Doanh nghiệp bảo hiểm dần chuộng “CEO ta”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau Prudential, thị trường bảo hiểm ghi nhận thêm trường hợp SunLife lần đầu tiên có CEO là người Việt.
CEO là người Việt, người gốc Việt có lợi thế am hiểu thị trường hơn so với CEO nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn CEO là người Việt, người gốc Việt có lợi thế am hiểu thị trường hơn so với CEO nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn

CEO ta” nhiều hơn “CEO Tây”

Nếu trong khối bảo hiểm phi nhân thọ, đa phần là công ty bảo hiểm nội và CEO thường là người Việt, thì trong khối bảo hiểm nhân thọ, chỉ có duy nhất một công ty bảo hiểm nội là Bảo Việt Nhân thọ. CEO ở khối này vì vậy cũng từng đa số là người nước ngoài.

Tuy vậy, với chuyển động gần đây, có thể thấy, các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng bổ nhiệm nhân sự là người Việt hoặc gốc Việt vào vị trí giám đốc điều hành.

Trong số 18 CEO doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, hiện có tới 10 CEO là người Việt, hoặc gốc Việt. Ngoài hai nhân sự mới được bổ nhiệm là ông Phương Tiến Minh (CEO Prudential) và ông Lý Nhơn (CEO SunLife Việt Nam), còn có ông Lâm Hải Tuấn (CEO Chubb Việt Nam), ông Trần Đình Quân (CEO Daiichi Việt Nam), ông Huỳnh Hữu Khang (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam), ông Lê Anh Tuấn (CEO Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam), ông Vũ Hồng Phú (CEO MB AGEAS), bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (CEO Generali Việt Nam) và ông Paul George Nguyễn (CEO Aviva Việt Nam), ông Phạm Ngọc Sơn (CEO Bảo Việt Nhân thọ).

Trở lại với trường hợp “CEO ta” mới nhất trên thị trường bảo hiểm, được biết, sau khi Tập đoàn Tài chính Sun Life tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life từ 49% lên 100% và đổi tên Công ty thành Sun Life Việt Nam, ghế điều hành lẫn quản trị cao nhất của Công ty đều do người nước ngoài đảm nhiệm. Ông Lý Nhơn là người gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí CEO tại công ty này.

Trong số 18 CEO doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có tới 10 CEO là người Việt.

Được biết, ông Nhơn sang định cư tại Canada từ năm 5 tuổi, ông đã có hơn 26 năm làm việc tại các tập đoàn bảo hiểm toàn cầu. Ông từng là người thiết kế và giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Universal Life đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2006 và từng là Phó tổng giám đốc Tài chính AIA Việt Nam.

Xu hướng “nội địa hóa” nhân sự cấp cao của ngành bảo hiểm cũng là điều dễ hiểu với một thị trường mới, chỉ có hơn 20 năm phát triển như Việt Nam. Bởi các công ty bảo hiểm cần có những CEO am tường về đặc tính, thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Những lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm, có thành tựu nhất định sẽ được ưu tiên săn đón.

Bản thân ông Phương Tiến Minh trước khi được bổ nhiệm vào ghế CEO Prudential Việt Nam (vào tháng 6/2020) từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc kinh doanh và Phó tổng giám đốc tiếp thị (giai đoạn từ 2016 - 2018) của công ty này, trước khi chuyển sang làm việc tại Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Ở cương vị Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam, ông Minh đã có những thành công nhất định tại các kênh tiếp thị mới, dẫn dắt sự chuyển đổi và số hóa kênh đại lý…

Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm HD – gương mặt mới tham gia thị trường vào tháng 5/2020, với mức vốn điều lệ lớn (tới 1.800 tỷ đồng), vượt qua một số hãng bảo hiểm lâu năm như BIC (1.173 tỷ đồng), PJICO (887 tỷ đồng), PTI (804 tỷ đồng)… cũng bổ nhiệm toàn bộ nhân sự người Việt vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, từng giữ nhiều vị trí điều hành, quản trị quan trọng trong hệ thống PVI, bao gồm Công ty cổ phần PVI, PVI Re – mảng tái bảo hiểm, PVI Sunlife - mảng bảo hiểm nhân thọ, là CEO của Bảo hiểm HD.

Trong số người cũ của PVI “đầu quân” cho Bảo hiểm HD, còn có ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần PVI (công ty mẹ của PVI Re, Bảo hiểm PVI và PVI Sun Life - trước khi bán vốn cho Sun Life).

Vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Những dịch chuyển về nhân sự cấp cao theo kiểu chạy vòng quanh, cùng việc Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi với nhiều điểm mới đang được Quốc hội đưa ra thảo luận khiến thị trường bảo hiểm trong nước thêm rộn ràng.

Liên quan đến hoạt động điều hành, quản trị tại các công ty bảo hiểm, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trước Quốc hội, một số công ty trong khối phi nhân thọ không bổ nhiệm tổng giám đốc, mà bổ nhiệm quyền tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách, do pháp luật kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng về mô hình quản lý doanh nghiệp, mà áp dụng quy định chung tại Luật Doanh nghiệp.

Còn với khối nhân thọ, các công ty dù đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Số lượng công ty bảo hiểm tăng nhanh trong thời gian qua, cộng với số lượng cơ sở đào tạo về bảo hiểm không nhiều và chưa chuyên sâu đã gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường bảo hiểm, dẫn đến hiện tượng chuyển dịch nhân sự cấp cao giữa các công ty, gây xáo trộn hoạt động kinh doanh”, thông tin từ Bộ Tài chính cho hay.

Ngoài ra, với khối nhân thọ, có hiện tượng doanh nghiệp trống vị trí chủ tịch, tổng giám đốc hoặc chuyên gia tính toán, do hết hợp đồng lao động nhưng chưa kịp thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng mới, hoặc do người đảm nhiệm chức danh này thôi việc và công ty không kịp làm thủ tục tuyển dụng hoặc bổ nhiệm kịp thời, do người đề nghị bổ nhiệm không đáp ứng tiêu chuẩn…

Về việc phê chuẩn các chức danh quản trị, điều hành, bộ này cũng cho biết pháp luật có quy định thủ tục phê chuẩn chức danh quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, chưa có quy định các trường hợp đương nhiên mất tư cách người quản trị, điều hành doanh nghiệp bảo hiểm; miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh quản trị điều hành.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực cao của quy định pháp luật về vấn đề này, giúp xây dựng hệ thống quản trị công ty, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm các chức danh quản trị, điều hành; quy định trách nhiệm của người quản trị điều hành đối với hoạt động cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung các quy định về trường hợp từ chối hoặc yêu cầu bãi nhiệm đối với các chức danh quản trị, điều hành.

Ghi nhận những thành tựu đạt được trong 20 năm phát triển của thị trường bảo hiểm, nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, còn nhiều vấn đề tồn tại. Cạnh tranh trong ngành gay gắt, dẫn đến chi phí doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho kênh phân phối lớn, từ đó làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp, hoặc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ khách hàng; đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp…

Các CEO, nhất là CEO “ta” sẽ còn nhiều việc phải làm trên chặng đường phía trước.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục