Doanh nghiệp bắt tay lập Quỹ quảng bá du lịch

(ĐTCK) Mỗi năm Việt Nam chi 2 triệu USD cho quảng bá du lịch, mức thấp nhất trong khu vực ASEAN và quá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực, khi Indonesia chi 200 triệu USD, Malaysia 105 triệu USD và Thái Lan chi 70 triệu USD. Trong bối cảnh này, các “đại gia” ngành du lịch đã quyết định bắt tay cùng tạo quỹ quảng bá du lịch.
Cần phải chuyên nghiệp hơn trong công tác quảng bá để du lịch Việt vươn mình lớn hơn Cần phải chuyên nghiệp hơn trong công tác quảng bá để du lịch Việt vươn mình lớn hơn

Hoạt động quảng bá nghèo nàn

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ hai vừa qua, trong nội dung thảo luận về du lịch, vấn đề quảng bá du lịch Việt Nam một lần nữa làm nóng hội trường với nhiều bất cập. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, ngân sách dành cho quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam hiện nay quá nghèo nàn, chỉ khoảng 2 triệu USD mỗi năm, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế do không có cơ quan quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia và chưa mở được văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm. Ông Kiên kiến nghị cần xây dựng quỹ quảng bá xúc tiến du lịch, tập trung tại các thị trường trọng điểm có mức thu nhập cao, trong đó nên chọn ra 7 thị trường chính với 14 quốc gia.

Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình 30%, thu hút du khách đạt 13-15 triệu khách mỗi năm. Tuy nhiên, theo Diễn đàn kinh tế thế giới, trong 136 quốc gia, Việt Nam đứng cuối cùng về xếp hạng năng lực cạnh tranh, 70% khách du lịch đến Việt Nam một lần và không trở lại.    

Chưa kể, mỗi khi xuất hiện tại “sân chơi” quốc tế, gian hàng quảng bá của Việt Nam thường “bé con con” và “lọt thỏm” giữa hội chợ. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với số tiền quảng bá hiện tại, chúng ta mới chỉ đang dạo chơi trong việc xúc tiến du lịch và việc thu hút được 10 triệu lượt khách trong năm 2016 là cả một “kỳ tích”. Ông cho rằng, đã đến lúc cần phải chuyên nghiệp hơn trong công tác quảng bá để du lịch Việt vươn mình lớn hơn.

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước ASEAN về thu hút khách quốc tế, nhưng đóng góp về kinh tế thấp hơn Philippines nên tổng thể vẫn xếp thứ 6. Nếu chỉ hút khách theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, lượng khách đến Việt Nam du lịch sẽ không có nhiều đột biến trong thời gian tới. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho hay:  “Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 nằm trong Top 3 của khu vực, thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD. Để đạt được, đòi hỏi từ nay năm nào cũng phải tăng trưởng 15-20%”.

5 doanh nghiệp góp 25 tỷ đồng

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng cao chưa từng có, dư địa phát triển còn rất lớn, song còn nhiều điểm nghẽn. Vấn đề kinh phí quảng bá hình ảnh quốc gia đã được thông qua tại Luật Du lịch 2017. Dự kiến quỹ hỗ trợ du lịch có tổng tài sản khoảng 400 - 500 tỷ đồng sẽ được thành lập vào cuối năm 2017, đầu 2018. Ban đầu, nguồn tiền này sẽ do Nhà nước chi, những năm sau có thể bổ sung từ nguồn thu phí visa.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, hiện nay Hội đồng Tư vấn du lịch đã thành lập được Câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư du lịch, bước đầu thu hút hơn 10 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 5 doanh nghiệp lớn là Vietnam Airlines, Thiên Minh Group, Vingroup, HG Group, Mường Thanh, mỗi năm đóng góp khoảng 5 tỷ đồng. Hiện Câu lạc bộ đã có 25 tỷ đồng để hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Hội đồng Tư vấn du lịch cam kết từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp du lịch trong Hội sẽ đóng góp 70 tỷ đồng vào Quỹ quảng bá xúc tiến du lịch, đồng thời sẵn sàng tham dự vào Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia nếu được đề nghị, cũng như tham gia tích cực vào quảng bá du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch quan trọng; xây dựng và phát triển website du lịch cho thị trường khách quốc tế đến Việt Nam là www.vietnamtourism.vn.

Việc hợp tác công - tư để xúc tiến du lịch đã diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu Nhà nước đóng góp vốn mồi ban đầu, các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia. Khi đó, theo ông Chính, số tiền không chỉ là 200 tỷ đồng mà còn lên tới 300, 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để duy trì quỹ nói trên, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất là câu chuyện minh bạch, công khai các khoản chi trong công tác xúc tiến, quảng bá, tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong đóng góp vào các hoạt động phát triển du lịch Việt Nam.   

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục