DN đại chúng lớn chần chừ niêm yết

(ĐTCK) “Ngại” phải đáp ứng những quy định công bố thông tin một cách khắt khe là một trong những lý do khiến DN chần chừ trong việc đưa cổ phiếu lên sàn.
DN đại chúng lớn chần chừ niêm yết

Tại hội nghị DN đại chúng chưa niêm yết do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức sáng 14/11, lãnh đạo một số DN cho rằng, TTCK đã có những bước khởi sắc trở lại, nhiều DN đang khởi động lại kế hoạch lên sàn. Mặc dù vậy, để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nguồn hàng mới vào thị trường thì cần tiếp tục gỡ bỏ một số rào cản.

Vướng mắc từ phía DN

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Y, Phó tổng giám đốc CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam cho biết, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết lên HNX từ năm 2010, nhưng vì một số lý do nhất định nên chưa lên sàn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với Công ty là phải trả các khoản nợ tồn đọng từ khi còn là DNNN, hiện Công ty đã trả được 80% khoản nợ đọng và còn 20% sẽ thực hiện trong thời gian tới.

“Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để đưa cổ phiếu niêm yết trên HNX, dự kiến muộn nhất vào cuối năm 2014”, ông Y nói. CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam hiện có vốn điều lệ 216 tỷ đồng và Công ty đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 269 tỷ đồng theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu, trong đó Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối 51% vốn điều lệ. 

Bên cạnh đó, nhiều DN muốn lên sàn nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết mới, nên đành chờ đợi tình hình kinh doanh sáng sủa hơn.

DN đại chúng lớn chần chừ niêm yết ảnh 1

Gần 400 doanh nghiệp đã tham dự hội nghị

Chẳng hạn, nếu theo tiêu chuẩn niêm yết mới tại HNX như hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của năm liền trước tối thiểu là 5% thì DN chưa đáp ứng được. Đơn cử, CTCP C.E.O, với mức vốn điều lệ hiện tại là 343 tỷ đồng, đang kinh doanh có lãi, nhưng chưa đáp ứng được chỉ tiêu ROE tối thiểu theo quy định mới…

Bên cạnh đó, việc “ngại” phải đáp ứng những quy định công bố thông tin một cách khắt khe cũng là một trong những lý do khiến DN chần chừ trong việc đưa cổ phiếu lên sàn.

 

Yếu tố thị trường chi phối

Lãnh đạo một DN trong lĩnh vực cao su cho biết, mục tiêu của tổng công ty là đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán từ năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thị trường chưa thuận lợi và muốn đảm bảo lợi ích cho cổ đông, tổng công ty quyết định lùi việc niêm yết cổ phiếu sang năm 2014 với hy vọng TTCK sẽ “xuôi chèo mát mái” và giá cổ phiếu của DN lên sàn cũng đỡ bị giảm theo xu hướng chung.

Một số DN như CTCP Tập đoàn Tân Mai (TMG) với số vốn điều lệ hơn 780 tỷ đồng, mặc dù đã nộp hồ sơ lên HNX từ tháng 11/2010 nhưng đến nay vẫn chưa tính đến việc sẽ lên sàn; hay Tổng CTCP Sông Hồng nộp hồ sơ lên HNX từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa có những chuyển động mới trong lộ trình niêm yết.

“Chưa lên sàn, cổ phiếu ít giao dịch nên khó định giá và có thể vẫn giữ được mệnh giá, trong khi nhiều cổ phiếu đang bị thị trường đánh giá thấp, thấp hơn cả giá trị sổ sách một cách bất hợp lý”, đại diện Tổng công ty Sông Hồng nói.

Một số DN đặt câu hỏi về lý do tổ chức hội nghị các DN chưa niêm yết vào thời điểm này? Nếu đây là một động thái của cơ quan quản lý “thúc giục” các công ty đại chúng lên sàn thì hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân cơ bản là các DN còn phải “nhìn ngó” thị trường cũng như nỗ lực vực kết quả kinh doanh của đơn vị mình lên rồi mới có thể tự tin “ra mắt” thiên hạ. Trong khi đó, với bối cảnh kinh doanh hiện tại, rất khó để có thể hy vọng vào một gam màu sáng trong hoạt động của DN trong ngắn hạn.

Mặt khác, hàng loạt cổ phiếu niêm yết đang giao dịch dưới mệnh giá và hoạt động huy động vốn từ sàn chứng khoán chưa có chuyển biến mới cũng khiến các DN chần chừ niêm yết.

 

Vẫn thiếu cơ chế “tạo hàng”

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, đại diện UBCK cho biết, bản thân cơ quan này đã nhiều lần đề xuất về việc cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mới thúc đẩy, đặc biệt là đưa các DN lớn đã cổ phần hóa kinh doanh hiệu quả lên niêm yết trên sàn.

Tuy nhiên, để các đề xuất trở thành chính sách, cơ chế áp dụng trên thực tế thì điều này ngoài tầm quyết của UBCK. Trong thời gian qua, các Sở GDCK cũng đã có những nỗ lực trong việc khuyến khích các DN niêm yết thông qua các chương trình hội nghị định kỳ, song yếu tố quyết định vẫn phải xuất phát từ sự tự nguyện của DN.

Trong khi đó, theo ý kiến nhiều DN thì cần một cơ chế hỗ trợ DN niêm yết mới mà trước đây, khi thị trường trầm lắng, cơ quan quản lý đã từng áp dụng, như hỗ trợ bằng chính sách ưu đãi thuế.

Cùng với đó, để thu hút các DN tích cực hơn trong việc lên sàn, cơ quan quản lý cần chú trọng tạo thuận lợi trong việc thực hiện chế độ báo cáo/công bố thông tin; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia niêm yết; tháo gỡ các vướng mắc về huy động vốn như cho phép DN phát hành dưới mệnh giá...

 

Ông Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc CTCP Dược - Vật tư y tế Hải Dương

Có nhiều lý do khiến Công ty còn chần chừ chưa muốn lên sàn. Thứ nhất, TTCK vẫn còn khó khăn và chưa thực sự khởi sắc, nên niêm yết vào thời điểm hiện tại chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, DN kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm là lĩnh vực chuyên sâu nên cũng muốn các cổ đông là những người thực sự hiểu về ngành, đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích cho Công ty. Trong khi việc đưa cổ phiếu lên sàn khiến chúng tôi khó kiểm soát cơ cấu cổ đông. Bài học kinh nghiệm từ CTCP Dược Hà Tây từng bị CTCP Dược phẩm Viễn Đông thâu tóm, cũng giúp các lãnh đạo DN cần phải có cách kiểm soát tốt hơn khi đưa DN lên niêm yết.

Công ty hiện có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, doanh thu năm 2013 dự kiến đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 6% doanh thu (54 tỷ đồng) và cổ tức dự kiến 23%. Những con số này cho thấy, Công ty đang kinh doanh khá hiệu quả và tốc độ quay vòng vốn tại Công ty cũng rất nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ một cơ hội thuận lợi để có thể niêm yết cổ phiếu.

 

 

Ông Lê Nhân Đức, Kế toán trưởng, phụ trách CBTT Tổng CTCP Chăn nuôi Việt Nam (Vilico)

Vilico đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ quý II/2013 và Tổng công ty đã thực hiện đăng ký với UBCK để trở thành công ty đại chúng lớn. Để thực hiện theo đúng quy định mới của Luật Chứng khoán là sau một năm kể từ khi DN đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các DN phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại TTCK có tổ chức, Vilico sẽ chọn thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, phải thừa nhận một tình trạng chung của các DN hiện nay là chưa muốn niêm yết do điều kiện thị trường chưa được thuận lợi. Còn Vilico có thêm lý do là một DN đại chúng mới và hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi nên hiệu quả kinh doanh chưa thực sự ổn định. Mặc dù vậy, quan điểm của Tổng công ty là những việc gì đã trở thành luật pháp và quy định thì Vilico sẽ thực thi.

 

 

>> HNX muốn nâng “chất” của thị trường

>> TTCK đang từng bước được phục hồi

>> Phạt nặng doanh nghiệp “quên” nghĩa vụ thông tin

>>Nộp hồ sơ niêm yết, cổ phiếu BIDV tăng giá

>>Kỷ lục hủy niêm yết

Hải Vân
Hải Vân

Tin cùng chuyên mục