DN sẽ lách luật nếu bị ép trả cổ tức theo thị giá

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây có nhiều ý kiến xung quanh ý tưởng chia cổ tức bằng thị giá đề cập tại bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, xét về cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế thì quy định trên là rất thiếu và yếu.
Sự can thiệp vô lý của pháp luật sẽ làm méo mó các giá trị thị trường. Sự can thiệp vô lý của pháp luật sẽ làm méo mó các giá trị thị trường.

>> "Tôi sẽ bảo vệ đến cùng ý tưởng trả cổ tức theo thị giá" 

>> Hãy để cổ đông quyết định cách chia cổ tức

Luật Doanh nghiệp cũng đã từ lâu ủng hộ các công ty theo hướng tự chủ hóa, độc lập hoàn toàn trong các quyết định không trái với các quy định của luật pháp, hoặc làm hại tới lợi ích của người khác hoặc của xã hội.

Cũng theo Luật Doanh nghiệp, thì Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) có tiếng nói cao nhất trong việc quyết định các hoạt động liên quan tới DN cổ phần, trong đó có bao gồm các quyết định trả cổ tức ra sao và như thế nào. Nếu như ĐHCĐ không đồng ý pha loãng cổ phiếu theo mệnh giá thấp, hoặc ở mức giá thấp hơn, họ sẽ cho ý kiến thông qua lá phiếu biểu quyết của mình.

Ngoài ra, việc trả cổ tức ở mức giá nào đó, dù là cao hay thấp, thì mức giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được điều chỉnh ở mức độ tương ứng và giá trị tài sản nhà đầu tư hiện hữu đang sở hữu không có gì thay đổi. Họ vẫn sở hữu một phần xác định của vốn chủ sở hữu trong DN mà thôi, vấn đề chỉ đơn giản là việc bỏ tiền từ túi trái sang túi phải của cổ đông và tiền vẫn ở lại doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tham gia các dự án có yêu cầu vốn điều lệ hoặc vốn đối ứng ở mức độ cao hơn.

Đấy là chưa kể, trong trường hợp chi trả cổ tức như trên, giả sử ĐHCĐ biểu quyết không tuân thủ giá chia cổ tức bằng thị giá cổ phiếu thì có thể hiểu được ĐHCĐ vi phạm pháp luật không khi mà họ hoàn toàn được phép theo luật định tự quyết công việc của tập thể.

Mặc dù nhìn thấy dự thảo của quy định trả cổ tức theo thị giá nhằm chống pha loãng giá cổ phiếu ở mức cao, tạo nên bất lợi cho các nhà đầu tư đến sau, nhưng thực chất thị trường rất công bằng: không cho không và lấy đi của ai điều gì.

Nếu nhà đầu tư đến sau nhận thấy khối lượng cổ phiếu của doanh nghiệp bị pha loãng đáng kể và phản ánh ở mức thu nhập/cổ phiếu (EPS) hoặc mức giá trị sổ sách/CP (BVPS) giảm đi nhiều, thì nhà đầu tư mới sẽ chỉ sẵn sàng trả mức giá thấp, thập chí rất thấp để mua cổ phiếu đó mà thôi.

Sở dĩ hiện nay có những cổ phiếu được chia tách giá trị giảm bằng 1/2, 1/3 sau đó lại tiếp tục tăng trưởng là có nhiều yếu tố khác nhau, trong đó liên quan tới cung cầu thị trường đối với cổ phiếu đó, tính đầu cơ của các nhóm cổ đông và cũng không loại trừ nhà đầu tư đến sau rất tin vào tương lai của DN để họ sẵn sàng bỏ tiền vào sở hữu một phần DN với giá cao hơn.

Hành động đó của nhà đầu tư là họ tự quyết định, mua bao nhiêu, mua ở mức giá nào đều không ai có thể can thiệp được.

Việc nhận định họ mua vào ở mức giá cao hơn là thua thiệt, là một nhận định chủ quan, phiến diện và thiếu có cơ sở khoa học vững chắc. Như thế chẳng khác nào áp đặt ý kiến cá nhân của ai đó rằng cổ phiếu đó giá cao rồi, “cấm”(?!) không được mua nữa?!, trong khi nhà đầu tư lại nghĩ rằng, giá đó là rất nên mua, mà ngày trước không thể mua nổi vì ngại thị giá cao quá.

Như vậy, ai sẽ là người quyết định mua hay đầu tư? Tất nhiên là người có khả năng tài chính để đầu tư và hiểu rằng mình bỏ tiền vào chỗ nào.

Chúng ta cũng chứng kiến, bên cạnh những cổ phiếu chia tách rồi lên lại mức giá cũ thì có hàng loạt những cổ phiếu chia tách, thưởng cổ phiếu chưa thể quy lại với mức giá trước khi thưởng cổ phiếu như: STB, DIG, SJS... của đợt chia tách gần đây nhất.

Trong trường hợp này thì người ra quy định này sẽ bình luận theo hướng nào và ai bị thiệt hại? Rõ ràng thị trường ở mức độ nào đó là tương đối công bằng với tất cả các nhà đầu tư.

Người đầu tư trước khi chia tách thì hưởng khối lượng cổ tức nhiều hơn với giá thấp đi, trong khi người đến sau khi chia tách thì hưởng mức giá thấp hơn, nhưng chịu sự pha loãng của cổ phiếu.

Như vậy, xét về cơ sở khoa học, thông lệ quốc tế thì quy định trên là rất thiếu và yếu. Thêm nữa, việc cho ra đời phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu theo thị giá chỉ mất thời gian của doanh nghiệp trong việc nghĩ cách đối phó với quy định đó và kết quả cuối cùng là tốn kém thời gian xã hội. Nhìn sơ qua thì DN có ít nhất 2 cách để đối phó với quy định này:

Cách thứ nhất, việc chia cổ tức theo thị giá của DN làm tăng phần vốn thặng dư và DN lại tiếp tục xin ý kiến để chia tách phần vốn thặng dư đó một lần nữa để đạt được sự pha loãng theo mục tiêu.

Cách thứ hai, ĐHCĐ phủ quyết mức giá chia tách và ra nghị quyết mức giá mới bằng với mệnh giá. Điều này không trái với Luật Doanh nghiệp và khi đó thì quy định tại dự thảo Nghị định như trên là trái với Luật thì không hiểu căn cứ nào sẽ là hợp pháp (?!).

Rõ ràng, luật pháp điều chỉnh hoạt động DN khi DN có hành động ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông nhỏ là rất cần thiết, nhưng thị trường luôn có quy luật và tiếng nói riêng.

Sự can thiệp vô lý của pháp luật sẽ làm méo mó các giá trị thị trường, tốn kém thời gian của DN, trong khi DN cần thời gian để tập trung vào việc tạo ra giá trị cho xã hội.

Còn nhà quản lý nên góp tiếng nói thông qua việc tăng sự hiểu biết của các nhà đầu tư đối với việc pha loãng cổ phiếu để những nhà đầu tư đến sau hiểu hơn về giá trị tài sản họ thực mua và ra quyết định về mức giá mua nào là hợp lý.

Nguyễn Thanh Hà và Vũ Cường, SSI
Nguyễn Thanh Hà và Vũ Cường, SSI

Tin cùng chuyên mục