Đo sức hấp dẫn của các kênh đầu tư chủ đạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nhiều người vẫn đang loay hoay tìm kiếm cho mình một kênh đầu tư hiệu quả giữa các kênh đầu tư phổ biến là gửi tiết kiệm, mua vàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Chọn đúng kênh đầu tư sinh lời không hề dễ Chọn đúng kênh đầu tư sinh lời không hề dễ

Kênh tiền gửi - Lãi thấp, nhưng an toàn

Trong giai đoạn hiện tại, khi nhiều nhà đầu tư chưa biết “cất trứng vào giỏ nào” thì không ít người vẫn lựa chọn gửi tiết kiệm là kênh cất vốn, dù lãi suất thấp.

Số liệu mới đây do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tiền gửi của dân cư đã tăng hơn 39.700 tỷ đồng trong tháng 4/2024, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, là mức kỷ lục mới. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tiền gửi dân cư tăng hơn 183.000 tỷ đồng, tương đương tăng 2,8% so với cuối năm 2023.

Tương tự, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng trong tháng 4/2024, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, do có sụt giảm trong tháng 1 và tháng 2, nên tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm hơn 133.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,95% so với cuối năm 2023.

Tổng cộng, tiền gửi của khách hàng gồm cá nhân và tổ chức tại hệ thống các tổ chức tín dụng trong tháng 4/2024 đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng gần 120.700 tỷ đồng (tăng 0,9%) so với tháng liền trước và tăng khoảng 50.000 tỷ đồng (tăng gần 0,4%) so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2024 là 2,01%. Số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê đến ngày 24/6/2024 cho biết, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.

Thực trạng huy động vốn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khiến các ngân hàng khó có thể tránh khỏi việc phải chấp nhận tiếp tục tăng lãi suất đầu vào và chứng kiến biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào thu hẹp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét, với nhiều người, tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư “ổn”, lãi suất không cao nhưng tương đối an toàn, trong khi ở các kênh đầu tư khác, có kênh đầu tư đòi hỏi chuyên môn, khả năng phân tích như chứng khoán, có kênh lại đòi hỏi suất đầu tư lớn như bất động sản.

Kênh chứng khoán có nhiều cơ hội đầu tư

Đối với kênh chứng khoán, ông Thịnh đánh giá, thị trường “ấm” lên từ năm 2023 và tiếp tục hồi phục trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây vẫn sẽ là kênh đầu tư được quan tâm trong nửa cuối năm nay.

Một điểm đáng quan tâm với thị trường chứng khoán, đó là việc cho phép các công ty chứng khoán lớn bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài mua trước và nộp tiền sau trong ngày. Công ty chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm về việc thanh toán của nhà đầu tư. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua khi đã có sẵn tiền mặt. Sự thay đổi này sẽ góp phần đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE và có tác động tích cực tới thị trường nói chung.

“Kinh tế năm 2024 vẫn tiếp mạch tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao, vào nhóm tốt nhất thế giới. Cùng với đó, có nhiều chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, người dân trong tiêu dùng như giảm thuế giá trị gia tăng, tăng lương… Nhu cầu tiêu dùng tăng lên, sản xuất - kinh doanh tốt lên thì cổ phiếu sẽ tăng giá trị, chắc chắn thị trường chứng khoán tiếp tục tốt lên không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm sau”, ông Thịnh nói và lưu ý, chứng khoán là lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, không dành cho tất cả số đông.

Ông Thịnh cho rằng, các nhà đầu tư lớn như quỹ đầu tư thường có bộ máy nhân sự và ngân sách nghiên cứu thị trường, có cái nhìn về xu hướng và các yếu tố tác động đến tỷ giá, cổ phiếu, các ngành nghề, doanh nghiệp, từ đó có góc nhìn đầu tư dài hạn, bài bản. Đây có thể là gợi ý để nhà đầu tư nhỏ lẻ đi theo, tức hành động theo động thái của các “cá mập”.

Nhìn sang các kênh đầu tư khác, ông Thịnh nhìn nhận, bất động sản cũng mang đến cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, do thị trường này vẫn đang tái cấu trúc nên các cơ hội chưa thực sự rõ ràng, cần quan sát thêm. Ví dụ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, nhà đầu tư cần lựa chọn dự án của chủ đầu tư uy tín, nằm tại các điểm du lịch lớn, đảm bảo được nguồn cầu.

Với kênh tiền số, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm, nhưng ở Việt Nam, kênh đầu tư này chưa được thừa nhận, do đó đầu tư vào tiền số tiềm ẩn rủi ro cao.

Cần “bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Giai đoạn cuối năm 2024 có thể mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vàng, chứng khoán và bất động sản

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào chu kỳ giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm và giá vàng tăng. Câu chuyện này diễn ra cả trên bình diện toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ, nên khi Fed giảm lãi suất sẽ là thông tin tích cực và tạo ra sự hưng phấn cho giới đầu tư.

“Từ trước đến nay, giá vàng luôn có xu hướng tăng, nếu có giảm chỉ là trong một giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, điều này càng củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư với kênh vàng”, ông Hiếu cho hay.

Với mảng bất động sản, theo ông Hiếu, phân khúc nhà ở luôn là phân khúc sinh lời và hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư. Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, cần khoảng 25 triệu căn nhà (5 người/căn), hiện tại nguồn cung mới đáp ứng khoảng một nửa, nên nhu cầu còn rất lớn. Thực tế này cho thấy tiềm năng đầu tư với cả các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Hiếu, phân khúc bất động sản thương mại sẽ dần khởi sắc, hoạt động tốt trở lại, nhờ kinh tế phục hồi.

Một phân khúc được ông Hiếu đánh giá cao là bất động sản công nghiệp. Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào nền kinh tế, với việc ngày càng có nhiều các tập đoàn lớn từ Mỹ, châu Âu, nhất là ở mảng công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Đối với phân khúc bất động sản nông nghiệp và bất động sản du lịch, ông Hiếu lưu ý, nhà đầu tư tham gia nên cẩn trọng và không nên “quá tay”, vì có thể cần thời gian dài hơn để hồi phục.

Tương tự, bình luận về cơ hội ở các kênh đầu tư phổ biến, TS. Đào Lê Trang Anh, giảng viên Tài chính, Đại học RMIT cho rằng, giá vàng ở Việt Nam đang ở mức cao, rủi ro tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường toàn cầu có thể đẩy giá vàng thế giới đi lên trong vài tháng tới như theo báo cáo của JPMorgan. Khả năng sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng cũng sẽ là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư cân nhắc khi “xuống tay” vào vàng ở Việt Nam.

Với thị trường chứng khoán, dư địa tăng trưởng vẫn còn, nhờ lãi suất hiện tại thấp cũng như nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, mang đến những cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cổ phiếu có thể phải đối mặt với biến động giá mạnh và rủi ro gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và lãi suất thay đổi như hiện nay. Nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng từng công ty, ngành nghề và điều kiện thị trường để xác định tiềm năng tăng trưởng, đồng thời quản lý rủi ro một cách hiệu quả.

Về thị trường bất động sản, thị trường này đã trì trệ khá lâu, nhưng phân khúc căn hộ chung cư đang phát triển mạnh và các lô đất dần sôi động trở lại trong bối cảnh lãi suất thấp. Nhìn chung, đầu tư bất động sản mang đến cơ hội tăng giá lâu dài và tạo thu nhập. Tất nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng để tránh bị lừa và xác định được cơ hội đầu tư phù hợp. Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi quy định, động lực cung - cầu và điều kiện kinh tế cần được đánh giá trước khi đầu tư vào bất động sản.

Điều quan trọng mà nhà đầu tư cần chú ý là việc lựa chọn kênh nào (vàng, cổ phiếu, bất động sản hoặc tài sản khác) phụ thuộc vào tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro. Nhà đầu tư nên xem xét các mục tiêu đầu tư và tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng hoặc tham khảo ý kiến của cố vấn tài chính trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư trên nhiều loại tài sản có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn.

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục