DN VN ký kết nhiều hợp đồng đầu tư với Mỹ

Ngày làm việc thứ hai của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đoàn cấp cao VN trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ không kém bận rộn so với ngày đầu với nhiều hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ và phát triển nền giáo dục VN.

Sáng 20/6 tại New York (giờ địa phương), Chủ tịch nước đã có cuộc gặp bà Merle Ratner, điều phối viên phong trào vận động trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam.

Sau đó, đoàn đến Đại học New School để nghe giáo sư Đại học Harvard thuyết trình về đề tài hợp tác giáo dục. Đây là một phần trong nội dung giúp đỡ VN về cải cách giáo dục do Đại học Harvard chủ trì dựa trên đề nghị mà nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đề xuất cách đây hai năm. Chủ tịch nước khẳng định, đây là lĩnh vực mà Nhà nước VN đặc biệt quan tâm. Chủ tịch nước kêu gọi các chuyên gia tiếp tục duy trì các đóng góp và coi đây là “sợi dây nối liền quan hệ giữa hai nước”.

Buổi trưa (giờ New York ), đoàn đến Hội Châu Á để dự tiệc chào mừng của các giới ở New York . Hội Châu Á được thành lập năm 1956 với sứ mệnh củng cố và thúc đẩy sự hiểu biết giữa giới lãnh đạo, tổ chức và người dân các nước châu Á với Mỹ.

Theo lịch trình, buổi chiều đoàn đi thăm Tập đoàn điện tử General Electrics và rời New York đến Washington DC vào khoảng 19g (tức sáng sớm 21/6 tại VN). Ở thủ đô Hoa Kỳ, Chủ tịch nước nói chuyện với các cán bộ nhân viên đại sứ quán và kết thúc ngày làm việc thứ hai.   

Hoàn tất việc mua bản quyền với Microsoft

Hai tập đoàn công nghệ thông tin FPT và CMC sẽ ký với Microsoft thỏa thuận triển khai hợp đồng bản quyền phần mềm Microsoft Office cho Chính phủ VN.

Thỏa thuận này dự kiến được ký kết trưa ngày 21/6 (giờ Mỹ) tại Washington DC với sự chứng kiến của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong khuôn khổ buổi tiệc chiêu đãi chào mừng do Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN và Phòng Thương mại Mỹ đồng tổ chức. Với việc ký kết giữa FPT, CMC và Microsoft, VN sẽ chính thức được sử dụng các phần mềm Microsoft có bản quyền trong các cơ quan Chính phủ.

Các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá, việc Chính phủ đứng ra làm đầu mối thỏa thuận ký mua bản quyền phần mềm của Microsoft là động thái tích cực góp phần giảm thiểu tỉ lệ vi phạm bản quyền tại VN và tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể thay vì để các bộ, ngành tự đứng ra mua riêng lẻ. Hội Tin học VN tính toán, nếu chỉ tính riêng bản quyền phần mềm cho các máy tính đang được 2 triệu công chức, viên chức sử dụng tại VN thì số tiền mua bản quyền đã lên tới 1 tỷ USD.

Kiến nghị bỏ cơ chế giám sát hàng dệt may VN

Trước đó, chiều ngày 19/6 tại New York, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã gặp đại diện các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) cho biết, tại buổi gặp gỡ 20 doanh nghiệp gồm tập đoàn và hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Mỹ (ITA), các nhà nhập khẩu đã kiến nghị với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cần đặt vấn đề rõ ràng với Chính phủ Mỹ, yêu cầu Chính phủ Mỹ bãi bỏ cơ chế giám sát hàng dệt may mà Mỹ đang áp dụng vì không phù hợp với qui chế WTO, cũng như đang gây thiệt hại về mặt kinh tế cho cả hai quốc gia.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu ba điều: thứ nhất, cam kết sát cánh cùng VN trong chiến dịch vận động Chính phủ Mỹ bỏ cơ chế giám sát; thứ hai, không giảm đơn đặt hàng từ VN; thứ ba, phối hợp cùng các nhà sản xuất VN và Vitas trong chiến dịch vận động bỏ cơ chế giám sát.

Cũng trong khuôn khổ buổi gặp gỡ với ITA, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã chứng kiến ký kết tám hợp đồng giữa các doanh nghiệp VN với đối tác Mỹ. Trong số đó, có dự án của Tổng công ty Phong Phú (thuộc Tập đoàn Dệt may VN - Vinatex) ký với Tập đoàn ITG (Mỹ) đầu tư một nhà máy liên doanh sản xuất vải tổng hợp trị giá 100 triệu USD. Phong Phú cũng ký tiếp với Công ty WB Ross dự án hợp tác đầu tư vào hạ tầng trị giá 100 triệu USD, cùng một số hợp đồng làm đối tác chiến lược khi Phong Phú hoàn thành việc cổ phần hóa.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) cũng đã ký được hợp đồng thỏa thuận xuất khẩu với Tập đoàn Paceman (Mỹ) trong bốn năm với tổng giá trị khoảng 141 triệu USD.

Ký tám thỏa thuận ngân hàng

17 giờ ngày 19/6 (giờ địa phương, tức 4 giờ sáng ngày 20/6 giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu trước đông đảo giới lãnh đạo doanh nghiệp và đầu tư tài chính Mỹ tham dự cuộc gặp “Đầu tư tài chính tại VN” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Tập đoàn Bảo hiểm Mỹ (AIG) và Tập đoàn dịch vụ tư vấn tài chính Credit Suisse phối hợp tổ chức.

Hội trường 300 ghế ngồi chật kín chỗ, không ít nhà đầu tư phải đứng, điều này chứng tỏ thị trường tài chính VN có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư Mỹ. Tại đây, Chủ tịch nước đã chứng kiến lễ ký kết tám thỏa thuận giữa các ngân hàng trong nước với các ngân hàng quốc tế tại Mỹ với tổng giá trị gần 2 tỷ USD.

Đáng chú ý là bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) với Ngân hàng Wachovia (Mỹ) trong các lĩnh vực cơ cấu lại bảng cân đối tài chính, tài trợ thương mại, các dịch vụ thương mại, thanh toán ngoại tệ, đào tạo (trị giá 700 triệu USD); bản ghi nhớ giữa Agribank với Standard Chartered Bank (Anh) trong các lĩnh vực dịch vụ thanh toán, tăng vốn, các sản phẩm thị trường toàn cầu, tư vấn xếp hạng tín nhiệm, đầu tư và kinh doanh chứng khoán (trị giá 500 triệu USD); và bản ghi nhớ giữa Agribank với Ngân hàng RZB (Áo) về vay vốn, tài trợ thương mại, đào tạo (trị giá 350 triệu USD).

TTXVN
TTXVN

Tin cùng chuyên mục