Đo sức bền thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một nhịp tăng trưởng khá tốt, nhưng nếu so với thị trường các nước trong khu vực thì định giá vẫn còn khá hấp dẫn, với P/E ở mức 15 lần, P/B ở mức hơn 1,7 lần.
Niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, giúp thanh khoản sàn HOSE duy trì ổn định trên mức 1 tỷ USD/phiên Niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, giúp thanh khoản sàn HOSE duy trì ổn định trên mức 1 tỷ USD/phiên

“Nội tại tốt hơn”

Khi thị trường chứng khoán trải qua một giai đoạn tăng trưởng, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là, liệu thị trường có còn dư địa đi lên? Tính đến cuối tuần qua, chỉ số VN-Index đã có sóng tăng kéo dài 4 tháng. Chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất tiết kiệm đang ở vùng thấp kỷ lục trong lịch sử cũng như kỳ vọng nền kinh tế sớm hồi phục và các yếu tố mang tính sự kiện như hệ thống giao dịch mới KRX sắp đưa vào vận hành, nâng hạng thị trường là những yếu tố hỗ trợ cho sóng tăng này.

Nhìn nhận đà tăng của thị trường trong 2 tháng vừa qua có phần khá “nóng”, ông Nguyễn Xuân Bách, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, bản thân ông cũng như nhiều nhà đầu tư không tránh khỏi lo lắng về việc có thể xảy ra các pha điều chỉnh mạnh, do thị trường tăng nhờ kỳ vọng, trong khi nền kinh tế thực vẫn tồn tại nhiều vấn đề.

“Sự lệch pha này khiến cho thị trường sẽ phải định giá lại, dẫn tới những biến động trong ngắn hạn. Nếu nền kinh tế có thêm những tín hiệu hồi phục thì thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục vận động đi lên và các đợt sụt giảm nếu có đều là cơ hội cho nhà đầu tư”, ông Bách chia sẻ.

Không dễ dự báo chính xác xu hướng của thị trường chứng khoán, tuy nhiên, để đánh giá sức bền của thị trường, cần nhìn vào nội tại thị trường. Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền là điều cần thiết để duy trì sức sống, biên độ và nhịp độ. Thanh khoản của thị trường từ đầu năm 2024 đã nâng lên một mức mới, các cổ phiếu dần vươn lên vùng giá cao mới, vượt đỉnh sóng tăng tháng 9/2023, đánh dấu kết thúc giai đoạn 1 của chu kỳ tăng giá. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của sóng tăng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt. Trong các sóng tăng giai đoạn 2022 - 2023, không thấy được điều này khi dòng tiền yếu. Sóng cổ phiếu ngân hàng như một đầu tàu mạnh mẽ kéo cả VN-Index, cũng như tạo tâm lý vững vàng cho thị trường và nhà đầu tư.

Sau một nhịp tăng, các cổ phiếu đã hình thành mặt bằng giá mới. Nói không rẻ cũng có phần đúng, nếu so sánh với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023. Tuy vậy, định giá của một số ngành chủ lực như ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập Finpeace đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nội tại tốt và dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư. Giai đoạn tiếp theo, hoàn toàn có thể chứng kiến những mốc thanh khoản cao kỷ lục nữa. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên vì thế mà quên việc quản trị rủi ro, thị trường vẫn cần những quãng nghỉ để cân bằng lại, thuyết phục dòng tiền dài hạn vào thì mới có thể đi xa.

Finpeace từng dự báo thị trường chứng khoán sẽ trở lại đà tăng từ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, nhưng thực tế, thị trường có những biến động tích cực sớm hơn và giá đã vượt khỏi vùng đỉnh của nhịp tăng gần nhất (trong tháng 9/2023).

Theo ông Tuấn Anh, giai đoạn nửa cuối năm 2024, chúng ta có thể chứng kiến những biến động tích cực hơn nữa từ VN-Index. Đặc biệt, thị trường đã bước vào xu hướng mới, tại vùng này, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều biến động mạnh, thậm chí biên độ dao động trong từng phiên cũng lớn hơn. Nhà đầu tư cần chuẩn bị chiến lược và tâm lý vững vàng để bám xu hướng lâu nhất có thể, nhưng cũng có mức quản trị rủi ro hợp lý, phù hợp với khẩu vị rủi ro riêng. Mỗi đầu nhịp sóng tăng chính, những dòng cổ phiếu trụ sẽ được dòng tiền chú ý tới, đặc biệt là ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng. Nó hợp lưu cùng câu chuyện nâng hạng thị trường và sự đổi mới hệ thống giao dịch chứng khoán.

Kịch bản vận động của chỉ số VN-Index trong năm 2024, theo ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group, sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới và chính sách lãi suất ở các nước lớn như Mỹ, EU…

“Thời điểm hiện tại, VN-Index đang vận động đi lên và tiếp cận ngưỡng 1.300 điểm, với kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế, tốc độ tăng giá cũng khá nhanh. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, nền kinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm nay, bên cạnh những điểm sáng, cũng có những điểm chưa được tốt như tín dụng tăng trưởng âm, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Như vậy, thị trường đang “ứng trước” những phục hồi của nền kinh tế”, ông Trung nêu quan điểm.

Khởi đầu cho cơn sóng lớn?

Sau một giai đoạn đi ngang - tích luỹ trong năm 2022 và năm 2023, các cổ phiếu đã có nhịp tăng ấn tượng. Nhiều cổ phiếu đã tiệm cận đỉnh lịch sử, một số đã vượt đỉnh. Song nhiều quan điểm cho rằng, sóng tăng vừa rồi chỉ là một sóng khởi động cho một con sóng lớn.

Ông Tuấn Anh nhìn nhận, các mã cổ phiếu hoàn toàn có cơ hội vượt đỉnh lịch sử để bước vào xu hướng tăng mạnh, thậm chí còn gấp nhiều lần giai đoạn đi ngang trước đó. Nhìn trên chỉ số chung, VN-Index khi vượt qua khu vực 1.250 - 1.300 điểm thì sẽ đánh dấu dao động tích cực. Nếu xu hướng tăng tiếp tục được duy trì, chỉ số này hoàn toàn có thể vượt vùng đỉnh 1.500 điểm về dài hạn. Thậm chí, với câu chuyện nâng hạng thị trường, theo Chủ tịch Finnpeace, “việc cổ phiếu tăng bằng lần là điều hoàn toàn có thể xảy ra”. Nhìn ra các thị trường chứng khoán như Argentina, khi được nâng hạng, chỉ số tăng gấp đôi trong một thời gian ngắn và các cổ phiếu trụ mang lại hiệu suất đầu tư nhiều lần.

Đánh giá về từng nhóm cổ phiếu, ông Trung cho rằng, cổ phiếu của các ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý IV/2023 và được kỳ vọng tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng cao trong năm 2024 như ngân hàng, khu công nghiệp… đều có sự bứt phá mạnh trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, cổ phiếu các ngành còn nhiều tiềm năng như thủy sản (ANV), bán lẻ (MWG), dệt may… đang trong quá trình vận động thoát khỏi nền giá tích lũy.

Theo chuyên gia, để đánh giá mức độ đắt rẻ của thị trường, hay kỳ vọng tăng trưởng về giá cổ phiếu thì cần phải phân biệt hiện tại và kỳ vọng trong tương lai. Nếu như lấy lợi nhuận (E) của thị trường hiện tại để tính chỉ số P/E thì vùng định giá hiện tại đang hợp lý (P/E hiện tại của thị trường khoảng 15 lần).

“Tuy nhiên, chứng khoán là kỳ vọng, nếu năm nay kinh tế phục hồi thì E của thị trường sẽ gia tăng đáng kể, làm cho P/E thị trường thấp hơn hiện tại và định giá thị trường vẫn rất hấp dẫn để đầu tư trong năm 2024”, ông Trung nói.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục