DN FDI - những câu hỏi khi niêm yết

(ĐTCK-online) Hiện tại, trên cả 2 sàn có 9 DN họ FDI niêm yết. 8 DN trong số này (CYC, FPC, TCR, TKU, IFS, RIC, SBT, TYA) ít nhiều có báo cáo thua lỗ trong thời gian qua. Kết quả hoạt động yếu kém, phập phù của hầu hết các DN FDI sau khi niêm yết là một câu hỏi lớn.
Nhiều DN FDI lại đang cạy cục lên sàn bất chấp những khó khăn về thủ tục, hồ sơ - Ảnh: Hoài Nam Nhiều DN FDI lại đang cạy cục lên sàn bất chấp những khó khăn về thủ tục, hồ sơ - Ảnh: Hoài Nam

Tập đoàn Bourbon vừa bán hết phần vốn của mình tại CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT) cho đối tác trong nước. Đây là một trong số ít DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện niêm yết trên TTCK trong năm 2008 và chỉ 2 năm sau, cổ đông sáng lập đã chấm dứt sự đồng hành. Trong khi Tập đoàn Bourbon ra đi sau 15 năm gắn bó tại Việt Nam thì một số DN FDI lại đang cạy cục lên sàn bất chấp những khó khăn về thủ tục, hồ sơ.

Tập đoàn Bourbon nắm 70% cổ phần tại SBT - một liên doanh ra đời năm 1995. Năm 2000, Bourbon Tây Ninh trở thành DN 100% vốn nước ngoài khi Bourbon mua lại toàn bộ phần vốn của phía Việt Nam . Chọn thời điểm "vàng", năm 2007, SBT cổ phần hóa, bán 31,48% cổ phần cho các đối tác chiến lược như Vinamilk, Kinh Đô... với giá 25.000 đồng/CP. Cuối tháng 2/2008, SBT niêm yết 44,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 31,6% vốn điều lệ.

Cũng liên quan đến DN FDI niêm yết, CTCP Mirae (KMR) đã công bố kế hoạch niêm yết tại TTCK Hàn Quốc từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Theo nguồn tin mới nhất tại KMR, ít nhất đến quý II/2011, DN này mới có thể niêm yết tại Hàn Quốc do hai nguyên nhân. Một là, kết quả kinh doanh quý II của Công ty không được thuận lợi. Thứ hai là, đến nay, UBCK vẫn chưa cấp phép cho Công ty phát hành chứng chỉ lưu ký để thực hiện niêm yết tại Hàn Quốc.

Theo bản công bố thông tin của SBT, sở dĩ đối tác ngoại rút vốn là do mục đích tái cơ cấu, tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi. Tuy nhiên, việc Tập đoàn Bourbon chỉ bán phần vốn của mình bằng mệnh giá cho đối tác Thành Thành Công khiến không ít người đặt dấu hỏi. Trên thực tế, Bourbon đã bán cổ phiếu SBT với giá thấp hơn 19% so với giá đóng cửa ngày 3/12 (12.400 đồng/CP). Khoản thặng dư vốn không nhỏ thu được trong đợt cổ phần hoá năm 2007 vẫn là khoản đầu tư hiệu quả của Tập đoàn Bourbon, nhưng việc đối tác ngoại "bỏ của" tại một DN FDI trên sàn niêm yết cho thấy, phía sau đó có thể còn là những câu chuyện khác.

Ngày 29/4/2010, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) quyết định tạm ngừng giao dịch cổ phiếu FPC của CTCP Full Power với lý do Công ty bị thua lỗ trong 2 năm liên tiếp 2008 - 2009. Theo đó, năm 2008, Công ty lỗ 72 tỷ đồng và năm 2009 lỗ tiếp 286,78 tỷ đồng. HOSE sẽ xem xét việc cho phép cổ phiếu FPC được giao dịch trở lại sau khi Công ty giải trình cụ thể về lý do thua lỗ và khắc phục được nguyên nhân. Riêng quý II và quý III/2010, FPC tiếp tục báo lỗ nên chưa biết khi nào mới có thể được giao dịch trở lại.

Bị xử thua cả ở phiên sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ kiện Ngân hàng ANZ không hoàn tất trách nhiệm trong hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu, nhưng CTCP Interfood (IFS) vẫn có niềm an ủi là "thắng" trong hoạt động kinh doanh năm 2010. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, người công bố thông tin của IFS cho biết, sau khi trả bớt nợ vay, cơ cấu lại sản xuất, các khoản đầu tư, định giá lại tài sản…, năm 2010, hoạt động của Công ty đã bình thường trở lại. Dự kiến, lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm 2010 đạt 52 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, DN này đạt 33,74 tỷ đồng LNST, trong khi cùng kỳ năm 2009, Công ty lỗ hơn 12 tỷ đồng.

Cổ phiếu IFS  bị ngừng giao dịch từ ngày 17/8/2010 và phải ít nhất phải sang năm 2011, sau khi có báo cáo kiểm toán 2010, cổ phiếu IFS mới có thể được HOSE cho giao dịch trở lại.

Trong tháng 12 này, CTCP Everpia Việt Nam (gần 49% cổ phần do cổ đông Hàn Quốc nắm giữ) sẽ niêm yết tại HOSE. Trao đổi với ĐTCK, bà Phan Mai Linh, người công bố thông tin của Everpia Việt Nam cho biết, mặc dù thị trường không thực sự thuận lợi, nhưng do "nợ" lời hứa niêm yết với các cổ đông cách đây 2 năm nên Công ty nỗ lực hoàn tất các thủ tục để lên sàn. Năm 2008, việc niêm yết của Everpia Việt Nam bị hoãn lại do thị trường quá xấu. ĐHCĐ năm 2009 quyết định đến cuối năm sẽ niêm yết, nhưng lại vướng hướng dẫn niêm yết của DN có vốn đầu tư nước ngoài và đến nay mới hoàn thành thủ tục.

Hiện tại, trên cả 2 sàn có 9 DN họ FDI niêm yết. 8 DN trong số này (CYC, FPC, TCR, TKU, IFS, RIC, SBT, TYA) ít nhiều có báo cáo thua lỗ trong thời gian qua. Kết quả hoạt động yếu kém, phập phù của hầu hết các DN FDI sau khi niêm yết là một câu hỏi lớn. Liệu hình ảnh, chất lượng cổ phiếu của DN FDI niêm yết trên sàn có được cải thiện hay không? Câu hỏi này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của các cổ đông sáng lập DN FDI khi đưa DN lên sàn: họ muốn xây dựng 1 DN phát triển lành mạnh tại Việt Nam, góp phần tạo hình ảnh tốt về môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hay là những điều ngược lại, lên sàn để thoái vốn dễ dàng hơn?

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục