Vỡ kế hoạch những dự án tỷ đô
Đầu năm 2007, TP. HCM chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khu đô thị - Đại học quốc tế Berjaya (VIUT) cho Tập đoàn Berjaya (Malaysia) với tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, tọa lạc trên khu đất rộng 925 héc-ta tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thuộc Khu đô thị Tây Bắc TP. HCM. Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 héc-ta phát triển VIUT thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, đến trung học phổ thông.
Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 héc-ta phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Với thiết kế như vậy, dự án này đã từng mang đến cho Thành phố sự kỳ vọng lớn về một khu đô thị hiện đại, song sự kỳ vọng đã chuyển sang thất vọng khi đến nay, chỉ mới có số ít diện tích trong tổng thể Dự án được đền bù giải tỏa, tất cả các kế hoạch khác đều còn nằm trên giấy.
Nếu như phía Tây Bắc có Dự án VIUT, thì phía Tây Nam Thành phố có Dự án Hưng Điền New Town (tọa lạc tại quận 8 và huyện Bình Chánh) do CTCP Đầu tư Tấn Hưng làm chủ đầu tư cũng đã bị bể kế hoạch.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1 tỷ USD, Hưng Điền New Town được khởi công xây dựng từ năm 2008, từng được đặt mục tiêu biến khu đất gần 20 héc-ta thành một khu phức hợp với 10 block căn hộ cao từ 15 - 81 tầng.
Bên cạnh đó, Dự án còn có khu giải trí Fun City gồm 3 tầng hầm rộng lớn với rạp chiếu phim I-Max hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, bến du thuyền, trường mẫu giáo và tiểu học quốc tế mang tên Washington International School và dự kiến có khoảng 100 căn biệt thự cao cấp trong Dự án... Tuy nhiên, tất cả đến nay cũng chỉ còn là dự kiến.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, mới đây, Công ty Tấn Hưng đã xin chuyển đổi một phần dự án này sang làm nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ở phía Đông TP. HCM, Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (quận 9) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư được xem là dự án trọng điểm về thu hút dân cư. Được khởi công từ năm 2005, Dự án có diện tích gần 160 héc-ta, với thiết kế gồm 70 block nhà chung cư từ 6 - 18 tầng, 2.200 căn nhà liên kế sân vườn từ 100 - 160 m2, 324 căn biệt thự từ 400 - 800 m2 và các khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện, hệ thống cây xanh được thiết kế xây dựng đồng bộ. Dự kiến, khi hoàn thành, Dự án sẽ thu hút khoảng 35.000 người về đây sinh sống. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, Dự án dù có đầu tư hạ tầng, đường sá, nhưng vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, với vài căn nhà được mọc lên nhưng vắng bóng người ở.
Lỗi do khủng hoảng?
Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án kể trên chưa triển khai được, trong đó, nguyên nhân chính yếu theo đại diện các chủ đầu tư, là do sự đóng băng của thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam cho rằng, không riêng Berjaya, khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Vì thế, theo ông Nam, với diễn biến thị trường như thời gian qua, doanh nghiệp không thể làm được cùng một lúc toàn bộ dự án có quy mô lên đến hơn 900 héc-ta. Hiện Tập đoàn đã có hồ sơ xin triển khai trước 200 héc-ta, trong đó, Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu dân cư giai đoạn 1 với quy mô 51,9 héc-ta, bao gồm 16,34 héc-ta đất ở thấp tầng và 6,09 héc-ta đất ở cao tầng.
“Theo xu hướng chung, Berjaya cũng tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà tái định cư và giá rẻ, để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khủng hoảng kinh tế.
“Nếu thị trường tốt, sản phẩm cứ tung ra sẽ có người mua hết như thời điểm sốt đất năm 2007, thì bất cứ ai cũng có thể làm được, đâu cần chọn lựa nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là cần phải xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư. Thực tế, thời gian qua, dù không nằm ngoài khó khăn, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư có năng lực thực sự vẫn triển khai được dự án”, giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở TP. HCM nói.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Techcom Real cho rằng, điểm chung dẫn đến sự thất bại của phần lớn khu dân cư, khu đô thị ở khu vực phía Nam là do tình trạng không có kết nối giao thông, không có hạ tầng xã hội. Trước khi triển khai dự án, hầu hết chủ đầu tư đều cam kết sẽ đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, từ trường trạm, điện nước, nhưng sau đó bỏ luôn trách nhiệm này, khiến các khu dân cư trở nên hoang vắng vì không có người ở do thiếu các dịch vụ tiện ích.
Trong khi đó, nói về thị trường này, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM than thở, chỉ cần đi một vòng qua khu vực quận 2, quận 9, Củ Chi mà thấy xót xa do lãng phí. “Thực trạng này là do quản lý còn lỏng lẻo, trong đó có thực tế giao đất theo nhiệm kỳ. Để khắc phục, cần phải có một chiến lược về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rõ ràng, khu đất nào làm công nghiệp, khu đất nào làm đô thị, khu đất nào triển khai trước, khu đất nào triển khai sau và cũng cần cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án”, bà Loan nói.