Doanh nghiệp cần chủ động trước biến động tỷ giá

(ĐTCK) Do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, tỷ giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục biến động phức tạp. Để hạn chế tác động từ tỷ giá, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị... 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2-2,5%. Mức tăng này tuy chưa quá lớn, nhưng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bởi phải dùng ngoại tệ để giao dịch, việc chi phí lãi vay và tỷ suất giữa 2 đồng tiền tăng làm tăng giá nhập khẩu. Theo ông Hưng, trong bối cảnh tỷ giá biến động, chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp nhỏ nên cần sớm có giải pháp dự phòng.

“Thời gian qua, việc Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt và ổn định đã phần nào giúp doanh nghiệp hạn chế khó khăn. Tuy nhiên, với lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần có thêm công cụ đảm bảo rủi ro tỷ giá. Hiện Chính phủ đã thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng mới hỗ trợ cho vay, mà chưa đảm bảo về tỷ giá. Đây là giải pháp cần tính đến trong bối cảnh tỷ giá diễn biến phức tạp như hiện nay”, ông Hưng đề xuất.

Đối với hoạt động kinh doanh trong nước, theo ông Hưng, một trong những mặt hàng chính Việt Nam đang phải nhập khẩu là xăng dầu, nên việc tỷ giá tăng chắc chắn sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, kéo giá bán tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, theo ông Hưng, cơ quan quản lý cần tính toán để tránh việc các chi phí đầu vào như điện, xăng dầu tăng mạnh như thời gian qua, bởi điều này không chỉ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô.

Khác với xuất nhập khẩu, dệt may là lĩnh vực được đánh giá sẽ gặp thuận lợi hơn từ biến động tỷ giá bởi nguyên liệu đầu vào chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nhân dân tệ đang trong xu hướng giảm.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện phần lớn hợp đồng nhập khẩu của các doanh nghiệp dệt may với đối tác đã chốt giá từ đầu năm hoặc theo từng quý, nên giá mua nguyên liệu nhìn chung vẫn ổn định. Trong thời gian tới, nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì hợp đồng sẽ được điều chỉnh lại. Lúc này, các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với bất lợi do giá mua nguyên phụ liệu sẽ rẻ hơn.

Nhận định về diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu dự báo, khả năng VND có thể mất giá khoảng 3% so với USD, tương đương tỷ giá VND/USD có thể tăng lên mức 24.000 VND/USD, thậm chí cao hơn tuỳ thuộc vào mức độ căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung. Dù vậy, cũng theo ông Hiếu, khả năng này sẽ khó xảy ra bởi đây là ngưỡng kháng cự rất mạnh của tiền đồng.

“Tuy nhiên, cho dù tỷ giá biến động mạnh hay yếu thì các doanh nghiệp vẫn cần chủ động ứng phó để tránh tối đa thiệt hại”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Mỹ và Trung Quốc đều đã giảm lãi suất nhằm giảm thiểu tác động thương mại, nên cần đánh giá sức ảnh hưởng đến Việt Nam, để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

“Thị trường phản ứng theo cách có lợi cho thị trường và cơ quan nhà nước sẽ định hướng điều chỉnh lãi suất theo xu hướng thị trường. Do dó, việc hạ lãi suất hay không trong thời gian tới sẽ được tính toán kỹ lưỡng”, ông Tuấn nói.

Cũng theo chuyên gia này, cần lường tới khả năng Việt Nam có thể bị đưa vào danh sách theo dõi về tài chính của Mỹ.

“Đây là phản ứng của Mỹ khi họ mở rộng diện theo dõi trước diễn biến leo thang của thương mại Mỹ - Trung. Khi đó, có thể xảy ra 2 kịch bản. Một là, không có vấn đề nào xảy ra vì Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ về các yếu tố lợi ích kinh tế, chính trị - xã hội. Hai là, có thể có thay đổi và chúng ta cần dựa trên tình hình thực tế để ứng xử”, ông Tuấn phân tích.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục