Đô thị Kinh Bắc (KBC): Nhà đầu tư sống trong kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP có diễn biến trái chiều so với kết quả hoạt động kinh doanh.
KBC có kế hoạch mở rộng quỹ đất, phát triển các khu công nghiệp . KBC có kế hoạch mở rộng quỹ đất, phát triển các khu công nghiệp .

Giá cổ phiếu bùng nổ

Cổ phiếu KBC liên tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi có chuỗi tăng giá mạnh kể từ giữa tháng 12/2020. Từ vùng giá tích luỹ 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu KBC lập đỉnh 45.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/1/2021, tức tăng trên 200% trong hơn 2 tháng. Sau đó, cổ phiếu này có một số đợt trồi sụt rồi giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp, đóng cửa cuối tuần qua tại 37.400 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu KBC từ tháng 6/2020 đến nay.

Diễn biến giá cổ phiếu KBC từ tháng 6/2020 đến nay.

Trong giai đoạn cổ phiếu tăng nóng, kết quả kinh doanh của KBC chưa có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp liên tục phát đi các thông điệp kỳ vọng về một năm tài chính tăng trưởng, cũng như được hưởng lợi từ vị trí khu công nghiệp khi những công ty lớn trên thế giới chọn để xây nhà máy.

Thực tế, kết thúc năm 2020, KBC ghi nhận doanh thu 2.154,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 297,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,9% và 71,4% so với năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 57,5% xuống 30,6%.

Trong năm qua, KBC đưa ra 2 kịch bản kinh doanh. Đối với kế hoạch tích cực, Công ty dự kiến mang về 3.600 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lãi sau thuế. Ở kế hoạch còn lại, doanh thu là 3.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 816 tỷ đồng.

Như vậy, so với kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 29,7% mục tiêu lợi nhuận; so với kế hoạch lãi 816 tỷ đồng, doanh nghiệp hoàn thành 36,4% mục tiêu lợi nhuận.

Đáng lưu ý, dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2020 của KBC âm 3.141,2 tỷ đồng so với năm 2019 dương 1.539,1 tỷ đồng. Nguyên nhân dòng tiền âm lớn nhất từ năm 2006 tới nay chủ yếu do Công ty đẩy mạnh tài trợ cho tồn kho và khoản phải thu tăng thêm kỷ lục.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh năm 2020 của KBC âm 3.141,2 tỷ đồng.

Trong năm qua, doanh nghiệp đã phải vay nợ ròng để tài trợ cho việc thâm hụt vốn hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tính đến cuối năm tăng 199,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.839 tỷ đồng lên 5.764,9 tỷ đồng và chiếm 24,5% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thuyết minh khoản vay tại các ngân hàng có lãi suất dao động từ 9 - 11,5%/năm với tổng giá trị 3.070,8 tỷ đồng; trái phiếu có lãi vay dao động từ 10,5 - 11%/năm với tổng giá trị 1.946,8 tỷ đồng.

Như vậy, việc gia tăng sử dụng nợ vay đồng nghĩa với chi phí lãi vay sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh doanh trong những kỳ báo cáo tới, nếu như hoạt động kinh doanh chính không có dấu hiệu cải thiện thực sự, chi phí lãi vay sẽ “bào mòn” thêm lợi nhuận.

Kỳ vọng vào tương lai

KBC công bố, riêng quý IV/2020, Công ty và các đơn vị trực thuộc đã ký hàng loạt hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích 150 ha, tổng giá trị trên 140 triệu USD. Trong năm 2021, KBC sẽ mở rộng đầu tư sang tỉnh Hưng Yên, Long An, tập trung khai thác tại tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Củ Chi…. Điều này tạo nên kỳ vọng về hoạt động kinh doanh sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Mới đây, ngày 4/2/2021, KBC thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên để đầu tư quần thể công nghiệp - đô thị lớn tại Hưng Yên với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 60%; thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Long An với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu trực tiếp 36% và sở hữu gián tiếp qua công ty con là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng (tỷ lệ sở hữu 24%), mục đích để đầu tư dự án tại Long An; thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 74,52%, mục đích phát triển dự án tại Vũng Tàu.

Mặc dù KBC và các công ty góp vốn không công bố cụ thể từng khu vực, quỹ đất và thời điểm triển khai xây dựng, nhưng động thái trên phát đi thông điệp doanh nghiệp đang đẩy mạnh mở rộng quỹ đất, phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh có tiềm năng phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Với chiến lược tham vọng lấn sân sang các tỉnh có tiềm năng phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, giới đầu tư có thêm kỳ vọng về quỹ đất của doanh nghiệp sẽ mở rộng trong những năm tới, tạo động lực cho lợi nhuận tăng trưởng.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang vừa công bố nhà máy Fukang Technology do Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư tại Khu công nghiệp Quang Châu với vốn đăng ký 270 triệu USD, tương đương 6.233 tỷ đồng; Công ty Ja Solar Investment Limited đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Quang Châu với vốn đăng ký 210 triệu USD, tương đương 4.848 tỷ đồng…

Theo đó, giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp hiện hữu của KBC sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận khi nhiều công ty lớn trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…

Đặc biệt, KBC ghi nhận doanh thu cho thuê đất theo hình thức một lần khi bàn giao dự án cho đơn vị thuê đất, điều này có thể giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận đột biến, thay vì hình thức ghi nhận doanh thu phân bổ trong 50 năm.

Hiện tại, quỹ đất của KBC có khả năng đem lại doanh thu trong năm 2021 và những năm tiếp theo gồm 300 ha diện tích tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh với tỷ lệ lấp đầy 0%; 687 ha diện tích tại Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với tỷ lệ lấp đầy 0%; 426 ha diện tích tại Khu công nghiệp Quang Châu với tỷ lệ lấp đầy 83,6%; 542,6 ha diện tích tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung với tỷ lệ lấp đầy 55,3%; 219,8 ha diện tích tại Khu công nghiệp Long An trúng thầu trong năm 2020 và 2 dự án khu đô thị.

Trong đó, Khu đô thị Phúc Ninh 114,5 ha đã đền bù 79,8 ha và hoàn thiện hạ tầng cùng các sản phẩm biệt thự xây sẵn trên phạm vi 22 ha, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý quan trọng nhất vào cuối năm 2020; Khu đô thị Tràng Duệ - Hải Phòng 42,08 ha đã hoàn chỉnh hạ tầng, mở bán và thu hút nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn trong Khu công nghiệp.

Các nhà đầu tư đang quan tâm tới câu chuyện kỳ vọng trên giả định mọi hoạt động kinh doanh của KBC đều đúng kế hoạch và doanh nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận. Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, KBC không hoàn thành kế hoạch năm 2017 và năm 2020.

Được biết, năm 2020, KBC thu hút được một số nhà đầu tư lớn, nhưng do khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế đi lại vì dịch Covid-19 nên Công ty chưa hoàn tất thủ tục bàn giao.

Cũng trong năm 2020, KBC có khoản vay lớn để đầu tư vào dự án Tràng Cát - Hải Phòng. Dự án có diện tích 584,9 ha đã hoàn thành đền bù và nộp tiền sử dụng đất, nhiều tổ chức quan tâm muốn cùng hợp tác phát triển.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục