Diễn biến này đang gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Anh nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói riêng tại vương quốc này.
Theo nghiên cứu được công bố cuối tuần trước của Harvard Business Review, các CEO tại Anh dành 90 phút mỗi tuần để lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện Brexit, trong khi các giám đốc tài chính (CFO) dành hơn 2 giờ.
Tổng hợp lại, lãnh đạo cấp cao tại 2 vị trí này ở các doanh nghiệp tại Anh đã dành 200 giờ mỗi năm trung bình trong 3 năm qua để sẵn sàng “đón nhận” Brexit.
Tuy nhiên, điều đau đầu là đã hơn 3 năm kể từ ngày nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, các doanh nghiệp vẫn chưa biết đâu là lối ra, loay hoay trong mớ hỗn độn các khả năng tại mọi lĩnh vực: chính sách nhập cư, quy định kinh doanh nội địa, thay đổi hoạt động xuất nhập khẩu…
Ðối với tương lai quá bất định, các doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn hoạt động đầu tư, mở rộng hoặc đưa ra các quyết định quan trọng. Ðây cũng là tình trạng đang diễn ra tại Anh.
Hội đồng Thương mại Anh (BCC) dự báo, hoạt động đầu tư sẽ giảm trong năm 2019 - 2020 sau khi đã đi xuống năm 2018, đánh dấu khoảng thời gian suy giảm đầu tư dài nhất trong 17 năm qua.
Trong khi đó, con số thống kê ý định đầu tư tại các ngành công nghiệp sản xuất tại Anh đã lần đầu tiên xuống mức âm kể từ năm 2016, thời điểm Brexit bắt đầu bùng nổ, theo Make UK.
Ðáng chú ý, các nhà kinh tế tại Stanford, Bank of England, Ðại học Nottingham và Trường Kinh tế London đã khảo sát hơn 7.000 lãnh đạo cao cấp doanh nghiệp tại Anh về tác động của Brexit tới hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, đây là nguồn cơn của rất nhiều vấn đề bất ổn, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực kể từ năm 2016 cho tới nay.
Cụ thể hơn, Brexit khiến hoạt động đầu tư giảm khoảng 11% trong 3 năm qua kể từ tháng 6/2016; đồng thời năng suất sản xuất giảm 2 - 5%.
Hiện tại, câu hỏi lớn được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tuy rất khó trả lời, nhưng các chuyên gia xác định sẽ có 4 trường hợp.
Thứ nhất, Tổng thống Anh Johnson đạt được thoả thuận với EU vào ngày 17/10 và Quốc hội Anh thông qua, khi đó Anh sẽ có thoả thuận Brexit kịp thời hạn 31/10 như đã cam kết. Khả năng này không cao, nhưng cũng không thể loại trừ.
Thứ hai, nếu không đạt được thoả thuận, ông Johnson sẽ phá vỡ cam kết của mình, yêu cầu được gia hạn tới ngày 31/1/2020 và ngay lập tức đề nghị tiến hành tổng tuyển cử. Ðây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Thứ ba, bằng cách nào đó, ông Johnson sẽ đưa nước Anh tiến hành Brexit không thoả thuận vào ngày 31/10 theo đúng thời hạn chót, dù Quốc hội Anh đã quyết định loại bỏ phương án rời EU mà không có thoả thuận.
Khả năng xảy ra trường hợp này không cao, bởi Quốc hội Anh có đủ quyền lực để lật đổ Chính phủ của ông Johnson bằng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thứ tư, nước Anh tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ hai về vấn đề Brexit sau ngày 31/10.
Cho tới hiện tại, khảo sát mới nhất của Institute of Directors (IoD) cho thấy, chỉ 13% các doanh nghiệp nhỏ và 12% doanh nghiệp cỡ vừa tin rằng họ đã có sự chuẩn bị cần thiết cho Brexit. Con số này với các công ty lớn là gần 25%.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và nước Anh đang bị bao phủ bởi bóng mây Brexit, các doanh nghiệp chính là đối tượng chịu tổn thương lớn nếu các yếu tố bất ổn tiếp tục duy trì.
Cuối tuần trước, OECD đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ giảm khoảng 3% nếu trường hợp Brexit không thoả thuận diễn ra, so với mức giảm 0,6% của EU.
Bên cạnh đó, nếu không còn là thành viên EU kể từ 31/10, kinh tế Anh sẽ rơi vào khủng hoảng trong năm tới, với suy thoái kéo dài tới ít nhất năm 2022.