Ngoài ra, những biến động về nhân sự cấp cao tại hai ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vừa qua ít nhiều ảnh hưởng đến các khách hàng vay vốn thường xuyên.
Những doanh nghiệp bị cắt giảm hạn mức, khó tiếp cận vốn vay thường là khách hàng của những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Nhóm doanh nghiệp này hoạt động có lãi, nhưng chưa đủ điều kiện để trở thành khách hàng của các ngân hàng lớn như VCB, BIDV, nên thường chấp nhận vay ở các ngân hàng như ACB, STB, EIB, Techcombank…, với lãi suất cao hơn mức lãi suất thấp nhất mà các ngân hàng lớn áp dụng.
Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn chính của đa phần doanh nghiệp Việt
Tổng giám đốc một công ty niêm yết cho biết, một chi nhánh của Ngân hàng Sacombank trước kia vẫn là đối tác tài trợ vốn chính cho Công ty, nhưng gần đây, chính sách bắt đầu thay đổi. Ngân hàng này đã cắt giảm dư nợ, định giá lại tài sản thế chấp của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc chia sẻ, ngân hàng đang rất thận trọng trong hoạt động cho vay, hạn mức cho vay đối với Công ty bị cắt giảm. Mỗi lần giải ngân, ngân hàng đều theo dõi rất kỹ tình trạng của lô hàng mà Công ty nhập khẩu, cho đến khi sản xuất, tiêu thụ, để nhanh chóng thu hồi vốn vay. Tình hình này khiến Đại Thiên Lộc phải lo quay vòng vốn nhanh để trả vốn vay ngân hàng, đồng thời giảm bớt quy mô kinh doanh dựa trên nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và những cổ đông lớn, bớt phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Hiện tại, Công ty vẫn đang hoạt động có lãi.
Báo cáo quý III/2012 của Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) nêu rõ, khoản vay ở Ngân hàng ACB đã giảm gần hết (chỉ còn 388 tỷ đồng), dư nợ ngắn hạn của PET hiện nay là 1.000 tỷ đồng. Kế toán trưởng của PET cho biết, lý do giảm dư nợ vì chính sách hàng tồn kho của PET thay đổi, giảm rất nhiều so với trước.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTCK ở một số doanh nghiệp khác, lý do chính khiến doanh nghiệp không vay của ACB là do ngân hàng này huy động với lãi suất cao, nên lãi suất cho vay cũng cao. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như VCB, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài đang chào lãi suất cho vay rất cạnh tranh, vì tỷ giá đang ổn định.
Do bối cảnh kinh tế thay đổi, nhiều ngân hàng đã rà soát lại danh sách khách hàng của mình để áp dụng chính sách cho vay mới và hạn mức mới. Mặc dù chịu sức ép tăng trưởng tín dụng, nhưng các ngân hàng tỏ ra khắt khe trong giải ngân. Với những doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp, nhưng với doanh nghiệp hoạt động ở những ngành hàng rủi ro thì ngay cả khi có tài sản thế chấp, ngân hàng cũng chỉ giải ngân ở mức độ hạn chế, thậm chí rút toàn bộ khoản vay đã giải ngân từ đầu năm về.
Điều này cho thấy, dự báo của các ngân hàng về tình hình kinh tế năm 2013 còn rất khó khăn. Các ngân hàng vừa phải đảm bảo thanh khoản dồi dào cho chính mình, vừa phải lo đề phòng tổn thất vốn vay, khiến nợ xấu tăng cao. Kế hoạch kinh doanh năm 2013 của các ngân hàng sẽ nói lên điều đó, khi chỉ tiêu nợ xấu được nới rộng để đề phòng cho kịch bản chưa khả quan của nền kinh tế.