Cơ quan quản lý đang định hướng nới lỏng dần điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sau khi thành viên thị trường kêu gọi thúc đẩy và mở rộng phạm vi kênh huy động vốn này.
Trong một buổi hội thảo tổ chức giữa tháng 12 với riêng các thành viên thị trường trái phiếu, Vụ Tài chính Ngân hàng thuộc Bộ Tài chính đã chủ động thu thập ý kiến về Nghị định 90/2011/NĐ-CP quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và Thông tư 211/2012/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định.
Vụ này cho biết, sẽ tiếp tục thu thập ý kiến, để làm cơ sở soạn thảo một nghị định mới, bổ sung thay thế cho Nghị định 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định 90 đang bị không ít thành viên kiến nghị là có nhiều quy định quá chặt và những kiến nghị này đã được gửi tới cơ quan quản lý trong 2 năm triển khai Nghị định.
“Điều kiện phát hành của Nghị định 90, chúng tôi cũng biết là tương đối chặt”, đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng thừa nhận và lý giải, những điều kiện này nhằm bảo vệ nhà đầu tư trong giai đoạn đầu phát triển, đặc biệt là sau trường hợp đổ vỡ của trái phiếu Vinashin. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát lại từng điều kiện phát hành”, vị này cho biết.
Vụ cũng cho biết, thực ra các quy định của cơ quan quản lý đang đi theo hướng mở dần. Nghị định 52/2006/NĐ-CP trước Nghị định 90 thậm chí còn chặt chẽ hơn rất nhiều, đến mức mọi đợt phát hành của doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải được cơ quan quản lý chấp thuận, “tuy nhiên, đến Nghị định 90, các nhà soạn thảo luật đã dần chuyển giao trách nhiệm quyết định phát hành sang cho doanh nghiệp”, đại diện của Vụ nói.
Ngay trong quá trình thực thi Nghị định 90, Vụ cũng đã một vài lần hướng dẫn doanh nghiệp theo hướng mở hơn. Ví dụ, đối với doanh nghiệp muốn phát hành vào quý I, chưa có báo cáo kiểm toán trong năm , Vụ đã hướng dẫn doanh nghiệp cam kết với nhà đầu tư và cơ quan quản lý sẽ bổ sung văn bản này sau.
Hẹp cửa phát hành
Nghị định 90 yêu cầu doanh nghiệp phải có lãi trong năm liền kề trước năm phát hành, đồng thời báo cáo tài chính phải được kiểm toán chấp nhận toàn phần - nói cách khác là không được có ý kiến ngoại trừ.
Hai yêu cầu này thậm chí bị một thành viên trong Hội thảo coi là “không thể thực hiện được” đối với các công ty non trẻ. Thành viên này - với vai trò một đơn vị tư vấn phát hành - cũng cho biết, đã có rất nhiều công ty muốn phát hành để có vốn phát triển kinh doanh, nhưng không thực hiện được do các yêu cầu này.
Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng bị vướng với báo cáo kiểm toán “sạch”, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều công ty con. Nhiều công ty mẹ dù có báo cáo riêng lẻ “sạch”, nhưng báo cáo hợp nhất lại bị kiểm toán viên nêu ý kiến ngoại trừ chỉ vì một trong các công ty con, dẫn tới kết quả là công ty mẹ không thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Một vài quy định khác cũng bị cho là chặt, như việc doanh nghiệp nhà nước nếu muốn phát hành trái phiếu quốc tế phải có hệ số xếp hạng tín nhiệm tối thiểu bằng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Bản thân Vụ Tài chính Ngân hàng cũng tổng kết, hiện nay các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nền kinh tế, và coi đó như một điểm còn hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chặt quá dẫn tới… không minh bạch
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhấn mạnh về mặt trái của việc quy định quá chặt: doanh nghiệp sẽ “làm đẹp” kết quả kinh doanh để được phép phát hành trái phiếu. Nói cách khác, tính minh bạch của thị trường vô tình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các quy định quá chặt.
Đại diện VBMA cho biết, đã có những doanh nghiệp “chạy” đơn vị kiểm toán, sao cho có được báo cáo không có ngoại trừ để được phép phát hành. “Doanh nghiệp xấu phải nói là xấu. Lo ngại ở đây là doanh nghiệp xấu lại bảo là tốt, phải chạy bằng được báo cáo không có ngoại trừ. Việc này sẽ vô tình hủy hoại tính minh bạch của thị trường”, đại diện VBMA nói.
Ngược lại có những doanh nghiệp mà trong báo cáo tài chính xuất hiện ý kiến ngoại trừ không trọng yếu, nhưng do không có những kỹ năng sắp xếp những ý kiến này nên báo cáo không “sạch” và không đủ phép phát hành, đại diện này cho biết thêm.
Các ý kiến của VBMA nhấn mạnh, nên cho phép cả các doanh nghiệp xấu được phát hành trái phiếu và để cho thị trường tự định giá. Một trong các ý kiến này lấy dẫn chứng tại thị trường các nước phát triển, luôn có hẳn một khu vực riêng cho các loại trái phiếu rủi ro cao của các doanh nghiệp bị xếp hạng tín nhiệm thấp.
Những ý kiến này cũng lập luận rằng, thực chất các nhà đầu tư của thị trường trái phiếu hầu hết là các tổ chức chuyên nghiệp, có đủ khả năng phân tích doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro nên việc yêu cầu chặt như vậy là không cần thiết.
Trái phiếu phải đơn giản hơn tín dụng
Những ý kiến ủng hộ việc nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho rằng, không cần phải siết mạnh yêu cầu công bố thông tin đối doanh nghiệp phát hành - mặc dù việc thiếu thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang là vấn đề lớn của các nhà đầu tư tại thị trường này.
Đại diện một ngân hàng nêu vấn đề: khi ngân hàng ông muốn mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, ngân hàng hầu như không thể tìm ra những thông tin như: trái phiếu đó được những đơn vị nào mua, đơn vị nào đang nắm giữ, đơn vị nào đã lưu chuyển sau một năm nắm giữ...
Bản thân nhà phát hành sau khi đã hoàn thành phát hành trên thị trường sơ cấp không hợp tác cung cấp thông tin. Thực tế, VBMA đang nỗ lực xây dựng trung tâm thông tin trái phiếu để giải quyết vấn đề thiếu minh bạch, nhưng cũng chính những ý kiến từ Hiệp hội cho rằng, không nên yêu cầu nhà quản lý phải đưa vào luật vấn đề này và “việc tìm kiếm thông tin nên là trách nhiệm của bản thân nhà đầu tư”.
Ý kiến từ phía Hiệp hội tiếp tục nhấn mạnh việc phải lược hóa các quy định đối với nhà phát hành, bởi trái phiếu về bản chất là một công cụ của thị trường vốn được lược hóa rất nhiều quy định so với hoạt động tín dụng truyền thống của ngân hàng. Một đại diện của VBMA lập luận, ngay cả tại các thị trường phát triển, các doanh nghiệp sau khi phát hành sẽ phải chịu rất ít nghĩa vụ về công bố thông tin, chịu giám sát giải ngân ... so với đi vay ngân hàng.
“Nếu không, thà doanh nghiệp ra thẳng ngân hàng vay nợ còn hơn là phải trả một đống phí cho các bên bảo lãnh, sắp xếp phát hành”, đại diện này nói. Vụ Tài chính Ngân hàng dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình dự thảo nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệplên Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2014.