Doanh nghiệp cần sòng phẳng với trái chủ

0:00 / 0:00
0:00
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay giảm hơn 60,5%. Trong khi đó, có hiện tượng một số doanh nghiệp chây ỳ trả nợ trái phiếu càng khiến niềm tin của trái chủ đi xuống.

Thị trường đang chờ “phép thử” mới

HĐQT Vingroup vừa thông qua phương án phát hành ra công chúng 5 lô trái phiếu có tổng trị giá 10.000 tỷ đồng để VinFast vay đầu tư Dự án sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và xác lập nghĩa vụ nợ trực tiếp với Vingroup. Nhà đầu tư cá nhân khi tham gia phải đăng ký mua tối thiểu 500 trái phiếu, tương đương 50 triệu đồng. Nhà đầu tư tổ chức phải mua tối thiểu 5.000 trái phiếu, tương ứng 500 triệu đồng theo mệnh giá.

Sau nhiều tháng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, đây là kế hoạch huy động vốn trái phiếu tham vọng nhất của một doanh nghiệp phi ngân hàng. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lô trái phiếu này là một “phép thử”, nếu được hấp thụ tốt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ lạc quan hơn và ngược lại.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận gần 79.000 tỷ đồng, giảm 60,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm hơn 79% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng và bất động sản vẫn là hai lĩnh vực chiếm đa số với tỷ trọng lần lượt 36,2% và 33%.

Phát hành mới suy giảm, trong khi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn tăng khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp dần. Từ mức đỉnh 14,75% GDP năm 2021, quy mô hiện chỉ còn gần 11% GDP, cách rất xa mục tiêu 20% GDP vào năm 2025. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, quy mô thị trường của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, kiêm Tổng giám đốc FiinRatings kỳ vọng, tổng giá trị phát hành cả riêng lẻ và đại chúng năm nay sẽ đạt khoảng 100.0000 tỷ đồng. Tuy nhiên, triển vọng thị trường còn phụ thuộc lớn vào phía cầu. Đó là niềm tin và sự quan tâm của nhà đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.

“Nhà đầu tư cá nhân tham gia lại sẽ chưa nhiều mà chủ yếu vẫn là các định chế tài chính nội địa gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ trái phiếu và một số nhà đầu tư tổ chức phi ngân hàng. Thị trường trái phiếu đang từng bước hồi phục, nhưng tập trung vào chất và đúng đối tượng là các nhà đầu tư tổ chức có sự hiểu biết sâu và lựa chọn công cụ nợ phù hợp”, ông Thuân nhận định.

Theo ông Thuân, riêng với kênh chào bán rộng rãi ra công chúng, sẽ cần thêm chút thời gian và doanh nghiệp niêm yết hoặc chưa niêm yết có độ minh bạch cao, chất lượng hồ sơ phát hành tốt, kết quả xếp hạng tín nhiệm tốt và với mức lãi suất cạnh tranh so với lãi suất ngân hàng, sẽ dần có chỗ đứng trên thị trường.

Dựa trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm một số tổ chức phát hành, FiinRatings đánh giá, nhiều tổ chức phát hành vẫn có khả năng trả nợ khá tốt, không chỉ ngành bất động sản, mà mở rộng sang các ngành khác như năng lượng, thực phẩm, tài chính, chứng khoán...

Chây ỳ trả nợ, nhà phát hành sẽ gây mất niềm tin

Theo cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp, tính tới đầu tháng 8/2023, có hơn 150 lượt công bố liên quan tới hơn 120 trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi và chậm thanh toán mua trước hạn, chủ yếu trong ngành bất động sản, năng lượng.

Trong quý II/2023, lượng trái phiếu chậm thanh toán lãi, gốc tiếp tục có xu hướng tăng. Các tổ chức phát hành đang đẩy mạnh đàm phán gia hạn trái phiếu trong thời điểm lãi suất có diễn biến thuận lợi và Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu phát hành riêng lẻ còn hiệu lực. Trong quá trình tái cấu trúc, hình thức gia hạn trái phiếu vẫn chiếm trên 80% cho thấy các hình thức xử lý hiện tại đa phần giúp nhà phát hành có thêm thời gian.

Mặc dù vậy, việc doanh nghiệp phát hành liên tục trì hoãn trả nợ cũng khiến trái chủ hoang mang. “Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trả nợ trái phiếu hiện tại lên đến 2 năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Tuy nhiên, Nghị định này cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt từ phía nhà phát hành”, các chuyên gia Trung tâm Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết.

Thống kê cho thấy, hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành diễn ra mạnh mẽ từ năm ngoái tới quý I/2023, nhưng đã chậm lại kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành. Cụ thể, hoạt động mua lại trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đã giảm xuống còn 24.700 tỷ đồng trong quý II/2023, từ mức cao nhất là 34.800 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Theo ước tính của SSI Research, số tiền gốc trái phiếu đã thành công thực hiện điều chỉnh hoãn nợ gốc/điều chỉnh lãi suất hoặc chuyển đổi trái phiếu lên tới 66.0000 tỷ đồng. Các công ty trong tập đoàn Nova, Sovico và Vietracimex là các doanh nghiệp tích cực nhất trong đàm phán gia hạn nợ với nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2023.

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho là đã qua thời điểm khó khăn nhất, song nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp trì hoãn trả nợ trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư sẽ khó có khả năng phát hành mới thành công. Đây cũng là lý do mà phía cầu trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm tới nay vẫn chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân chưa quay lại thị trường này.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục