DN trước sức ép phải có lãi 2013

(ĐTCK) Một số DN, đặc biệt là các công ty trong nhóm “tạm dừng giao dịch” đang cố gắng tìm cách “thoát án”. Liệu các đơn vị này có thể xoay chuyển tình thế như mong muốn?
DN trước sức ép phải có lãi 2013

Lên phương án

Ngày 11/4 này, cổ phiếu của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) từ chỗ “tạm dừng giao dịch” sẽ được giao dịch trở lại. Dù vẫn phải giao dịch với thời gian hạn chế (15 phút cuối phiên), nhưng đây có thể xem như một ghi nhận cho những nỗ lực từ phía NVT.

Bức tranh cho NVT trong năm 2013 được lãnh đạo Công ty tin tưởng sẽ tốt hơn và NVT hy vọng hoạt động có lãi. NVT mới phát hành thành công 30 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài là Recapital Investment, thu về 225 tỷ đồng, giúp Công ty giảm áp lực về vốn hoạt động. Trong kinh doanh, NVT đặt mục tiêu chỉ tập trung vào Dự án Six senses Ninh Vân Bay Nha Trang và Dự án Emeralda Ninh Bình. Đây là 2 dự án có lợi thế và đang kinh doanh thành công. Cụ thể năm 2012, Six senses Ninh Vân Bay mang lại cho NVT 40,5 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 22,7% kế hoạch. NVT cũng đã chuyển nhượng có kỳ hạn 38,76% cổ phần Dự án Emeralda Ninh Bình. Với những dự án cần đầu tư như Six senses Saigon River , NVT dự kiến thực hiện qua hợp tác, gọi vốn. Phương án của NVT trước mắt đã thuyết phục được cơ quan quản lý. Riêng nhà đầu tư có thể nhìn cách Recapital Investment trả giá cao hơn thị giá 78% để mua 30 triệu cổ phần NVT để có cái nhìn tươi sáng hơn vào đơn vị này.

DN trước sức ép phải có lãi 2013 ảnh 1

LCG cho biết sẽ cố gắng hết sức để năm 2013 có lãi, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo

Giống như NVT, CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng gửi tới thị trường phương hướng khắc phục khó khăn. SJS tin rằng, nguồn thu từ kinh doanh Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng, Văn La - Văn Khê, Khách sạn Sông Đà - Hạ Long... sẽ giúp SJS thu lãi bù đắp đủ các khoản lỗ lũy kế trong năm 2012 cũng như đảm bảo lợi nhuận dương cho các năm tiếp theo.

 

Ẩn số

Nhưng trái với NVT, nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm với phương án của SJS. Theo BCTC kiểm toán năm 2012, SJS lỗ lũy kế gần 400 tỷ đồng và nợ vay vượt 2.000 tỷ đồng. Phải tạo lãi đủ bù lỗ 400 tỷ đồng cũng như trả nợ, trả lãi vay là một điều không đơn giản cho SJS.

Chưa kể, thông tin tiến độ, thanh khoản ở từng dự án… vẫn là điều nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Cuối năm 2012, trong BCTC ghi nhận hàng tồn kho hơn 4.300 tỷ đồng, trong đó Dự án Nam An Khánh chiếm hơn một nửa (2.200 tỷ đồng), Khu đô thị mới Hòa Hải (1.108 tỷ đồng), Khu đô thị mới Văn La - Văn Khê (437 tỷ đồng)... Và trong doanh thu cả năm 2012, doanh thu bán hàng chỉ đạt 21,7 tỷ đồng, với giá vốn thành phẩm, hàng hóa đã bán ước xấp xỉ doanh thu bán hàng. SJS đã phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho gần 145 tỷ đồng. Với bối cảnh thị trường bất động sản năm 2013 chưa hết khó, bài toán đạt lãi cho SJS là ẩn số.

Đại diện CTCP Licogi 16 (LCG) chia sẻ, LCG sẽ cố gắng hết sức để năm 2013 có lãi, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo. LCG sẽ chuyển nhượng bất cứ dự án bất động sản nào có thể như Dự án Hiệp Thành (12,5 héc-ta, quận 12, TP. HCM), Nam An (Bình Tân), Long Tân và Điền Phước (Nhơn Trạch), Lý Thường Kiệt (Bảo Lộc), Sky Park và Hoàng Mai (tại Hà Nội). LCG còn tính tới việc thoái vốn khỏi dự án nhiên liệu sinh học cho dù đây là một phương án kinh doanh ban đầu được đánh giá cao. Ngoài ra, LCG cũng tìm cách thu hồi công nợ ở Trường AIS (39 tỷ đồng), Thủy điện Bản Chát (hơn 100 tỷ đồng).

Với CTCP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TCS), giải pháp tạo lãi cho năm 2013 là tái cơ cấu Công ty, bán bớt một số tài sản, gia tăng mục tiêu lợi nhuận từ Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (TCS nắm gần 100%), đẩy mạnh thu mua, xuất khẩu gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại công ty con để thu lợi nhuận. TSC không đề cập đến cách thức chống làm giả Kali CIS mang thương thiệu TSC, dù đây lại là một trong những lý do khiến công ty này thua lỗ gần 56 tỷ đồng năm 2012.

Đa số DN trong diện bị cảnh báo, kiểm soát hay tạm dừng giao dịch đều lo âu. Vì như chia sẻ của lãnh đạo DN, hơn ai hết lãnh đạo DN - vừa là người điều hành vừa là cổ đông, rất muốn thấy công ty hoạt động xuôi chèo mát mái. Các DN sẽ phải nghĩ cách khắc phục và vượt khó, nhưng áp lực với mỗi DN là khác nhau. Những DN đã lỗ 2 năm liên tiếp như SJS, HAX… đang căng thẳng hơn, vì thua lỗ thêm một năm đồng nghĩa sẽ bị hủy niêm yết, sẽ mất uy tín trước khách hàng và cổ đông.

Ngọc Thủy
Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục