Chính phủ quan tâm tới xây dựng thành phố thông minh
Phát biểu tại hội thảo về xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia tổ chức đầu tháng 10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với các quan điểm và nguyên tắc cụ thể.
Có thể kể đến một số quan điểm và nguyên tắc quan trọng như xây dựng đô thị thông minh phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Tiếp đến, là nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác, góp phần thúc đẩy, nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững kết hợp cả hai cách từ trên xuống và từ dưới lên, Trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước.
Tổ chức thực hiện thí điểm điển hình, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tiến hành dần từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc, dựa trên đặc điểm riêng của đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT, trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.
“Xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra”, ông Sinh cho biết.
Nhưng còn nhiều nút thắt
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh. Các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Đánh giá về giải pháp phát triển đô thị thông minh, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ Dell Technologies cho biết, các giải pháp cho thành phố thông minh phải giải quyết lợi ích cho tất cả mọi người, chứ không phải một nhóm đối tượng cụ thể nào. Trên tất cả các giải pháp thành phố thông minh đều lấy con người làm trọng tâm và cải thiện các dịch vụ tương tác giữa người dân với chính quyền.
Hãy tưởng tượng như một vụ tai nạn giao thông ở một thành phố thông minh, người dân sẽ thông báo lên trung tâm điều hành qua ứng dụng (app), trung tâm sẽ xác định được ngay vị trí, phương tiện, người bị thương để báo đến cảnh sát, xe cứu thương... Nếu phương tiện gây tai nạn bỏ chạy, trung tâm sẽ thông báo đến tất cả các bộ phận như giám sát, ứng cứu, điều phối giao thông, cảnh sát giao thông để truy đuổi và bắt giữ.
Đó chính là sự kết nối giữa các ngành để xử lý một vấn đề xảy ra tại thành phố. Ở một quy mô rộng hơn, nó có thể được kết nối giữa các thành phố với nhau và ở mức cao hơn, có thể gọi là quốc gia thông minh.
Theo ông Thành, để làm được điều đó, dữ liệu phải được liên thông, chia sẻ với nhau và đặc biệt là cần vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước và địa phương có hạn, nên cần phải huy động nguồn lực trong dân thông qua việc xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Ví dụ Hà Nội đang gặp vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong khi thành phố chưa có lực để triển khai, có thể kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư để giải quyết vấn đề này. Muốn thế, trước hết doanh nghiệp cũng cần có dữ liệu mà chính quyền đã có.
“Vấn đề quan trọng để làm được thành phố thông minh là phải giải bài toán chia sẻ dữ liệu và lợi ích giữa các bên. Nhà nước tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra ứng dụng để khai thác, khi đó Nhà nước không phải bỏ ngân sách, doanh nghiệp có thể thu lợi nhuận từ ứng dụng mà mình xây dựng, còn người dân được hưởng lợi khi được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ thường nhận được các câu hỏi từ địa phương như họ bắt đầu từ ứng dụng gì, dịch vụ gì trong xây dựng đô thị thông minh? Khi triển khai dịch vụ đó, người dân thấy lợi ích gì và chính quyền địa phương nhận thấy lợi ích gì và làm như thế nào?
Do đó, theo ông Phúc, chúng ta phải chọn các dịch vụ, ứng dụng nào mà tạo ra sự tin tưởng ngay cho cả người dân và chính quyền đô thị, để tạo cơ sở xây dựng kế hoạch dài hạn hơn cho thành phố thông minh như dịch vụ phản ánh hiện trường (trật tự xây dựng, giao thông, rác thải…), giám sát, dịch vụ công…
Là một trong 2 siêu đô thị của cả nước và đang gặp khó khăn trong việc triển khai đô thị thông minh, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết: “Nói đến xây dựng thành phố thông minh thì cái gì cũng cần, như giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, môi trường…, trong đó nóng nhất là vấn đề giao thông. Tuy nhiên, mọi thứ đều gắn với dữ liệu cư dân. Vì vậy, bài toán cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu về đất đai mà chưa làm được thì khó triển khai các bước tiếp theo”.
Ở góc độ khác, chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Đức Kiên, Giám đốc chiến lược VNPT-IT cho biết: “Thực ra, quá trình xây dựng đô thị thông minh là quá trình chuyển đổi số cho một đô thị và nó phải đi theo các bước rất cơ bản như: Khảo sát hiện trạng đô thị, làm việc với lãnh đạo địa phương để xác định mức độ ưu tiên và dựa vào những thực tế, chẳng hạn khả năng triển khai về tài chính của đơn vị đó, để xây dựng kế hoạch rõ nét. Tuy nhiên, không có một phương pháp chung nào, mà phụ thuộc và đặc điểm từng đơn vị”.
Trong khi đó, bà Becky Võ, Giám đốc Quốc gia, Khối Công nghệ tòa nhà, Bosch khu vực Việt Nam, Campuchia và Myanma nhận định, khái niệm thành phố thông minh là rất to lớn, các nước trên thế giới còn gặp khó khăn khi triển khai đô thị thông minh.
Với Việt Nam, để xây dựng thành phố thông minh, thì việc xây mới dễ hơn nhiều so với thay đổi hiện trạng đang có. Chẳng hạn như vấn đề giao thông ở Hà Nội và TP.HCM, để thay đổi hiện trạng hiện tại là cả một bài toán lớn. Ngoài cơ sở hạ tầng, một vấn đề nữa cũng gây khó trong việc xây dựng thành phố thông minh là ý thức của người dân.