Dò đáy thị trường

(ĐTCK-online) Đâu là đáy, đáy ở đâu? "Một câu hỏi lớn không lời đáp" với ngót triệu NĐT, ngót ngàn chuyên gia phân tích, ngót trăm CTCK (đang hoạt động) hiện nay. Tôi thì lại nghĩ, đã dò thấy rồi. Vì…
Dò đáy thị trường

1. Chửi…

Hôm trước, có nghe một NĐT ví von rất hay. Anh (chị) ấy nói rằng, cái thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì chỗ nào cũng "dính đòn" cả. Từ ông bà nông dân phải bán cân thóc rẻ, cho đến vị tỷ phú chơi ngông Abramovich mất cả chục tỷ đô. Còn TTCK dưới gầm trời này ở đâu chả đi giật lùi, may lắm thì cài số mo. Kiểu như đèn đỏ dừng lại vậy. Nhưng khi đèn xanh bật lên thì người ta phóng vù đi. Tiếc là lúc ấy thị trường nhà mình đang… lau bugi nên bị lỡ tín hiệu, đi lùi từ đầu năm đến giờ… Nhưng bugi làm sao mà phải lau đúng vào cái lúc người ta tăng tốc thế nhỉ?

Hóa ra quy trách nhiệm khó thật. Cơ quan quản lý thì bảo NĐT bầy đàn, quen tính ăn xổi mà không tính chuyện đầu tư dài hạn; các chuyên gia thì kêu tại DN lên sàn, phát hành thêm, cổ phiếu đông như quân Nguyên; NĐT lại than thở, CTCK suốt ngày phân tích với dự báo vuốt đuôi, ba phần đúng bảy phần trượt; cuối cùng tất cả lại đi kêu ca "ông" quản lý "hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều" để dân tình chán nản… vân vân và vân vân… Tóm lại là phong trào đổ lỗi náo nức như sắp đến hội làng (nói đến hội làng lại nhớ đến cái làng Vũ Đại của cụ Nam Cao với câu nói kinh điển: chắc nó trừ mình ra…)

Mà nghĩ đi nghĩ lại, thói quen này có từ khi còn bé tí, khi ta vấp ngã thường được người lớn quy lỗi cho cái bàn, cái ghế. Lớn lên đi học, một là dốt, hai là chủ quan, ta thi trượt. Ngay lập tức, cái câu "học tài thi phận" trở thành niềm an ủi... Vào đời, ta đi làm, hai chân đút gầm bàn, tay lướt web, miệng buôn chuyện Bill Gate dạo này làm gì, đến cuối tháng lĩnh mấy đồng lương còm rồi tự nhủ, "lương thế thì cũng chỉ làm thế". Cái mệnh đề đảo "làm thế thì lương cũng chỉ thế" tịnh không hề nhắc đến… Đến khi vui bạn vui bè, ta trở thành NĐT chứng khoán, tiền tích cóp của vợ ta, tiền học của con ta ném vào thị trường, ta lại coi như tiền của mấy ông chuyên gia phân tích, đòi các vị ấy phải chịu trách nhiệm khi thua lỗ… Ta thua lỗ nhưng vẫn nửa kín, nửa hở khuyên bảo người khác "trồng cây gì, nuôi con gì", như một chuyên gia thực thụ…

Đúng là đã dốt còn tỏ ra nguy hiểm. Nhưng cũng chẳng nguy hiểm được với ai ngoài đời thực, ta lên mạng… nguy hiểm ảo. Hóa ra thấy lắm đồng minh thật. Thị trường dạo này buồn quá, bà con ta lên mạng thi nhau chửi thề. Có người bảo, khi ấy cổ phiếu Đập Con Mèo (mã chứng khoán: DCM) được ưa chuộng nhất.

 

2. Phạt

Tất nhiên, chửi bậy và đổ lỗi không phải là "đặc sản" của dân chứng khoán. Bác nào không tin cứ thử đứng hóng mươi phút trước cửa vài trường học lúc tan giờ mà xem. Các đấng bậc con cháu chúng ta bây giờ, về khoản chửi thề thì đúng là sóng sau xô sóng trước: lớp 9 thua lớp 8, lớp 8 thua lớp 7…, lớp 2 thua lớp 1 luôn.   

Thế nên đầu năm vừa rồi, ngành cảnh sát giao thông phải ra quy định… “chống chửi". Vị nào phạm luật đi đường bị tuýt còi mà còn nói bậy sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng. Nghe thế, có người than rằng, nếu chỉ một câu chửi mà "lĩnh đủ" 3 triệu, thì ở xứ ta chẳng mấy chốc… vắng bóng phương tiện giao thông.

Tất nhiên, chửi thề là bệnh dễ lây. Đại gia như Tập đoàn tài chính Goldman Sachs còn phải ra quy định cấm nhân viên chửi bậy trong email. Trước đó, NYSE Euronext, đơn vị chủ quản New York Stock Exchange cũng có quy định phạt nặng những vị nào nói bậy tại sàn chứng khoán. Hóa ra, các mũi tên xanh đỏ gây ra những cảm xúc âm tính, ở đâu cũng thế cả. Chỉ có điều, ở đó án phạt nặng lắm, ngoài cái việc bình bầu thi đua cuối năm như ở ta, vị nào chửi thề còn bị phạt cả ngàn đô.

Nói đến chuyện phạt, thị trường nhà mình vừa có quy định mới về xử phạt. Nhớ lại từ trước đến giờ, bài xử phạt được áp dụng nhiều, nhưng người ta bảo, tiền phạt nhẹ lắm, có khi lại phạt cho tồn tại nên các đương sự đều "vui vẻ… nộp như cày xong thửa ruộng", chả có thắc mắc gì. Nay quy định mới, tiền phạt tăng lên dăm ba lần. Cứ đánh vào túi tiền đủ nặng là các bác ấy tỉnh ra ngay. Hoặc ít ra cuối năm cơ quan quản lý cũng thêm được vài số không vào thành tích xử phạt.

Nhưng lại thắc mắc, tiền phạt xưa nay vẫn lấy từ ngân sách công ty, từ túi cổ đông cả. Mà vi phạm thì toàn mấy lãnh đạo, hay ít ra cũng là những cổ đông máu mặt. Thế nên, mạo muội đề xuất rằng, từ nay DN làm sai bị phạt, các bác cứ xem kỹ văn bản, ông nào ký sai, ông ấy bỏ tiền túi ra đền thì đố vị nào dám nhắm mắt ký bừa rồi kêu, "em ở xa chưa rõ luật".

Mà chuyện này mới hay, lần đầu tiên người ta thấy có quy định Sở GDCK bị phạt. Các "ban quản lý chợ" làm gì sai đều bị phạt tiền chục triệu, trăm triệu cả. Hoan hô chính sách công bằng. Từ trước đến nay mới chỉ có các bác sức giấy xử phạt…, bây giờ, "tôi sai thì bác phạt, bác sai cũng đã có người phạt rồi"… Chỉ có điều thắc mắc là, đọc đến khoản phạt hơn trăm triệu bạc đối với Sở GDCK khi "không phát hiện được, không xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy chế giao dịch…", chợt thấy khó nghĩ quá. Còn nhớ, năm 2009 chỉ riêng việc cùng mua bán một mã trong phiên trên sàn Hà Nội, người ta đã xác minh được hơn 17.000 vụ vi phạm (theo nguyên tắc xã hội học, số chưa phát hiện ít nhất cũng tương đương). Nếu mỗi vụ việc "không phát hiện được" lại bị mất đứt hơn trăm triệu bạc thì e rằng, các Sở vỡ nợ đến nơi…         

Chợt nghĩ, giả sử các sàn chứng khoán có luật cấm chửi thề, thị trường lại cứ xì xìu ển ển như thế này thì chắc người ta sẽ bận rộn suốt ngày để ghi phiếu phạt. Bởi phong trào chửi thề đang trở thành một chỉ báo. Người ta bảo rằng, cứ khi nào mã DCM được "mua bán" rôm rả trên sàn là khi ấy thị trường đã dần đến đáy. Thế thì hình như đáy sắp đến rồi thì phải!?

Phí Trọng Hiếu
Phí Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục