DN dệt may đầu tư mạnh vào bất động sản

(ĐTCK-online) Với mục tiêu trở thành những tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may nước ta đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực mới, như bất động sản, đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ... Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang được nhiều DN thực hiện với mức đầu tư lớn.
Các doanh nghiệp càng ngày càng mạnh dạn chuyển hướng theo hình thức đa ngành nghề Các doanh nghiệp càng ngày càng mạnh dạn chuyển hướng theo hình thức đa ngành nghề

Năm 2007 được xem là một năm đặc biệt của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (TCM) khi DN này dốc vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Khởi đầu cho sự lựa chọn này là tỉnh Long An, với diện tích đầu tư khoảng 7 ha xây dựng nhà máy phục vụ ngành kinh doanh sợi. TCM mua dự án KCN Sài Gòn - Long An với diện tích 250 ha và trở thành cổ đông chi phối với cổ phần sở hữu bằng 70% vốn điều lệ của Công ty Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN này. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư vào các dự án xây dựng trung tâm thương mại và khu chung cư trong nội thành TP.HCM.

Ông Đinh Công Hùng, Tổng giám đốc TCM cho biết, trước đây, ngành nghề kinh doanh chủ yếu của TCM là may mặc, nhưng trong giai đoạn hội nhập, mỗi DN sẽ phải đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh để tăng cường năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro. Chính vì sự đầu tư đa dạng này mà thời gian vừa qua, khó khăn do khan hiếm hợp đồng may mặc, như thiếu hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ, đã phần nào được san sẻ bớt.

Ngoài ra, theo tiết lộ của ông Hùng,  trong năm 2007 này, TCM sẽ phát hành cổ phiếu mới, qua hình thức đấu giá tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSTC). Mục đích của việc làm này là huy động 600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Silico (Long An), góp vốn thành lập công ty, đầu tư cho ngành sợi, ngành may..., đồng thời tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Dự kiến tháng 7/2007, TCM sẽ niêm yết và giao dịch tại HoSTC. 

Cũng giống như TCM, Tổng công ty (TCTy) dệt Phong Phú, thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng thích ứng rất nhanh với thời kỳ cạnh tranh mới, khi tập trung đầu tư mạnh mẽ vào thương mại - dịch vụ. Theo nhìn nhận của lãnh đạo công ty, nền kinh tế toàn cầu đang chú trọng vào sự phát triển thương mại - dịch vụ, vì thế, Phong Phú đang đẩy nhanh sự hội nhập với nền kinh tế thế giới bằng cách tham gia vào hoạt động kinh doanh không truyền thống, nhưng đầy tiềm năng.

Cụ thể, Phong Phú đã chính thức chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ năm 2005. Bên cạnh sản xuất, kinh doanh chủ lực là sợi, vải, khăn truyền thống, Phong Phú đã đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị, căn hộ cao cấp, khu công nghiệp, du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp... Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc TCTy Phong Phú, đơn vị đã chuẩn bị công việc này từ nhiều năm qua, bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác kinh doanh.

Trong những ngày này, còn một tin vui nữa đến với Phong Phú, đó là DN này đã ký được một bản thoả thuận về đầu tư bất động sản với WL Ross Co (Mỹ) để trở thành nhà đầu tư của TCTy với tổng giá trị hợp đồng 100 triệu USD.

Được biết, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công và TCTy Phong Phú chỉ là 2 trong số gần 2.000 DN dệt may hiện đang nỗ lực phát triển đa dạng hoá ngành nghề và lĩnh vực hoạt động. Còn nhiều DN khác như TCTy dệt may Hà Nội, TCTy may Việt Tiến, Nhà Bè... đều đang mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, bên cạnh lĩnh vực truyền thống là hàng dệt và may mặc. Ví như Việt Tiến hướng vào kinh doanh máy in, photocopy, thiết bị máy tính, đầu tư và kinh doanh tài chính... Rõ ràng, đây là một xu hướng tất yếu và cần thiết cho sự chuyển biến về chất trong hoạt động kinh doanh của các DN dệt may Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Thế Hải
Thế Hải

Tin cùng chuyên mục