Dò đáy VN-Index theo CPI: không dễ!

(ĐTCK-online) Ổn định được kinh tế vĩ mô sẽ mang lại tác dụng tích cực đối với TTCK, nhưng không thể chỉ sử dụng CPI như tiêu chí duy nhất để đánh giá.

CPI tháng 4/2011 tăng 3,32% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một con số khá cao so với thông lệ hàng năm. Trong tháng 4, các nhóm hàng có tác động lớn vào việc CPI tăng so với tháng trước là lương thực thực phẩm (đóng góp 1,8% trong mức tăng 3,32%), tiếp theo là giao thông vận tải (0,54%), nhà cửa và vật liệu xây dựng (0,44%). Riêng ba nhóm hàng này đã đóng góp tới 83,7% mức tăng trong tháng. Tính từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng 9,64% và ba nhóm hàng nêu trên đóng góp vào mức tăng này lần lượt là 5,27%, 1,35% và 1,06%.

Có một điểm đáng chú ý là việc tăng giá xăng dầu, điện tuy có tác động mạnh đến nhóm hàng giao thông vận tải và vật liệu xây dựng, với mức tăng từ 10 - 15% so với đầu năm, nhưng do tỷ trọng của nhóm này nhỏ nên đóng góp chung vào mức tăng CPI là không cao. Trong khi đó, nhóm hàng lương thực thực phẩm luôn có mức tăng mạnh nhất do các yếu tố nằm ngoài cơ cấu giá thành như yếu tố tâm lý và đầu cơ. Tuy nhiên, khi loại bỏ các yếu tố biến động thất thường (để tính lạm phát cơ bản), thì mức tăng CPI hàng tháng vẫn cao.

Đã có nhiều biện pháp, từ tài khóa đến tiền tệ, được ban hành từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hiện vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Đồng ý là cần phải có thời gian, nhưng có lẽ cũng nên có cái nhìn thực tế hơn về tác dụng của các biện pháp này. Về chính sách tiền tệ, mặc dù lãi suất tái cấp vốn liên tục được tăng (4 lần kể từ đầu năm, trong đó gần đây nhất là việc NHNN tăng lãi suất vào ngày 29/4, từ 13% lên 14%, có hiệu lực từ ngày 1/5), nhưng các ngân hàng chưa phải gặp quá nhiều khó khăn trong hoạt động. Kết quả kinh doanh của khối ngân hàng trong quý I/2011 vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước, một phần do các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng để sớm đạt chỉ tiêu cho vay và tối đa hóa các khoản thu về phí và lãi suất. Đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến tăng trưởng tín dụng chưa thể giảm nhanh trong ngắn hạn và cùng với đó thì chưa thể hy vọng vào một tác động nhanh chóng của chính sách tiền tệ (thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát).

Về chính sách tài khóa, thống kê về cam kết của các địa phương, tập đoàn lớn chưa cho thấy những con số ấn tượng trong việc thực thi Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong khi con số thực tế cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bằng 30,2% kế hoạch năm (giai đoạn 2008 - 2010, con số này chỉ trong khoảng 24 - 26%). Nhiều dự án lớn vẫn được khởi công đúng tiến độ, điều này chưa thể hy vọng nhiều vào tác động của nhóm giải pháp tài khóa. Có thể thấy, việc cắt giảm đầu tư công và qua đó giảm bội chi ngân sách không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Có một cách khác để giảm bội chi ngân sách, đó là giảm dần các khoản trợ cấp, trợ giá, chuyển dần sang người tiêu dùng. Có thể nhận rõ điều này qua việc Chính phủ cố gắng chuyển cơ chế điều hành giá của các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, than, điện…, theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, đối với lạm phát thì yếu tố quan trọng là kỳ vọng về lạm phát, nghĩa là dự kiến về lạm phát trong thời gian tới, chứ không phải là số liệu quá khứ. Nói vậy có nghĩa là chúng ta vẫn phải tìm cách dự báo định hướng của CPI trong thời gian tới để lấy đó làm cơ sở cho các quyết định đầu tư. Lưu ý, ổn định được kinh tế vĩ mô sẽ mang lại tác dụng tích cực đối với TTCK, nhưng không thể chỉ sử dụng CPI như tiêu chí duy nhất để đánh giá. Ổn định vĩ mô bao gồm cả ổn định về tỷ giá, lành mạnh hóa ngân sách, tăng tính hiệu quả của các dự án đầu tư, tăng cường tính minh bạch của hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính.

Sau khi số liệu về lạm phát trong tháng 4 được công bố, nhiều người đã nghĩ đến việc CPI sẽ sớm đạt đỉnh và cùng với đó là việc chạm đáy của VN-Index. Nhìn vào đồ thị 2 có thể thấy, lịch sử không cho thấy một điều tương tự đã từng xảy ra. Ví dụ gần nhất là CPI đạt đỉnh vào tháng 8/2008, nhưng đáy của VN-Index phải 6 tháng sau mới được tạo lập (tháng 2/2009) và nguyên nhân chưa hẳn là do CPI đã ổn định, mà nhiều hơn là do Chính phủ đưa ra gói kích cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với việc dự báo CPI cho thời gian tới, chúng tôi chưa cho rằng CPI đã tạo đỉnh trong tháng 4, mà có thể tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ vẫn cao hơn so với hiện nay. Nguyên nhân đầu tiên là do mặt bằng của CPI trong các tháng quý II và đầu quý III/2010 ở mức không cao (chỉ tăng mạnh vào cuối quý III và quý IV/2010). Trong khi đó, áp lực tăng giá trước mắt là không nhỏ.

Giá lương thực thực phẩm phụ thuộc nhiều vào thời tiết và dịch bệnh, không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên quy mô toàn cầu (ví dụ, giá gạo xuất khẩu tăng có thể gây áp lực lên giá gạo trong nước, ngay cả khi bước vào thu hoạch vụ Đông xuân).

Giá điện có khả năng tiếp tục tăng trong bối cảnh EVN kinh doanh kém hiệu quả và Chính phủ đã quyết định cho phép tăng giá điện nếu yếu tố đầu vào tăng, với khoảng cách giữa các lần tăng giá ít nhất là 3 tháng.

Về giá xăng dầu, những đồn đoán về việc tăng giá xăng đã bị Bộ Tài chính và Bộ Công thương phủ nhận trong tuần qua, nhưng nhìn vào mức tăng giá của sản phẩm xăng dầu tại Singapore thì có thể thấy, những tin đồn này tuy có thể sai về mặt thời điểm và mức độ tăng giá, nhưng cũng có những cơ sở nhất định. Tính trung bình (theo giá bình quân 30 ngày) tại thời điểm ngày 28/4, giá xăng RON 92, dầu mazut và diesel tăng tương ứng 6,57%, 6,82% và 4,57% so với mức của ngày 29/3. Mức tăng này có thể sẽ cao hơn trong những ngày tới, đặc biệt đối với mặt hàng xăng, bởi nếu tính giá giao ngay tại thời điểm 28/4 thì đã cao hơn 15,4% so với giá ngày 29/3. Petrolimex đã ngừng công bố bảng giá cơ sở trên website kể từ ngày 29/3 nên hiện tại không thể biết chính xác mức độ lỗ/lãi của doanh nghiệp trên từng đơn vị sản phẩm, nhưng có thể thấy khả năng lỗ là cao và việc điều chỉnh giá là cần thiết nhằm cân bằng thu chi và giảm tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Cũng xin lưu ý một điểm là với việc tỷ giá có xu hướng ổn định, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng trong thời gian tới, gây áp lực đến nhập siêu, tỷ giá và tiếp theo đó là làm căng thẳng thêm yếu tố nhập khẩu lạm phát của Việt Nam.

Ngoài ra, có một cách khác để dự báo CPI, đó là dựa vào chỉ số giá sản xuất (PPI) do Tổng cục Thống kê công bố. Số liệu này được công bố hàng quý và đồ thị 4 là quan sát của chúng tôi về diễn biến PPI (chúng tôi chỉ có dữ liệu đầy đủ về PPI công nghiệp, CPI được lùi 3 tháng với giả định có độ trễ 1 quý để việc tăng giá trong PPI chuyển sang CPI). Có sự biến động cùng chiều giữa các chỉ số này, với việc PPI tăng khá nhanh trong quý I (nhóm hàng nông nghiệp tăng 23,12%, công nghiệp tăng 14,9%, trong khi tại thời điểm tháng 12/2010, mức tăng so với cùng kỳ tương ứng chỉ là 14,35% và 12,63%).

Tóm lại, quan điểm của chúng tôi là lạm phát có thể chưa dừng lại ở đây và trong ngắn hạn, việc xác định đỉnh của lạm phát, một việc khó khăn, cũng không giúp cho việc "dò đáy" VN-Index có hiệu quả hơn. Chúng tôi cho rằng, với nhiều yếu tố bất ổn nêu trên, việc nhìn vào biến động của thị trường theo các chỉ số tổng thể (như VN-Index) và biến số vĩ mô đơn lẻ như CPI sẽ không có hiệu quả trong trong việc ra quyết định đầu tư.

Vấn đề của thị trường vẫn là khai thông được dòng tiền đầu tư. Nếu nhìn về khối đầu tư trong nước, rất khó có thể hy vọng vào việc nhanh chóng nới lỏng chính sách tiền tệ ngay khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, khi mà những bài học từ năm 2010 vẫn còn. Chính sách hạn chế cho vay phi sản xuất, với lộ trình rõ ràng từ nay tới cuối năm, cũng gây áp lực tiêu cực không nhỏ đến dòng tiền. Hy vọng được đặt nhiều hơn vào khối NĐT ngoại, đó là họ tích cực giải ngân khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trở lại. Tuy vậy, tiêu chí đầu tư của khối này thường mang tính dài hạn, với quan điểm đầu tư khác nhiều so với các NĐT trong nước, nên việc đầu tư theo họ không mang lại hiệu quả trong ngắn hạn. Chúng tôi cho rằng, trong thời điểm này, NĐT nên tập trung vào việc tìm kiếm cơ hội đầu tư theo từng cổ phiếu, theo các yếu tố cơ bản về hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như tính thanh khoản trên thị trường.

Phạm Lưu Hưng, Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Phạm Lưu Hưng, Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Tin cùng chuyên mục