DN niêm yết ngày càng minh bạch

(ĐTCK-online) Cách đây 4 năm, Báo ĐTCK có làm một cuộc điều tra về hoạt động công bố thông tin (CBTT) của các DN niêm yết trên cả hai Sở GDCK bằng cách liên hệ với tất cả các số điện thoại đầu mối thông tin mà DN đã công bố.
Các DNNY ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc CBTT và quan hệ với cổ đông - Ảnh: Đức Thanh Các DNNY ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc CBTT và quan hệ với cổ đông - Ảnh: Đức Thanh

Khi đó là tháng 4/2008, nghĩa là vào thời điểm mà cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới quét qua nền kinh tế Việt Nam , chứ chưa để lại những hệ lụy quá nặng nề. Các DN tuy bắt đầu gặp khó khăn, nhưng chưa "ngấm đòn" như hiện nay. Thế nhưng, kết quả điều tra khá thất vọng. Chỉ có 67/286 (23,4%) số điện thoại CBTT của 286 DN niêm yết là có người trả lời. Và hầu hết những người bắt máy đều "đá bóng lên trên", có thể do mơ hồ về hoạt động của đơn vị mình hoặc...…sợ trách nhiệm. Cần nói thêm rằng, tất cả những số điện thoại đều lấy từ nguồn chính thống và liên hệ trong giờ hành chính.

Có thể cuộc điều tra này còn phiến diện, bởi số điện thoại CBTT cũng như người phát ngôn chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động CBTT của các DN. Tuy nhiên, nó cho thấy một điều, ý thức về quan hệ nhà đầu tư của các DN còn rất sơ khai.

Thứ Hai tuần này, chúng tôi đã tiến hành lại cuộc điều tra 4 năm trước (ở quy mô nhỏ hơn). Với 30 cuộc gọi vào số điện thoại của 30 DN niêm yết, tỷ lệ bắt máy đạt trên 70%. Chất lượng thông tin được nâng lên một bước, khi các đầu mối thông tin thể hiện sự hiểu biết khá kỹ về hoạt động của DN. Đồng thời, văn hóa ứng xử với cổ đông của người đại diện thông tin trong hầu hết DN cũng được nâng tầm rõ rệt. Rõ ràng, với nhóm thực hiện điều tra, 4 năm qua là một bước tiến dài.

Bước tiến về sự minh bạch thông tin của DN cũng được thể hiện rõ rệt qua Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) do Báo Đầu tư phối hợp với Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức (kể từ năm 2009 có sự tham gia của Sở GDCK Hà Nội) 4 năm qua.

Từ hơn 100 BCTN tại HOSE được bình chọn vào năm 2008, năm nay, 650 BCTN của cả hai Sở đã được xem xét. Đó là nói về số lượng và độ bao phủ. Còn về chất lượng, nhận xét của Hội đồng bình chọn cho thấy, 4 năm qua, kinh tế vĩ mô xuất hiện những vấn đề lớn, tạo ra rất nhiều thách thức đối với hoạt động của DN. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của những khó khăn này đã được đa số DN nhận diện khá thẳng thắn. Và quan trọng hơn, những giải pháp vượt qua khó khăn cũng được đề cập, dù tầm mức quản trị rủi ro ở mỗi DN là khác nhau.

Dù còn có không ít điểm hạn chế, từ tỷ lệ báo cáo nộp muộn hoặc chưa hoàn thành còn cao, một số báo cáo vẫn nặng về trình diễn hơn là thực chất, giải pháp khắc phục rủi ro sơ sài, nhưng như một nhà quản lý đã đánh giá, Cuộc bình chọn BCTN đã trở thành một sự kiện tài chính lớn trong năm. Rõ ràng, thành công này không chỉ là thắng lợi của những nhà tổ chức, mà đó là thắng lợi của tiến trình minh bạch hóa thông tin.

Trên TTCK, văn bản pháp quy trực tiếp quy định hoạt động CBTT là Thông tư số 09/2010/TT-BTC. Thông tư này vừa được UBCK sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định hoạt động CBTT một cách nghiêm ngặt với độ bao phủ rộng hơn. Cùng với hành lang pháp lý đối với hoạt động CBTT ngày càng chặt chẽ, bước tiến về ý thức CBTT của DN, thị trường có quyền tin vào nỗ lực minh bạch của tất cả các bên tham gia.

Với Cuộc bình chọn BCTN, không ít chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, quy mô của Cuộc bình chọn cần phải lớn hơn, phải vươn tới cả các công ty đại chúng chưa niêm yết, DNNN - bộ phận DN vốn có nhiều điều tiếng về sự minh bạch thông tin. Và khi hai Sở GDCK đã được công ty hóa, hy vọng rằng, trong tương lai gần, BCTN của hai cơ quan điều hành hoạt động chứng khoán sẽ tham gia Cuộc bình chọn như một chỉ dấu và tấm gương về sự quyết tâm minh bạch hóa thông tin thị trường.  

Lâm Nhi
Lâm Nhi

Tin cùng chuyên mục