Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ giữ đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm 2022, dự báo lợi nhuận cả năm sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số.
Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ nằm trong nhóm hưởng lợi khi kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19. Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ nằm trong nhóm hưởng lợi khi kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19.

Dự báo sớm kết quả quý II

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán FRT) cho biết, quý II thường là khoảng thời gian thấp điểm của thị trường bán lẻ, nên doanh thu quý II năm nay dự kiến thấp hơn quý I, nhất là sau giai đoạn nhu cầu mua sắm tăng cao dịp lễ, tết. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, Công ty kỳ vọng sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu cao.

Trong quý đầu năm 2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của FRT cho thấy, lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ năm 2021. Công ty con Long Châu ghi nhận doanh thu gấp 3,7 lần cùng kỳ, do nhu cầu dược phẩm tăng cao và có thêm 324 cửa hàng mới phát sinh doanh thu so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) ước tính, quý II/2022 có thể đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 42% và 55% so với cùng kỳ năm 2021. Một trong những động lực tăng trưởng của Công ty đến từ sản phẩm của một số thương hiệu mới được đưa lên kệ hàng như Whirlpool, TCL, Joyoung, Microsoft.

Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) đạt doanh thu hợp nhất cao kỷ lục trong quý I/2022 với 36.467 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và bằng 26% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.445 tỷ đồng, cao thứ hai trong lịch sử và tăng 8% so với cùng kỳ.

MWG chưa có dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2022, nhưng Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá, dư địa tăng trưởng mảng điện máy của MWG vẫn tích cực nhờ nhu cầu mua sắm phục hồi sau dịch và doanh nghiệp đẩy mạnh chuỗi Điện máy xanh - dự kiến vận hành ít nhất 1.000 cửa hàng vào cuối năm 2022, đồng thời nâng cấp các cửa hàng Thế giới di động thành Điện máy xanh, mở trung tâm điện máy cỡ lớn (quy mô 3.000 m2) nếu có cơ hội.

Hiện tại, nhóm doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đang gặp phải một số khó khăn về nguồn cung hàng do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.

Về vấn đề này, FRT chia sẻ, với mức tồn kho hiện tại, Công ty có đủ hàng để bán và có dự trữ hàng hóa trong trường hợp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, FRT thường xuyên trao đổi với các nhà cung cấp để có phương án ứng phó phù hợp.

Để mở rộng độ phủ, qua đó gia tăng sức mua, FRT sẽ đồng loạt triển khai các kế hoạch hành động trên tất cả các chuỗi: FPT Shop, F.Studio by FPT và Long Châu.

Cụ thể, với chuỗi FPT Shop, FRT sẽ mở mới hơn 70 trung tâm laptop, duy trì vị trí nhà bán lẻ máy tính xách tay số 1 trên thị trường. Đồng thời, Công ty mở thêm khoảng 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.

Với chuỗi Long Châu, FRT sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng sự hiện diện tại 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm. Dự kiến, Công ty sẽ mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số lên 700 - 800 vào cuối năm 2022.

Song song đó, FPT Long Châu tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh về số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hoá.

Ngoài ra, FRT sẽ đầu tư mạnh mẽ vào dự án chuyển đổi số và hoàn thiện nền tảng bán lẻ số để tăng hiệu suất vận hành, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Chuỗi Long Châu kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính về doanh thu của FRT và đóng góp từ 50 - 100 tỷ đồng vào lợi nhuận, tùy thuộc tốc độ mở cửa hàng mới.

Định hướng dài hạn của Long Châu là phục vụ trực tiếp khách hàng ở nhóm bệnh phổ biến (như tim mạch, tiểu đường), có thể mở rộng sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe (như phòng khám, chăm sóc sức khỏe).

Khả năng tăng trưởng hai con số

Dù gặp khó khăn về nguồn cung hàng, trong khi ngành bán lẻ công nghệ đang có sự cạnh tranh khốc liệt, lãi vay có khả năng tăng, nhưng doanh nghiệp ngành này được nhận định sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022, ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hai con số.

Năm 2022, FRT đặt mục tiêu đạt doanh thu 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với năm 2021. Với kết quả quý I, Công ty đã hoàn thành được 28% kế hoạch năm về doanh thu và lợi nhuận. Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, FRT có thể sẽ cán mốc kế hoạch 2022 trước khi kết thúc năm.

Digiworld đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 26.300 tỷ đồng, tăng 25% và lợi nhuận 800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Mảng điện thoại di động dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu với 47%, đóng góp 12.330 tỷ đồng, tăng 25%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của MWG là đạt doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm 2021.

Năm 2022, kế hoạch lợi nhuận của FRT tăng 30%, DGW tăng 22%, MWG tăng 30% so với năm 2021.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng dự phóng, năm 2022, MWG có thể đạt 147.319 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% và 6.512 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 33%, nhờ triển vọng tăng trưởng các chuỗi cửa hàng cũ và đóng góp đáng kể từ các chuỗi cửa hàng mới (An Khang, Topzone…).

MWG định vị Bách hoá xanh trở thành lựa chọn hàng đầu cho mặt hàng tươi sống nên sẽ thực hiện nhiều chương trình bán hàng và khuyến mại hấp dẫn, đồng thời thay đổi layout cửa hàng trên diện rộng, thân thiện với khách hàng và nhân viên hơn. Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, trong ngắn hạn, chiến lược này sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận và kế hoạch hoà vốn của Bách hoá xanh, song đây là việc làm cần thiết trước khi mở rộng trên toàn quốc vào năm 2023.

Còn FRT được dự phóng đạt 29.092 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022, tăng 29% so với năm 2021, do nhu cầu ngành hàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vượt kỳ vọng; lợi nhuận sau thuế ước đạt 693 tỷ đồng, tăng 56%; biên lãi gộp 15%.

Mặc dù nhu cầu sử dụng laptop/máy tính bảng sau giãn cách xã hội có thể giảm, nhưng FRT có chiến lược mở rộng chuỗi F.Studio - chuyên bán lẻ các sản phẩm của Apple, về cả quy mô cửa hàng và số lượng, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đẩy mạnh các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính, ghi nhận doanh thu từ nhãn hàng mới - Xiaomi, kỳ vọng doanh thu sản phẩm Xiaomi chiếm 7 - 10% tổng doanh thu điện thoại di động.

Thực tế, mảng ICT vẫn được nhiều ý kiến nhận định có khả năng tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn nhờ nhu cầu laptop, máy tính bảng gia tăng khi mỗi năm ước tính có thêm khoảng 200.000 sinh viên và khoảng 1 triệu trẻ em bắt đầu đi học. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam liên tục gia tăng và việc sử dụng Internet, công nghệ trở thành thói quen mới của nhiều người sau đại dịch. Ngoài ra, vòng đời sản phẩm của khối doanh nghiệp bán lẻ công nghệ trung bình từ 2 - 4 năm, chu kỳ mới của sản phẩm sẽ bắt đầu từ năm 2023 - 2024.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng và ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment khuyến nghị, nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ có động lực tăng trưởng tốt, chẳng hạn MWG.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục