Doanh nghiệp bất động sản đang chờ, cần có "đường cao tốc" trong hoàn thiện thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) khi ủng hộ ba luật mới về bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội hiện nay. 
ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để ba luật mới về bất động sản có hiệu lực sớm. ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để ba luật mới về bất động sản có hiệu lực sớm.

Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Nội dung chính của dự thảo Luật là cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 (trừ một số điều khoản) (tức là sớm hơn 5 tháng so với hiệu lực cũ). Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hai điều khoản chuyển tiếp có hiệu lực cùng với Luật Nhà ở 2023 nên cũng cần có hiệu lực sớm để đồng bộ với nhau.

Theo chương trình dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội ấn nút thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV vào cuối tháng 6/2024.

Trước đó, dự thảo Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào sáng 19/6 và được thảo luận tại tổ chiều 20/6.

Khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm điều kiện thực thi các luật

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo đảm các điều kiện thi hành khi thời điểm có hiệu lực của các luật sớm hơn. Bởi hiện nay vẫn còn số lượng lớn các văn bản quy định chi tiết các luật chưa được ban hành.

Trong khi đó, có những văn bản quy định chi tiết thuộc trách nhiệm của địa phương có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do địa phương ban hành.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương, sớm chỉ đạo bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị đầy đủ điều kiện để luật có hiệu lực thi hành sớm. Rà soát kỹ các điều kiện, các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) phát biểu

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) lưu ý, việc ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn luật cần phải hoàn thành trước 1/8/2024 để kịp cho Luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Hiện còn rất ít thời gian, điều này đang đặt ra vấn đề chất lượng thi hành luật, đặc biệt là tại các chính quyền địa phương.

Theo đại biểu, khi xây dựng các nghị định, nghị quyết, Chính phủ cần xác định rõ đâu là việc cần ưu tiên làm trước, đâu là việc làm sau để kịp thời hướng dẫn địa phương và địa phương cũng yên tâm triển khai thực hiện.

"Muốn vậy, cần hướng dẫn chi tiết nhất, tập trung nỗ lực tối đa xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật thiết yếu nhất theo quy trình rút gọn", ông Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Do đó, ông Hòa đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là các văn bản do địa phương xây dựng.

Đại biểu cũng nêu việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.

Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi phát biểu kết luận phiên họp. Ông Hải nhấn mạnh, Chính phủ cần khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ban hành các văn bản triển khai thực các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ và lộ trình phù hợp.

Cần dự báo các rủi ro phát sinh để chủ động giải pháp xử lý

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bày tỏ đồng tình với việc thông qua dự án Luật sớm từ 1/8 để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, khơi thông nguồn lực đất đai và nhà ở, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm.

Song, bên cạnh đó, đại biểu cho rằng Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro có thể nảy sinh nếu ban hành Luật sớm trước 5 tháng để có giải pháp chủ động ứng phó. Với tinh thần như thế thì cả Quốc hội, cả Chính phủ và cả địa phương cùng chung tay tháo gỡ để đưa 4 luật này vào thực hiện sớm từ 1/8 sẽ đảm bảo rất tốt, đồng bộ và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Cùng quan điểm, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới nêu các điểm tác động tích cực và những điểm có lợi khi triển khai thực hiện các luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ những rủi ro và những yếu tố tác động bất lợi khi triển khai sớm các luật này.

"Khi đánh giá được những khó khăn, rủi ro chúng ta sẽ có những giải pháp và những nhiệm vụ để khi các dự thảo luật này thực thi sớm chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp", bà Lan nói.

Đồng tình với chủ trương đưa 4 luật có hiệu lực sớm đáp ứng yêu cầu thực tế, song đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị cần nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

Bên cạnh đó, ông Đồng đề nghị cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức.

Doanh nghiệp đang chờ, cần có "đường cao tốc" trong hoàn thiện thể chế

Ủng hộ quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa các luật có hiệu lực sớm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh điều này rất quan trọng, vì người dân và doanh nghiệp rất chờ đợi và hy vọng Quốc hội sẽ thông qua được luật này để điều chỉnh nhanh thời gian đưa vào thực tế của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo đại biểu, 5 tháng là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với sự phát triển, bao gồm những cơ hội của sự phát triển, cơ hội giải tỏa những vướng mắc để khơi thông nguồn lực đất đai và khơi dậy các nguồn lực khác để cộng sinh với đất đai để thúc đẩy sự phát triển.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội)

"Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện những con đường cao tốc. Chúng ta luôn kỳ vọng rằng không chỉ có những con đường cao tốc trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông mà cần có những con đường cao tốc, cách làm đường cao tốc trong xây dựng và hoàn thiện thể chế", ông Lộc nói.

Vị đại biểu nêu quan điểm, chắc chắn không có sự bứt phá mạnh mẽ về thể chế thì chúng ta sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và lần này rất hoan nghênh Chính phủ trong bối cảnh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang là một làn sóng, đang là một tâm lý khá phổ biến thì Chính phủ đã vượt lên nỗi lo ngại này. "Tôi nghĩ là tinh thần đó rất cần được cổ vũ trong bối cảnh hiện nay", đại biểu nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, trong luật này, phần lớn các vấn đề có thể đưa vào thực tiễn ngay được và chỉ có một số ít vấn đề phải có văn bản hướng dẫn của Chính phủ hay của các địa phương cho nên đưa được tất cả những vấn đề đã rõ, đã chín và không cần hướng dẫn vào cuộc sống, đấy đã là một thành công rất lớn.

Theo báo cáo của Chính phủ thì phần lớn những văn bản hướng dẫn là tương đối hoàn chỉnh và có thể ban hành, trên cơ sở đó chính quyền địa phương cũng sẽ ban hành những văn bản của mình để triển khai luật này.

"Tôi nghĩ rằng, một trong những cách làm tốt nhất hiện nay là không chờ Chính phủ có các văn bản hướng dẫn mà các địa phương chuẩn bị ngay những văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của mình. Mặt khác, các dự thảo văn bản của Chính phủ cũng có thể gửi cho các địa phương để các địa phương chủ động, tôi nghĩ cách làm kết hợp như vậy cả ở tầm trung ương và địa phương sẽ giúp cho quá trình triển khai luật này của chúng ta sẽ tốt hơn", đại biểu đề xuất.

MInh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục