NĐT là… ngân hàng
Tháng 7/2014, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố thông tin đã hoàn tất việc phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10%/năm. NĐT chỉ có một, đó là tổ chức tín dụng.
Trong lĩnh vực thuỷ sản, CTCP Hùng Vương (HVG) vừa thông qua phương án phát hành riêng lẻ 700 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trái phiếu được bảo lãnh thanh toán của bên thứ 3. Lãi suất thả nổi, gốc và lãi được thanh toán 1 tháng/lần. HVG có thể mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu.
Trước đó, ngày 12/9, HĐQT đã thống nhất phương án phát hành riêng lẻ 300 tỷ đồng trái phiếu cho các định chế tài chính, tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, HVG đã thông qua 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá lên đến 1.000 tỷ đồng
Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNE) dự kiến sẽ phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Lãi suất thả nổi được điều chỉnh mỗi 6 tháng, xác định bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của Sở Giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cộng với 3,5%/năm; lãi suất kỳ đầu tiên là 10,5%/năm; vốn gốc trả vào ngày đáo hạn; VNE có thể mua lại trước hạn với giá trị tối đa 100 tỷ đồng theo mệnh giá. CTCK Vietcombank (VCBS) tư vấn và bảo lãnh cho đợt phát hành này.
Một số DN khác cũng đã có kế hoạch phát hành trái phiếu. CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) sẽ phát hành 145 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn từ 1 - 4 năm, trong khi CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) dự kiến phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9%/năm, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất các khoản vay hiện tại…
Đối với những DN chưa công bố đối tượng NĐT nhắm đến là ai, nhưng nhiều khả năng người mua trái phiếu là các ngân hàng, hoặc lòng vòng một hồi, cuối cùng cũng về ngân hàng, bởi hiện tại, nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, trong khi mua trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành thời gian tới cũng sẽ khó khăn. Tuần trước, KBNN đã tạm ngưng tổ chức đấu thầu trái phiếu vào thứ Năm hàng tuần, vì lượng vốn huy động được qua kênh này từ đầu năm đến nay đã không còn cách đích cả năm bao xa. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng như lãi suất tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành đã giảm mạnh trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây. Vì thế, mua trái phiếu DN có tài sản đảm bảo hoặc được một bên thứ 3 bảo lãnh thanh toán là một cách để các ngân hàng giải phóng bớt nguồn vốn ứ đọng.
Các đợt phát hành trái phiếu của DN thường được CTCK tư vấn, nên có khả năng các CTCK cũng chính là NĐT. Họ vay tiền ngân hàng để mua trái phiếu của các DN hoặc tự bỏ tiền của mình ra mua, sau đó repo cho ngân hàng.
Ngân hàng nước ngoài thường chỉ đầu tư vào trái phiếu của những DN lớn và được Chính phủ bảo lãnh. Còn các NĐT nước ngoài khác cũng thường chỉ mua trái phiếu của những DN mà họ có sở hữu lượng lớn cổ phần. Creed Group của Nhật đồng ý bơm 600 tỷ đồng vào Dự án City Gate Towers của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) qua trái phiếu dự án do NBB phát hành, nhưng sắp tới họ cũng sẽ mua 4,6 triệu cổ phần của NBB với giá 19.800 đồng/cổ phần, thấp hơn khoảng 16% so với thị giá hiện tại.
Tái cấu trúc vốn là chính
Tại thời điểm cuối tháng 6/2014, NLG có tổng nợ vay là 683,6 tỷ đồng, tương đương 40,6% vốn chủ sở hữu, trong đó vay ngắn hạn 429 tỷ đồng; vay dài hạn 254,6 tỷ đồng. Trong số nợ vay dài hạn có 100 tỷ đồng trái phiếu do NLG phát hành cho một ngân hàng thương mại vào cuối tháng 8 năm ngoái. Giấy nợ này sẽ đáo hạn vào năm 2016. Lãi suất hàng năm thấp nhất là 14%/năm.
Đợt phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 7/2014 vừa qua giúp NLG tái cơ cấu các khoản vay, theo tính toán, lãi suất vay sẽ giảm bình quân từ 12%/năm xuống còn khoảng 10%/năm.
Kết thúc quý II/2014, HVG có nợ vay ngắn hạn lên đến 4.444 tỷ đồng, nhưng lại không có khoản vay dài hạn nào. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khá cao, lên đến 1,9 lần.
Với đòn bẩy tài chính cao, chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm “ngốn” hết của HVG 122 tỷ đồng.
Nếu đợt phát hành trái phiếu sắp tới thành công, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của HVG sẽ tăng nhẹ lên 2 lần. Công ty thuỷ sản này cho biết, sẽ dùng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu để mua thức ăn thô, nhưng nhiều khả năng HVG sẽ dùng số tiền đó để thanh toán bớt nợ ngắn hạn.
Đối với TTP, tổng nợ vay hiện nay đã ngang với vốn chủ sở hữu, cụ thể vay ngắn hạn là 267,3 tỷ đồng, vay dài hạn gần 203,3 tỷ đồng, trong khi tiền mặt còn lại không nhiều, chỉ vỏn vẹn hơn 16,5 tỷ đồng.
Ngày 25/9, TTP chốt danh sách để chi trả cổ tức năm 2013. Với mức cổ tức 500 đồng/cổ phần, tiền mặt của TTP sẽ hụt đi 7,5 tỷ đồng. Lưu ý thêm, TTP hiện đang có 2 khoản vay dài hạn, trong đó một khoản vay không nêu cụ thể lãi suất, khoản còn lại có lãi suất 10,7%/năm, cao hơn mặt bằng lãi suất chung hiện tại.
Còn VNE, tổng nợ vay hiện tương đương 91,5% vốn chủ sở hữu, bao gồm 448,3 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 123,3 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong số nợ ngắn hạn, có 248 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng tới. Lãi suất của trái phiếu này khá cao so với mặt bằng hiện nay, được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bình quân của 4 ngân hàng ACB, SCB, Techcombank và Eximbank cộng với 4% nhưng không thấp hơn 14%/năm. Việc phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu sắp tới sẽ giúp VNE có thêm nguồn để thanh toán số trái phiếu cũ đến hạn, đồng thời được hưởng mức lãi suất thấp hơn.