Doanh nghiệp bán lẻ công nghệ bẻ lái tăng trưởng

(ĐTCK) Các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ đang tiếp tục mở rộng ngành hàng mới cũng như kênh phân phối để duy trì đà tăng trưởng cao trong bối cảnh nhu cầu sản phẩm công nghệ dần bão hòa.
FRT vẫn tiếp tục mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.

FRT: Mở gần 70 trung tâm bán laptop, bán thêm đồng hồ

Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã FRT) vừa thông qua kế hoạch mở thêm các ngành hàng mới.

Kết thúc quý I, doanh thu FRT ghi nhận đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2020 và tăng 19% so với quý IV/2020, đạt 28% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 582 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng tới 265% so với quý liền trước, đạt 39 tỷ đồng và hoàn thành 32% kế hoạch cả năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện FRT cho biết, mảng kinh doanh điện thoại, laptop và phụ kiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Công ty. FRT cũng kỳ vọng thị trường điện thoại sẽ hồi phục sau một năm sụt giảm.

Mảng phân phối laptop, theo FRT, sẽ là ngành hàng hưởng lợi và có đà tăng trưởng nhờ nhu cầu làm việc tại nhà. Đó là lý do Công ty đã mở gần 70 trung tâm phân phối laptop trong quý I/2021.

Ngoài các ngành hàng chính, FRT luôn tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới như SIM đồng thương hiệu Mobifone, các sản phẩm thông minh của Xiaomi (Mi-Eco), đồng hồ Garmin…. FRT đã bắt đầu mở cửa hàng bán đồng hồ Garmin tại Hà Nội.

Tuy nhiên, đại diện FRT khẳng định, đây là các hướng đi mới, trong ngắn hạn chưa thực sự đóng góp lớn về doanh thu.

Năm 2021, FRT đặt kế hoạch doanh thu 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 12% và 320% so với năm 2020.

Kế hoạch lợi nhuận có quá tham vọng khi chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn đang thua lỗ?

Theo FRT, năm 2020, Công ty đã chủ động tối ưu quy trình, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện trích lập dự phòng các khoản nợ xấu và xử lý hàng tồn kho chậm luân chuyển, tạo nền tảng tốt cho sự tăng trưởng trong năm 2021.

Với điều kiện thị trường bình thường, không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, FRT kỳ vọng doanh thu mảng công nghệ (ICT) tăng trưởng trở lại ở mức 5%, trong khi với chuỗi nhà thuốc Long Châu, các cửa hàng được mở trên 6 tháng hoạt động tương đối hiệu quả, tỷ lệ lãi gộp cải thiện sẽ giúp cho Long Châu lỗ ít hơn so với năm 2020.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FRT khẳng định, đến năm 2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ có lãi và đóng góp 25% vào tổng doanh thu của Công ty.

MWG: Nhận rõ rủi ro bão hòa ngành, đẩy mạnh tăng trưởng

Quý I/2021, Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 30.827 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 1.337 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ).

Tỷ trọng đóng góp của hệ thống Thế giới di động vào tổng doanh thu quý I của MWG chỉ còn 26,8%, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường điện thoại di động đã chững lại, xu hướng doanh thu ngành hàng này có thể còn giảm tỷ trọng trong cơ cấu của MWG thời gian tới.

Trong khi đó, nhóm sản phẩm điện máy đi ngang, chiếm 53,9% tổng doanh thu, còn Bách Hóa Xanh đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp 19,3% tổng cơ cấu doanh thu của MWG với mức tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp hiện tại của Bách Hóa Xanh sau hủy hàng và mất mát đang ở mức 25% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ tháng 4/2021 khi các điều khoản thương mại mới được áp dụng do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.

Có thể nhận thấy, mảng lõi của MWG là Thế giới di động đang dần chững lại. MWG đang được đà tăng trưởng nhờ ngành hàng mới như ngành hàng thực phẩm tại Bách Hóa Xanh, mở chuỗi cửa hàng Bluetronics tại Campuchia.

Hiện MWG có 2.000 cửa hàng Thế giới di động, Điện Máy Xanh. MWG có kế hoạch phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa với chiến dịch bắt tay cùng các cửa hàng bán lẻ tại những nơi MWG chưa có mặt.

Nhờ chiến lược mở rộng độ phủ từ sớm, đến nay, MWG chiếm khoảng 50% thị phần điện máy và điện thoại di động, 23% thị phần hàng tiện lợi ở Việt Nam. Ngoài ra, với chuỗi cửa hàng Bluetronics, MWG đang là nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng số 1 Campuchia.

Bản thân MWG đã nhận thấy rõ rủi ro bão hòa của ngành khi tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy trong nước ngày càng chậm lại, gây ra thách thức lớn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của Công ty. Để gia tăng thị phần, MWG cho biết luôn chủ động trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm điện thoại, điện máy để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.

Bên cạnh đó, Công ty cũng tập trung phát triển ngành hàng mới là thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh. Đây là thị trường có quy mô ước tính hơn 60 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với tổng quy mô hơn 10 tỷ USD của hai ngành điện thoại, điện máy.

DGW: Mở thêm ngành hàng bán lẻ, y tế, mỹ phẩm

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) vừa trình cổ đông kế hoạch bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, trong đó có bán lẻ, y tế, mỹ phẩm… Ông Lư Trần Anh Dũng, đại diện DGW cho biết: “Chúng tôi muốn trình cổ đông xem xét để khi cơ hội kinh doanh đến, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai ngay và những năm sau DGW có thể mở ra nhiều ngành hàng nữa”.

Năm 2021, DGW đặt kế hoạch doanh thu 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Trong đó, kỳ vọng mảng điện thoại đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu, tức tăng 59% so với năm 2020, nhờ sự hợp tác với Apple, Huawei.

Quý I/2021, DWG ghi nhận doanh thu 5.007 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 117% và 137% so với cùng kỳ năm 2020.

Quý I vừa qua, Công ty ghi nhận doanh thu 5.007 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng, lần lượt tăng 117% và 137% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực ở mảng ngành hàng điện thoại di động, tăng trưởng 148% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh thu 2.833 tỷ đồng, mà động lực chính nhờ Xaomi ra mắt các mẫu điện thoại mới trong quý I. Ngành máy tính xách tay tăng trưởng 74%, doanh thu 1.375 tỷ đồng, ghi nhận sự hợp tác của hai hãng mới là Huawei và Apple và ngành thiết bị văn phòng bắt đầu hồi phục mạnh mẽ.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị DGW cho biết, 2020 là năm đầy khó khăn của Công ty, ngành thiết bị văn phòng cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng sang năm 2021, mảng này đã phục hồi mạnh mẽ khi doanh thu dự kiến tăng từ 128 đồng lên 718 tỷ đồng.

DGW đã lấn sân vào ngành hàng tiêu dùng với việc phân phối sản phẩm thuốc xương khớp Regenflex và sữa dinh dưỡng của Nestle. Nhóm ngành này đã có sự khởi sắc trong quý I, tăng trưởng 29% về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 81 tỷ đồng. Đáng chú ý, không chỉ mở rộng các sản phẩm phân phối, DGW còn đầu tư vào mảng cầm đồ, với việc góp 21,86% vốn vào Công ty Vietmoney, tương đương 50,5 triệu cổ phần.

DGW cho biết đây là kế hoạch để hiện thực hóa chiến lược công ty tỷ USD. Công ty luôn tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh doanh mới.

Với sự linh hoạt trong chiến lược ngành hàng, kênh phân phối, các doanh nghiệp ngành bán lẻ công nghệ đang giữ vững được đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh ngành hàng công nghệ dần bão hòa.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục