Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế ngày càng được coi trọng, nhưng thực tế khu vực này vẫn còn những hạn chế nhất định. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, theo ông, cần tập trung tháo gỡ những vấn đề gì?
Thiếu vốn là chủ đề được đề cập nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Đây là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi. Do quy mô nhỏ, vốn tự có ít, thị trường tài chính phi ngân hàng kém phát triển nên các doanh nghiệp trông cậy rất nhiều vào các ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn kinh doanh. Dẫu vậy, tỷ trọng tín dụng cho kinh tế tư nhân hiện nay trong tổng tín dụng ngân hàng còn thấp, cách xa so với nhu cầu của khối doanh nghiệp này.
Theo tôi, ngoài việc cần tăng cường tính pháp lý cho các hợp đồng tín dụng, hoàn thiện cơ chế thế chấp nói riêng còn cần thiết lập sự bình đẳng giữa khối doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh trong khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Quỹ bảo lãnh tín dụng nên mở rộng cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mà không nên hạn chế trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi bàn về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, người ta thường đề cập đến vấn đề thuế. Theo ông, vai trò của các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế đối với sự phát triển của doanh nghiệp đến đâu?
TS. Vũ Đình Ánh
Kể từ khi chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài, rất nhiều đạo luật liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư đều đưa vào các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế. Công thức cơ bản chúng ta thường thấy là miễn thuế 5 năm đầu, 9 năm tiếp theo được miễn giảm 50% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chúng ta có thể tìm thấy những ưu đãi thuế ở rất nhiều luật, quy định về đặc khu kinh tế đến khu chế xuất, khu công nghiệp... Nhưng liệu những ưu đãi này có thực sự phát huy tác dụng đối với doanh nghiệp? Tôi cho là thực chất nó không có nhiều tác dụng đối với doanh nghiệp. Với nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư, những năm đầu hoạt động sản xuất – kinh doanh, lợi nhuận không có thì lấy gì nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, chính sách miễn thuế thực chất không phát huy tác dụng.
Hết giai đoạn miễn thuế, đến giai đoạn giảm thuế 50%, vẫn có nhiều doanh nghiệp hàng chục năm sau vẫn không có thu nhập để nộp thuế. Nguyên nhân thì có nhiều và không loại trừ trường hợp “giấu” thu nhập.
Chưa kể vấn đề về cách thức được nhận ưu đãi. Doanh nghiệp không được tự động ưu đãi, tức là cứ đáp ứng đủ điều kiện thì được ưu đãi mà vẫn phải qua sự xét duyệt của cơ quan quản lý. Cơ chế xin – cho được đẻ ra từ đây. Và hậu quả là có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng mức ưu đãi cao hơn, thời gian kéo dài hơn so với quy định chung. Vô hình trung, chính sách miễn giảm thuế đã tạo ra kẽ hở để người ta lợi dụng.
Ngoài ra, giữa các địa phương, các lĩnh vực sản xuất khác nhau xuất hiện cuộc đua ưu đãi miễn giảm. Cứ ưu đãi nhiều, miễn giảm nhiều thì mới chứng tỏ địa phương mình có khả năng thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển.
Ở góc độ khác, nếu như các đối tượng được hưởng ưu đãi quá đông thì ưu đãi chẳng còn giá trị. Ưu đãi chỉ phát huy giá trị, ý nghĩa thực sự khi nó dành cho một số lượng ít những người thật sự cần.
Một chính sách ưu đãi tưởng như rất hấp dẫn lại không phát huy tác dụng thực sự.
Nói như vậy phải chăng là chúng ta không cần miễn giảm thuế?
Yêu cầu tối ưu đối với hệ thống thuế của nước ta hiện nay là đơn giản và bình đẳng. Muốn vậy, cần triệt để loại bỏ tất cả các ưu đãi thuế, kể cả ưu đãi theo tiêu chí thành phần kinh tế, theo ngành nghề hay theo điều kiện địa lý. Các ưu đãi kiểu này dễ làm nảy sinh những tiêu cực và khó quản lý trong khi các điều kiện con người, tổ chức và cơ sở vật chất quản lý còn nhiều hạn chế.
Theo tôi, trước mắt chỉ duy trì ưu đãi thuế chung đối với doanh nghiệp mới thành lập. Nên thay thế các ưu đãi thuế khác bằng hình thức hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng tài chính và có thể chấm dứt hỗ trợ khi thấy không cần thiết.
Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cần cải tiến theo hướng giảm và thống nhất thuế xuất ở mức thuế giá trị gia tăng là 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% hoặc 20%.
Thực tế thì bản thân nhà đầu tư, doanh nghiệp khi nói đến ưu đãi, nói đến môi trường đầu tư hấp dẫn ít khi có ý kiến về giảm thuế. Nếu có ý kiến về thuế thì chủ yếu liên quan đến thuế nhập khẩu và một chừng mực nào đó là thuế xuất khẩu. Các ý kiến về thủ tục thuế chủ yếu tập trung vào thủ tục hải quan, thủ tục thuế nội địa ít được đề cập.
Như ông nói ưu đãi thuế không phải là yếu tố quan trọng nhất, vậy theo ông, doanh nghiệp cần gì nhất?
Điều doanh nghiệp cần nhất là môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh. Nó bao gồm nhiều yếu tố về thể chế như quy định pháp luật, bộ máy tổ chức, thủ tục hành chính và hàng loạt yếu tố khác.
Thứ hai là điều kiện về cơ sở hạ tầng, điện nước, khu công nghiệp, các điều kiện giao thông, gần vị trí chiến lược...
Thứ ba là yếu tố sản xuất, đất đai, trình độ năng lực lao động, khả năng sẵn sàng cung ứng nhân lực, nguồn tài chính tín dụng, yếu tố công nghệ, khả năng áp dụng công nghệ mới, cách thức mua công nghệ mới nhập về Việt Nam...
Cuối cùng mới đến các ưu đãi hỗ trợ khác so với mặt bằng chung để tạo ra điều kiện hấp dẫn riêng.
Xét tổng thể, rõ ràng, với mỗi nhà đầu tư, doanh nghiệp thì yếu tố về môi trường kinh doanh, đầu tư mới là quan trọng nhất, chứ không phải ưu đãi thuế.
Trong nhiều yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, theo ông, “ưu đãi” nào mới là tốt nhất cho doanh nghiệp?
Trong các vấn đề chúng ta đang phải đối mặt thì nổi bật nhất gần đây là thủ tục hành chính. Việt Nam đã cải cách thủ tục gia nhập thị trường, thủ tục, thời gian cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp đã được rút ngắn, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính trong quá trình doanh nghiệp vận hành.
Một vấn đề gần như đang bỏ trống là Luật Phá sản. Toàn bộ từ quy trình thủ tục đến bộ máy xử lý thực hiện phá sản đều còn thiếu và việc phá sản thực sự quá khó khăn. Nhiều trường hợp doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động thì thủ tục chưa minh bạch, chưa công khai, chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể rút khỏi thị trường.
Rồi đến vấn đề về thể chế, bộ máy, đơn cử như bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ bộ ngành, trung ương địa phương... đều có cơ quan thanh tra. Hệ thống cơ quan thanh tra dày đặc khiến doanh nghiệp tốn thời gian để tiếp các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Nhưng tôi cho là quan trọng nhất, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần nhất là cơ chế để họ có thể cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Có nhiều sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội kinh doanh và cạnh tranh được thể hiện qua các quy định, cơ chế riêng dành cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân... Mặc dù nền tảng pháp luật chung đều là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhưng mỗi khối doanh nghiệp lại có những chính sách đặc thù riêng.
Về tiếp cận cơ hội kinh doanh, chúng ta thấy nhiều dự án không được đưa ra đấu thầu một cách công khai và có yếu tố quan hệ sân sau. Trong quá trình vận hành, ngoài chi phí chính thức, doanh nghiệp còn có chi phí phi chính thức. Những kết quả điều tra của WB từng nêu chi phí phi chính thức cao gấp nhiều lần chi phí chính thức. Những vận động đó không công khai, không minh bạch và không đi vào ngân sách nhà nước và bản chất là một dạng tham nhũng, nhất là liên quan đến đất đai.