DN niêm yết vẫn trên đà suy giảm lợi nhuận

(ĐTCK-online) Câu nói "Sell in May and go away" dường như ứng nghiệm cho năm 2011 với cả TTCK Việt Nam. Những phiên đầu tuần trước, TTCK đã rơi rất mạnh trong bối cảnh thanh khoản thấp.
Báo cáo tài chính của các DN niêm yết cho thấy, doanh thu và lợi nhuận quý I/2011 của hầu hết đơn vị đều có xu hướng giảm - Ảnh: Hoài Nam Báo cáo tài chính của các DN niêm yết cho thấy, doanh thu và lợi nhuận quý I/2011 của hầu hết đơn vị đều có xu hướng giảm - Ảnh: Hoài Nam

Theo tính toán của chúng tôi, VN-Index nếu loại trừ ảnh hưởng của một số mã lớn có biến động giá đặc biệt không cùng chiều với thị trường trong thời gian qua như BVH, MSN, VIC, VPL, thì VN-Index ngày 27/5 ở ngưỡng 270,8 điểm, chứ không phải là 410,82 điểm, nghĩa là trên thực tế tốc độ giảm giá của các mã cổ phiếu đã nhanh hơn nhiều so với tốc độ giảm của Index. 

Vậy thực sự mức giảm mạnh của thị trường có đi cùng với tình hình kinh doanh của DN? Với báo cáo tài chính cho tới nay của các DN niêm yết, nhìn chung đến thời điểm này, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý I/2011 của 113 công ty thống kê có báo cáo tài chính từ năm 2008 tới nay cũng chậm hẳn so với năm 2010 và 2009, ở mức 20% và 18%, trong khi con số này năm ngoái là 42% và 45%, năm 2009 là 25% và 61% và so với con số tăng trưởng kế hoạch của cả năm 2011 ở mức 38% và 35%.

Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận của các công ty trong quý I nhìn chung cho thấy xu hướng giảm. Ảnh hưởng rõ nhất là các công ty có đầu vào nhập khẩu và vay nợ nhiều, như vậy vừa phải chịu chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá, trong khi không thể điều chỉnh giá đầu ra tương ứng. Thống kê của 113 công ty trên cho thấy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trong quý I/2011 giảm xuống khá nhiều, ở mức 9,5% so với mức 10,6% và 10,4% của năm 2010 và 2009, mặc dù vẫn cao hơn mức 8% của năm 2008. 

Vậy những xu hướng trên sẽ còn tiếp tục? Trong quý II, tỷ giá có thể không biến động nhiều, nhưng gánh nặng lãi vay sẽ tiếp tục. Thống kê chưa đầy đủ theo báo cáo tài chính các công ty trên cả 2 sàn HOSE và HNX cho thấy, tổng lượng vay dài hạn là 97.400 tỷ đồng, trong khi lượng vay ngắn hạn cao hơn nhiều với 173.000 tỷ đồng.  Trong khi vay dài hạn có thể có mức lãi suất ổn định thì chỉ chênh lệch 1% lãi suất năm đối với vay ngắn hạn cũng sẽ ăn vào lợi nhuận sau thuế của DN một lượng tiền là 974 tỷ đồng hay 243 tỷ đồng/quý. Chưa kể biến động bất lợi của TTCK cũng sẽ khiến các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính tăng lên.

Tại mức lãi suất hiện nay cùng với quy định giảm dư nợ cho vay phi sản xuất, tổng lượng vay trong quý II dự đoán sẽ giảm xuống, nhưng việc giảm vay sẽ kéo theo việc thu hẹp hoạt động kinh doanh cũng như khó khăn về dòng tiền, đặc biệt là đối với các DN bất động sản trong bối cảnh thị trường đầu ra không mấy sáng sủa.

Với cách tiếp cận như trên, những khó khăn của DN vẫn còn tiếp tục, trong khi trên thế giới, việc dự kiến dừng gói nới lỏng định lượng 2 của Mỹ vào tháng 6 sẽ có khả năng gây ra những thay đổi trong hành động của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, mặc dù hiện tại thống kê của chúng tôi cho thấy có 194 DN trên cả 2 sàn có P/E 2010 nhỏ hơn 5x, song mức thấp này cũng chưa đảm bảo sẽ là đáy của thị trường.

Trong thời điểm lạm phát vẫn còn có áp lực tăng, giá hàng hóa trên thế giới đang lưỡng lự giữa hai xu hướng tăng và giảm, lãi suất có khả năng tiếp tục duy trì ở mức rất cao trong ít nhất một vài tháng tới. Tại thời điểm thanh khoản và tiền mặt là vua, các DN có cơ cấu tài chính lành mạnh sẽ có khả năng trụ vững hơn, tạo đà và thậm chí có thể giúp họ tận dụng cơ hội trong khó khăn.

Báo cáo tài chính quý I cho thấy, các DN có lượng tiền mặt ròng (net cash - tiền mặt sau khi trừ tổng nợ) không nhiều. Trong đó dẫn đầu là DPM với lượng tiền mặt ròng 3.081 tỷ đồng. Tiếp theo là 2 DN cao su TRC và DPR (256 tỷ đồng và 194 tỷ đồng). Các DN khác có lượng tiền mặt ròng cao bao gồm HTV, HTL, DHG, CSG, PAN. Một số DN có lượng tiền mặt trên cổ phiếu (Cash per share) khá cao và thậm chí cao hơn cả giá cổ phiếu hiện hành của DN như CKV, PVV, FMC.

Ngược lại, các DN có lượng tiền vay cao (sau khi trừ lượng tiền mặt) lớn nhất có VCG và PVS. Đáng chú ý, cho tới thời điểm này, thống kê của chúng tôi cho thấy, có 115 DN trên sàn tiếp tục có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011,với mức tăng vốn điều lệ là 44% - mức khá cao, nhưng khả năng thành công là điều không chắc chắn.

Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích cổ phiếu, SSI.
Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích cổ phiếu, SSI.

Tin cùng chuyên mục