Doanh nghiệp cá tra ra sức đầu tư vào vùng nuôi

2018 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 2,2 tỷ USD. Trong khi ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nam Việt cho rằng, con số trên chỉ nên “tự hào một chút thôi”, vì hoàn toàn có thể cố gắng hơn để cán mốc từ 5-10 tỷ USD, thì “nữ hoàng” cá tra lại coi đây là thời điểm cần nhìn lại chuỗi giá trị ngành trước khi bước vào điểm rơi mới.
Doanh nghiệp cá tra ra sức đầu tư vào vùng nuôi

Con giống là yếu tố then chốt trong cạnh tranh

Theo lời của Peter Drucker, Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Kinh tế: “Không phải Internet, nuôi trồng đem lại cơ hội đầu tư triển vọng nhất trong thế kỷ 21” và Vĩnh Hoàn đã chọn câu nói này đặt vào trang nhất Báo cáo thường niên năm 2018 của Công ty.

Quan điểm này không chỉ được công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chú trọng mà doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đứng thứ 2 của Việt Nam là thuỷ sản Nam Việt cũng đang toàn lực thực hiện: Tập trung đầu tư vào vùng nuôi, tiến đến khả năng hoàn toàn chủ động nguồn nguyên liệu.

Khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành cá tra được nhắc đến là con giống. Đầu năm 2019, Vĩnh Hoàn khởi động dự án sản xuất giống cá tra tại cồn Vĩnh Hoà, An Giang. Thực tế, Vĩnh Hoàn hiện chưa thể tự cung 100% nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, mà buộc phải hợp tác, thu mua từ các đối tác (hộ nuôi) khác từ 30-40% tổng sản lượng. Điều này có thể kéo giảm biên lợi nhuận sản phẩm, chưa kể rủi ro phát sinh.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, nếu có thể vượt thách thức ngành về con giống và phương pháp nuôi trồng, cơ hội sẽ xuất hiện.

Thứ nhất về vấn đề nuôi trồng. Ba năm qua, vấn đề thiếu giống, không đủ nguyên liệu sản xuất vẫn tiếp diễn nhưng thách thức này lại khiến cơ hội lộ diện khi có thể đẩy giá xuất khẩu tăng lên.

Bà Khanh cho rằng, phương pháp, kỹ thuật nuôi trồng hầu như không có cải tiến đáng kể trong 3 năm qua. Kèm theo đó là trở ngại khi môi trường khí hậu biến đổi, chậm chuyển đổi trong công nghệ nuôi.

“Cá tra quá dễ nuôi, có thời điểm con giống quá rẻ, nên người ta chấp nhận tỷ lệ hao hụt. Như việc có nhiều con chúng ta sẽ không chăm sóc tốt, không cưng nó. Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp cá tra giống âm thầm đang tìm cho mình một lối đi, thậm chí tìm đối tác Isarel cho sinh sản trái vụ. Nhưng thách thức là cả trong trái vụ hay chính vụ thì chất lượng cá giống đều là vấn đề thách thức”, bà Trương Thị Lệ Khanh nói.

Vĩnh Hoàn đánh giá, con giống sẽ là yếu tố then chốt cho tính cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả sản xuất cho công ty. Tự chủ về con giống sẽ giúp giải quyết được thách thức kỹ thuật trên thị trường, đặc biệt là kiểm soát dư lượng kháng sinh, thuốc cấm trên sản phẩm. Trong tương lai xa, “nữ hoàng” cá tra tham vọng đầu tư hợp tác nghiên cứu để sở hữu được những thế hệ cá bố mẹ được chọn lọc gen tốt nhất, hoàn chỉnh toàn bộ chuỗi sản xuất.

Bà Khanh thuật lại chia sẻ của các đối tác Trung Quốc rằng, ngành cá tra Việt Nam mới đi được khoảng 50% đoạn đường trong nuôi trồng và chế biến. 

Cải tiến công nghệ nuôi trồng

Theo tính toán của ông Doãn Thiên, con trai của nhà sáng lập thuỷ sản Nam Việt, nếu phải mua từ người dân, giá cá giống dao động từ 3.000-4.000 đồng/con, trong khi nếu có thể tự nuôi trồng, chi phí chỉ từ 600-700 đồng/con.

Do đó, nếu đơn vị nào có thể trở thành “người đi trước” trong vấn đề cải tiến công nghệ nuôi trồng tốt thì có lợi nhuận được đẩy lên cao và gia tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú có thể gọi là “dự án để đời” của Nam Việt khi được đặt trên vai nhiều trọng trách để trở thành vùng nuôi cá tra quy mô tập trung lớn nhất Việt Nam, 600 hecta.

Đây cũng là dự án góp phần hoàn thiện 5 “ngôi sao” trong chuỗi giá trị ngành cá tra của Nam Việt.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Nam Việt đưa ra ngôi sao đầu tiên là giống, bởi bất cứ công ty nào có nguồn giống tốt để tự cung cấp cho vùng nuôi sẽ được hưởng lợi.

Doanh nghiệp cá tra ra sức đầu tư vào vùng nuôi ảnh 1

Thứ hai là cá thịt đưa vào sản xuất. Nhu cầu về nguyên liệu cá tra để sản xuất rất lớn và phức tạp, mỗi thị trường xuất khẩu đều có yêu cầu riêng về size cỡ và tiêu chuẩn. Do đó, lợi thế cạnh tranh sẽ giảm nếu doanh nghiệp nào phải thu mua cá nguyên liệu từ các đơn vị bên ngoài.

Ông Doãn Tới lấy ví dụ, nếu thị trường Hoa Kỳ luôn có nhu cầu với cá từ 700g-1,2kg/con thì khu vực châu Âu lại thích size cá nhỏ hơn, chỉ từ 500- 800 gram/con. Còn thị trường Trung Quốc lại ưa chuộng loại cá tra “khổng lồ”,  từ 1,2-2kg/con,…

Đây cũng là lý do trong năm 2018, nhiều đơn hàng giá rất cao nhưng Nam Việt vẫn không đủ số lượng cá đúng kích thước như họ yêu cầu.

“Ngôi sao” thứ ba mà ông Doãn Tới là nhà máy thức ăn. “Để có ngôi sao này chỉ cần có đất và tiền đầu tư, công nghệ. Nam Việt đủ sức, dư tiền, dư đất để làm điều này”, Chủ tịch Nam Việt nói và giữ quan điểm tự tin vào “ngôi sao” thứ 4 là nhà máy sản xuất mà họ đang có với “công suất đủ sức vươn lên đầu bảng ngành cá tra Việt Nam”.

Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp cá tra hiện thời đều phải đối mặt một khó khăn chung là thiếu người lao động do chuyển dịch sang các công ty dệt may, da giày hay điện tử.

Ông Doãn Tới đánh giá, lương trong ngành dệt may chỉ bằng khoảng 50% ngành thuỷ sản nhưng công nhân vẫn thích may hơn.

“Đó là cái khó trong khi phải đảm bảo đơn hàng ổn định và liên tục”, ông Doãn Tới nói và cho biết, Nam Việt đang phải trang bị công nghệ, máy móc để giảm nguồn nhân lực tối đa.

“Ngôi sao” cuối cùng mà ông Tới nhắc đến là thị trường. Bởi việc đưa hàng hoá vào thị trường đã hay chưa từng xuất khẩu vào không khó bằng đảm bảo tính tồn tại bền vững.  Nam Việt đặt kế hoạch sẽ trở lại thị trường Hoa Kỳ từ 2021 và bước vào giai đoạn bền vững vào 4 năm sau đó.

“Doãn Thiên còn trẻ, học ở Mỹ, ăn đồ Mỹ, biết văn hoá Mỹ và biết cách chơi với người Mỹ”, ông Doãn Tới chia sẻ về con trai- người đảm nhận mọi trọng trách liên quan đến thị trường này.

Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng họ đang chiếm 15% thị phần toàn ngành cá tra tại Việt Nam. Tốp 5 công ty đứng đầu Việt Nam trong xuất khẩu cá tra hiện nắm 40% toàn thị trường.

Dù vậy, vị thế các công ty trong tốp 5 lại có biến động lớn mà thuỷ sản Hùng Vương (HVG) là một ví dụ khi từ vị trí thứ 2 năm 2017 đã ra khỏi tốp 10 năm 2018 với thị phần giảm mạnh từ 7% xuống 2%. Biển Đông đã thay thế vị trí này với mức tăng trưởng từ 6% lên 10%. Một công ty khác cũng lọt vào tốp 5 năm 2018 là Trường Giang với thị phần tăng 1%, lên 4%.

Tại Hoa Kỳ, Vĩnh Hoàn tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 50% thị phần cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục