Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam: Chưa chạy đã... hụt hơi

(ĐTCK-online) Trong “Diễn đàn các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/9/2007, các doanh nghiệp trong hệ thống bán lẻ đã thừa nhận thực tế là, sẽ rất khó cạnh tranh khi thị trường này được mở cửa hoàn toàn vào năm 2009.
Hợp tác sẽ giúp các DN bán lẻ mở rộng khả năng khai thác thị trường. Hợp tác sẽ giúp các DN bán lẻ mở rộng khả năng khai thác thị trường.

Đề cập cụ thể những vấn đề mà doanh nghiệp (DN) của mình hay gặp phải, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc chuỗi cửa hàng phân phối Vinatex Mart tỏ ra khá bức xúc. Bà Hương cho biết, theo quy luật kinh tế thông thường, một mặt hàng được bán nhiều trong một cửa hàng thì phải được ưu tiên diện tích trưng bày, thế nhưng, ở nhiều siêu thị của Việt Nam, đã xảy ra chuyện ngược lại, một mặt hàng đáng lẽ được trưng bày ở 5 ô gian hàng thì bị thu gọn lại một cách cố tình. Nguyên nhân là do các đối thủ cạnh tranh đã “lót tay” cho nhân viên hoặc lãnh đạo siêu thị để xếp mặt hàng khác vào vị trí đó, bất kể hợp đồng đã ký.

Trong khi mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối bán lẻ là quan hệ sống còn, thì ở Việt Nam, liên tục xảy ra tình trạng hai bên “hành hạ” nhau khi... có cơ hội. Bà Hương không giấu nổi thất vọng khi kể rằng, có nhà sản xuất khi cung cấp sản phẩm vào siêu thị đã phải “ngọt nhạt” mới lấy được tiền bán hàng, cho dù đã quá hạn thanh toán cả tháng trời. Sở dĩ xảy ra tình trạng “hành nhau” này là do muốn đưa được hàng vào trong cửa hàng bán lẻ, nhà sản xuất đã phải trải qua đủ các “cửa ải”, nên không muốn bị mất “mối”. Nhưng nếu có cơ hội, nhà sản xuất lại “hành” DN phân phối đến khốn khổ. Tình trạng này xảy ra khi khan hiếm hàng hoặc khi xuất hiện những đột biến và nhiều nhà sản xuất sẵn sàng hủy bỏ không thương tiếc các hợp đồng đã ký.

Cũng tại diễn đàn này, đại diện của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã than thở rằng, hoạt động không chuyên nghiệp của các DN trong ngành phân phối bán lẻ chính là rào cản lớn khiến họ gặp khó khăn. Sự không công bằng trong khi thực thi luật pháp cũng đã khiến các DN trong lĩnh vực này thiệt thòi. “Trong khi siêu thị của chúng tôi bán một lọ tăm cũng phải dán mã vạch và bị tính thuế thì có những cửa hàng bán hàng trăm chiếc tivi lại chỉ phải nộp thuế có vài chiếc do đã ngã giá với nhân viên thuế”, vị đại biểu bức xúc. 

Chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái lo ngại, khi mở cửa hoàn toàn thị trường này, các DN phân phối trong nước sẽ bị lép vế do tiềm lực yếu hơn đối thủ nước ngoài rất nhiều. Vốn đã nhỏ bé, các DN lại hoạt động trong điều kiện khó khăn, trong đó có thủ tục xin đất, vay vốn. “Tính trung bình, mỗi DN ở TP.HCM hay Hà Nội cần tìm mặt bằng phải mất 3 - 5 năm để lo thủ tục và những thứ liên quan. Trong thời gian này, cơ hội đã trôi qua trước mắt các DN”, ông Đoàn nhận xét.

Một trong những nội dung quan trọng được bàn bạc tới nhiều tại diễn đàn được tổ chức lần này là, làm thế nào để nâng cao khả năng của các DN bán lẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt sắp tới? Để giải quyết vấn đề tiềm lực của DN, theo ông Phạm Đình Đoàn, phương án liên kết phải được các DN đặc biệt chú ý. Việc hợp tác giữa các DN sẽ giúp họ mở rộng được khả năng khai thác thị trường. Cũng đồng ý với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hồng Hương nói: “Liên kết là rất cần thiết, nhưng các DN phải khắc phục được thực tế hiện nay là, việc hô hào liên kết chỉ là cái vỏ và chưa phát huy được bao nhiêu”.

Để giải quyết những vấn đề của ngành phân phối bán lẻ, sự quan tâm của nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Theo ông Đoàn, Nhà nước cần xác định được tỷ lệ rõ ràng số lượng DN bán lẻ trong nước và DN nước ngoài để có phương án cụ thể. Do hoạt động của DN bán lẻ sẽ tác động trực tiếp tới sản xuất và tiêu dùng hàng hoá, nên cần phải có phương án cụ thể. Bên cạnh đó, khi giải quyết các thủ tục liên quan, cũng cần chú ý về mặt thời gian để đảm bảo rằng, cơ hội của DN không bị bỏ qua.

Theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc thành lập Hiệp hội Bán lẻ trong nước ở thời điểm này là rất cần thiết. Đây được coi là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình hình không mấy sáng sủa hiện nay của các DN. Vấn đề cốt lõi chính là hoạt động của Hiệp hội này phải thực chất và góp phần tạo ra sức mạnh của cộng đồng DN.

Với tình trạng như hiện tại, nếu các DN bán lẻ không tự thay đổi cách tư duy, cũng như không có chiến lược rõ ràng thì cảnh “chưa chạy đã hụt hơi” sẽ khiến cho họ gặp nhiều bất lợi khi thị trường được mở cửa hoàn toàn.

Duy Đông
Duy Đông

Tin cùng chuyên mục