Độ chuẩn xác trong các nhận định quá thấp

Thời gian gần đây, có lẽ chưa bao giờ những nhận định về TTCK của các CTCK lại được đăng tải nhiều như thế. Nhiều đến nỗi Hiệp hội Các NĐT tài chính Việt Nam (VAFI) phải lên tiếng về chất lượng của chúng.

Trước đây, thường chỉ là một vài ý kiến của các nhân viên phòng phân tích được lồng trong các bài báo. Sau đó là nhận định của các công ty đăng trên Báo ĐTCK vào thứ Hai hàng tuần. Hiện nay, gần như 100% trang web của các CTCK đăng tải nhận định TTCK hàng ngày. Có lẽ, sự sôi động trở lại trên các sàn giao dịch đã làm cho CTCK nhận thấy rằng, đã đến lúc việc cạnh tranh không còn nằm ở những dịch vụ vượt trội, tiện ích cho NĐT, mà còn nằm ở tính chuyên nghiệp của công ty. Việc liên tục đưa ra các phân tích, nhận định thị trường vừa thu hút giới đầu tư kinh doanh cổ phiếu, vừa quảng bá thương hiệu và là phương cách tốt để các CTCK khẳng định năng lực chuyên môn của mình.

Độ chuẩn xác trong các nhận định quá thấp ảnh 1
Điều mà NĐT cần biết là ngưỡng kháng cự, hỗ trợ và một xu thế khi nào bắt đầu, đang tiếp tục hay chuẩn bị chấm dứt

Ý tưởng này thực tế đã có từ lâu, song hiện nay nó mới thật sự phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ mang lại hiệu quả cho các CTCK, mà đôi khi nó có tác dụng ngược như một con dao hai lưỡi. Thử nhìn lại thời gian từ khi VN-Index chạm đáy 235,5 điểm ngày 24/2/2009 cho đến khi phục hồi và hình thành xu thế lên giá, có bao nhiêu dự đoán của các CTCK là đúng? Tính theo tuần, tháng, quý, điểm lại có thể thấy xác suất của các dự đoán đúng rất thấp. Đây là lý do chính khiến số lượng NĐT không tin tưởng vào các dự đoán này không hề nhỏ. Một lần, hai lần rồi ba lần… xem mãi mà vẫn thấy không chuẩn xác thì họ không đọc nữa và mọi lời khuyến nghị sẽ trở nên vô tác dụng. Đáng nói là có không ít khuyến nghị NĐT nên thận trọng khi đưa ra quyết định mua - bán cổ phiếu của mình, cả trong thời điểm thị trường lên, xuống hay đi ngang. Vậy NĐT sẽ mua - bán cổ phiếu vào lúc nào? Những khuyến nghị chung chung như vậy chẳng mang lại giá trị nào cho người đọc.

Mới đây, khi VN-Index mất trên dưới 20 điểm (giảm sâu) 3 phiên liên tục, theo quy luật thông thường sẽ có những phiên bật mạnh trở lại, điều này đã diễn ra thường xuyên từ khi TTCK được thành lập đến nay, nhưng hầu như chẳng CTCK nào nhìn ra vấn đề này, mà lại cho rằng đó là yếu tố bất thường hay những biểu hiện thao túng, tâm lý bầy đàn của NĐT…

Điều mà NĐT cần ở các nhà tư vấn, nhà phân tích không phải là nhận định thị trường lên xuống từng ngày, mà phải xác định được các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ và một xu thế khi nào bắt đầu, đang tiếp tục hay chuẩn bị chấm dứt.

Trước đây, trong những năm đầu TTCK đi vào hoạt động, nhân viên phòng phân tích thường là những sinh viên trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, nên đưa ra các phán đoán sai về thị trường là chuyện bình thường. Hiện nay, khi thị trường đã trải qua 9 năm hoạt động, hầu hết nhân sự tại các CTCK đều có thâm niên và kinh nghiệm. Thêm nữa, hoạt động tự doanh diễn ra phổ biến ở hầu hết CTCK đang hoạt động. Thế nhưng, độ chuẩn xác trong các dự đoán vẫn rất thấp.

Khi dự đoán không chính xác đi kèm với khuyến nghị sai, bản thân CTCK có thể không có ý đồ gì, nhưng rất dễ gây ra sự hiểu lầm. NĐT sẽ cho là CTCK đang lừa dối NĐT để thu tiền môi giới. Một nhà tư vấn tốt là phải giúp NĐT thành công, chứ không phải bảo họ mua cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia.

Mai Ly
Mai Ly