sự cải thiện về chất lượng quản trị. Thực tế này xuất phát từ việc, Nhà nước đã không theo kịp tư duy về TTCK, do vậy cổ phần hóa làm không dứt khoát, nhiều nơi cổ phần hóa không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào. Sau cổ phần hóa mà doanh nghiệp vẫn có phần vốn Nhà nước nắm trên 51% thì doanh nghiệp rất khó thay đổi…
Thứ hai là hệ thống tài chính kế toán. Hệ thống kế toán chuẩn mực quốc tế dựa vào giá thị trường, còn hệ thống kế toán Việt Nam thì vẫn dựa vào giá gốc. Mà giá gốc thì có nhiều món hàng rất xấu, đã mất giá trị nhưng không có sự điều chỉnh lại trên thị trường. Những công ty như vậy, những hàng hóa như vậy nếu cứ tồn tại sẽ làm cho thị trường không đẹp, không tốt.
“Do đó tôi cho rằng, cần quan tâm làm sao để TTCK có những công ty tốt, có những hàng hóa tốt, về sản phẩm dịch vụ, về quản trị và dĩ nhiên nếu DN tốt, họ sẽ huy động được vốn để mở rộng và phát triển”, bà Mai Thanh từng khuyến nghị.
Làm sao để TTCK có doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt?
Làm sao để TTCK có công ty tốt, có hàng hóa tốt cũng là câu hỏi đầy trăn trở của nhà quản lý. Trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cuối tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng đã đưa ra kế hoạch phát triển TTCK đến năm 2020, trong đó có giải pháp tăng cung cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung. Theo đó, với các DN niêm yết, nhà quản lý sẽ đưa dần các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin báo cáo tài chính IFRS; chuẩn mực kế toán và kiểm toán vào DN, để thúc đẩy doanh nghiệp tự cải thiện chính mình.
Chủ tịch UBCK cho biết, UBCK đang xúc tiến việc thành lập Viện Quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, UBCK dự kiến chuyển từ cơ chế chào bán chứng khoán của DN niêm yết theo điều kiện cấp phép sang cơ chế đăng ký chào bán sau khi công bố đầy đủ thông tin, hướng dẫn phát hành các loại chứng khoán, chứng chỉ lưu ký (DR) để niêm yết trên thị trường quốc tế.
UBCK cũng sẽ chỉ đạo việc hoàn thiện các cấu phần thị trường, như TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… để tạo không gian thu hút nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, tham gia vào doanh nghiệp, vào TTCK Việt Nam.
Ở góc độ cấp Sở, làm sao để TTCK có doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt cũng là câu hỏi thường trực. Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp công bố thông tin đúng quy định, nâng dần chất lượng quản trị công ty, Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội dành không ít nguồn lực để “bật sáng” các doanh nghiệp tốt trên sàn, trong đó Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (từ năm 2008) và Chương trình chấm điểm minh bạch các doanh nghiệp niêm yết (từ năm 2013) là những hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, nỗ lực của nhà quản lý TTCK, dù có làm tốt, cũng chỉ góp một phần trong chuỗi các công việc cần làm để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp vươn lên.
Vì sao hiệu quả kinh doanh của gần 700 doanh nghiệp niêm yết - những DN minh bạch và hiệu quả nhất trong nền kinh tế Việt Nam - chưa bật lên được trong 1 năm qua? Câu hỏi này không chỉ của riêng ngành chứng khoán.
Câu hỏi này cần được mổ xẻ cụ thể để tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Khi bức tranh chung về hiệu quả doanh nghiệp niêm yết sáng lên, mới mong TTCK sáng lên một cách bền vững.