Doanh nghiệp bảo hiểm phát triển theo chiều sâu

(ĐTCK) Khép lại quý I/2009, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cho dù không cao so với cùng kỳ năm 2008. Trong khi doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ quý I/2009 đạt 2.992 tỷ đồng, tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2008 thì bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu 2.514 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2008. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh việc tạo dựng một thị trường bảo hiểm phát triển ổn định và bền vững.
Ông Phùng Đắc Lộc. Ông Phùng Đắc Lộc.

Xin ông cho biết yếu tố chính tác động đến thị trường bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2009?

Những tháng đầu năm 2009, cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng mạnh tới tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp giảm sút về đầu ra tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài bị thu hẹp. Không ít doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc cố gắng duy trì lực lượng lao động nhưng không đủ ngày công hàng tháng. Tình hình này ảnh hưởng nhiều tới khả năng tài chính đóng phí bảo hiểm để tham gia bảo hiểm cho tài sản, trách nhiệm và bảo hiểm cho người lao động. Một số ngành gặp khó khăn trong khi có giá trị tài sản lớn và đóng phí bảo hiểm nhiều như: đóng tàu, kinh doanh vận tải biển và thủy nội địa, hàng không, than - khoáng sản, dầu khí, thép, xi măng. Những khó khăn này đã tác động đến tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy qua kết quả kinh doanh quý I/2009 là một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn đã củng cố để phát triển, không coi trọng tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá mà đi vào chiều sâu, đó là hiệu quả - tăng trưởng bền vững và củng cố để phát triển khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.

Ông nhìn thấy điều gì từ tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm chậm lại?

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhìn chung các nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu lớn, chiếm tỷ trọng cao đều tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ năm 2008. Những doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu cao, chiếm thị phần lớn đã có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2008 như Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO. Điều này phần nào phản ánh khó khăn của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn đầu năm 2009.

Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nỗ lực tuyên truyền, giải thích, trợ giúp khách hàng để duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đặc biệt, các doanh nghiệp đưa ra nhiều sản phẩm bảo hiểm với số tiền bảo hiểm tích lũy lớn, bảo tức cao, mức độ bảo vệ rủi ro cho người tham gia bảo hiểm tốt hơn, nên tiếp tục khai thác được nhiều hợp đồng bảo hiểm, tạo doanh thu 2.514 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2008. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và thế giới.

Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?

Dường như việc khai thác bảo hiểm năm 2009 gặp khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải chung tay tháo gỡ khó khăn với cơ sở sản xuất - kinh doanh, làm cho cơ sở sản xuất - kinh doanh hiểu rõ việc tham gia bảo hiểm gắn liền với sự sống còn của họ, vì rủi ro sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu rủi ro xảy ra, cơ sở sản xuất - kinh doanh đã khó khăn sẽ càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí có thể đi đến bờ vực phá sản. Vậy làm sao để cơ sở sản xuất có thể tham gia bảo hiểm cho những rủi ro thiên tai, tai nạn, thảm họa đang rình rập? Trước mắt, doanh nghiệp bảo hiểm phải đưa ra những sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro tất yếu hay xảy ra, mức phí phù hợp với khả năng tài chính hiện có của cơ sở sản xuất - kinh doanh. Hoặc thay vì thời hạn bảo hiểm là 1 năm thì nên chia ra làm nhiều kỳ nộp phí hay nhiều hợp đồng bảo hiểm ngắn hạn liên tục có thời gian dưới 1 năm.

Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát, cắt giảm chi phí không cần thiết, xây dựng định mức chi phí hợp lý cho từng sản phẩm bảo hiểm, cho từng chi nhánh, đơn vị thành viên; xem xét chi phí khuyến mãi, quảng cáo; xây dựng cơ chế trả lương, hoa hồng gắn với hiệu quả kinh doanh của từng đơn vị.

Đây đó vẫn xảy ra tình trạng sách nhiễu trong việc bồi thường cho khách hàng mua bảo hiểm. Dường như doanh nghiệp bảo hiểm chưa chú trọng đến điều này, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy, vì vấn đề mang tính quyết định trong cạnh tranh bảo hiểm là thủ tục bồi thường. Nếu có xảy ra tình trạng sách nhiễu thì cũng chỉ là đơn lẻ ở một vài cá nhân, chứ không có doanh nghiệp bảo hiểm nào chủ trương như vậy. Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát, sửa đổi, bổ sung điều khoản trong biểu phí bảo hiểm, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, mẫu đơn và giấy chứng nhận bảo hiểm, nội dung hợp đồng bảo hiểm mẫu, quy trình khai thác bảo hiểm, quy trình giải quyết bồi thường, thủ tục hồ sơ yêu cầu bồi thường… Đây là những yếu tố nâng cao năng lực quản lý điều hành, quản lý rủi ro và uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm chống trục lợi bảo hiểm, mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, vẫn có hồ sơ xin cấp phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm. Theo ông, có nên cấp phép cho doanh nghiệp bảo hiểm mới?

Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, nên tạm ngừng cấp phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm để ổn thị trường. Mặt khác, nếu có cấp phép, doanh nghiệp cũng khó đi vào hoạt động vì thị trường bảo hiểm đang cạnh tranh rất khó khăn.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục