Ví các DN đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS như những con cá và thị trường BĐS là một cái ao, ông Nguyễn Hữu Cường, cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu một vài con cá bị chết là câu chuyện hoàn toàn bình thường, nhưng nếu hầu hết cá lớn, cá bé trong ao đều chết thì rõ ràng môi trường sống trong ao có vấn đề và trở thành chuyện lớn.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc NHNN vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động vốn xuống còn 13%/năm, qua đó, các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay, sẽ thổi một luồng gió mới vào hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp trong ngành rất kỳ vọng vào Công văn số 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11/2011 của NHNN về việc hoạt động tín dụng trong các tháng cuối năm 2011 loại 4 nhóm BĐS ra khỏi lĩnh vực tín dụng phi sản xuất. Các doanh nghiệp đều mong mỏi được vay thêm vốn để hoàn thiện những dự án còn dở dang và đưa những sản phẩm đã hoàn thiện thành hàng hóa ra bán trên thị trường. Thế nhưng, đã qua mấy tháng, việc các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn theo tinh thần công văn này là không nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng, với việc trần lãi suất huy động vốn được giảm xuống 13%/năm cũng không có tác động nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trong vài tháng tới.
Đặc biệt, với lộ trình tạo dựng dự án BĐS là dài hạn, nhưng vốn cho vay hầu hết lại ngắn hạn, thì doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực lo xoay tiền chỗ nọ đập vào chỗ kia để thực hiện trách nhiệm với ngân hàng. Tôi cho rằng, đây là điều bất cập nhất trong chính sách điều hành thị trường tiền tệ hiện nay đối với thị trường BĐS. Nếu điều này không được thay đổi hay điều chỉnh ngay thì không doanh nghiệp nào trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh BĐS có thể tồn tại.
Như vậy, có vẻ như doanh nghiệp BĐS cũng không mặn mà với quyết định giảm lãi suất huy động vốn vừa qua?
Đúng vậy. Từ trước đến nay, tất cả các doanh nghiệp BĐS có nhu cầu vay mượn tiền của ngân hàng để triển khai đầu tư BĐS, chỉ sau khi có những sự ký kết, bảo lãnh và cho vay từ phía ngân hàng, chủ đầu tư mới tiến hành xây dựng dự án. Đến nay, khi dự án đang dở dang mà ngân hàng lại không cho vay tiếp, thì đồng nghĩa với tất cả các BĐS đã được chủ đầu tư đổ tiền vào thực hiện trở thành bán sản phẩm, nên không thể là hàng hóa và không thể bán được. Hệ lụy của câu chuyện “nửa đường đứt gánh” này là chủ đầu tư sẽ phá sản, Nhà nước cũng thiệt thòi vì không thu được tiền thuế và hệ lụy lớn hơn là tất các các lĩnh vực khác liên quan đến thị trường BĐS đều bị ảnh hưởng. Điều này làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp BĐS trong việc tiếp cận nguồn vốn triển khai hoạt động đầu tư BĐS.
Đã có ý kiến đề nghị thành lập quỹ tín thác BĐS để giúp các doanh nghiệp BĐS tiếp cận nguồn vốn, thay thế cho hệ thống tín dụng hiện nay. Ông có ủng hộ đề xuất này?
Quỹ tín thác BĐS đã được vận hành thành công trên thế giới từ lâu như ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore... Trong tương lai, tôi kỳ vọng rằng, ở nước ta cũng sẽ hình thành được mô hình huy động vốn như quỹ tín thác đầu tư BĐS. Điều này sẽ giúp huy động vốn mà không phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, đồng thời doanh nghiệp cũng chủ động khai thác được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để tạo lập sản phẩm BĐS.
Sự ra đời của hệ thống quỹ này chắn sẽ tác động tích cực lên thị trường BĐS, đặc biệt là ở nguồn cung. Từ trước đến nay, giá cả BĐS luôn rất cao, bởi tỷ suất vốn vay trên sản phẩm là rất lớn. Vì vậy, khi có một nguồn vốn với lãi suất hợp lý sẽ góp phần bình ổn giá cả BĐS. Bên cạnh đó, khi thị trường BĐS hoạt động tốt còn tạo điều kiện phát triển cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực liên quan khác phát triển theo.
Việc chậm ra đời quỹ tín thác BĐS phải chăng do chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý, thưa ông?
Lý do chính mà quỹ này chưa hình thành được là do thị trường tài chính của ta còn mới mẻ. Vì vậy, việc tiếp thu các bài học thành công từ nước ngoài cũng như những hành lang pháp lý của họ là cần thiết. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này trong việc nghiên cứu và đề xuất triển khai, chứ không phải các doanh nghiệp.
Để có thể ra đời quỹ tín thác BĐS sẽ cần một lộ trình liên quan đến chính sách tiền tệ, an ninh kinh tế và rất nhiều văn bản chính sách pháp luật cần phải ban hành, phải trải qua nhiều khâu tham gia góp ý từ thị trường. Đây là cả một chủ trương lớn nên không phải một sớm một chiều thực hiện được ngay, nhưng rõ ràng là phải bắt tay vào công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ.