DN chạy nước rút hoàn thành kế hoạch

(ĐTCK) Mặc dù không phải DN nào cũng chắc về khả năng cán đích kế hoạch 2012, nhưng mỗi DN đều nỗ lực để đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình.
DN chạy nước rút hoàn thành kế hoạch

DN chạy nước rút hoàn thành kế hoạch ảnh 1

“Doanh thu vẫn tăng trưởng”

Đại diện CTCP Thương mại và Đầu tư DIC (DIC)

Từ tháng 7 đến nay, kinh doanh vật liệu xây dựng nhìn chung vẫn chậm, sức cầu yếu. Vì thế, tuy chưa có con số chính thức về doanh thu, lợi nhuận của quý III/2012 nhưng chúng tôi cho rằng, sẽ không có đột biến hay thay đổi nhiều so với các tháng đầu năm và so với cùng kỳ năm trước.

Điều này có nghĩa, doanh thu của DIC trong quý III/2012 dự kiến vẫn tăng trưởng ở mức 20 - 25%. Tuy nhiên, lợi nhuận của DIC trong quý III có thể sẽ sụt giảm so với cùng kỳ cũng như mặt bằng các năm trước. Nguyên nhân là tiêu thụ hàng tồn kho của DIC chậm. Hiện hàng tồn kho của DIC chủ yếu là thép và khoảng 50% lượng thép nhập về chưa tiêu thụ được. DIC đặt kế hoạch sẽ tiêu thụ hết hàng tồn kho này trong năm nay. Chúng tôi sẽ bán tồn kho theo giá thị trường và chấp nhận lỗ 5 - 10% so với giá vốn. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch nhập thêm 1 lô thép nữa để bình quân giá vốn xuống thấp hơn. Do thép chỉ chiếm 15 - 25% tổng doanh thu, nên chúng tôi không quá lo lắng. Quan trọng là chúng tôi cần rút ngắn vòng quay hàng tồn kho để giảm chi phí lưu kho và lãi vay phát sinh.

Với lĩnh vực clinker, DIC vẫn đang kinh doanh ổn định. Ngoài ra, DIC mới ký thêm hợp đồng xuất khẩu đá vôi. Hợp đồng này sẽ giúp DIC đảm bảo chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, cũng như đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu năm nay.

 

“Quý III đã tốt hơn”

Ông Ngô Đình Luyện, Thành viên HĐQT CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (PAC)

Trong quý III/2012, hoạt động kinh doanh của PAC đã tốt hơn. Nhưng dù tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, thì chúng tôi vẫn phải chấp nhận thực tế là kết quả 6 tháng cuối năm của PAC khó bù đắp được mức sa sút của những tháng đầu năm. Chắc chắn chúng tôi sẽ không thể hoàn thành được kế hoạch năm đã đề ra. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, vì thực tế là chúng tôi đã làm hết sức. Tôi tin, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, cổ đông sẽ thấy việc chúng tôi ước chỉ đạt khoảng 70% chỉ tiêu đề ra đã là một cố gắng lớn.

Trong thời điểm khó khăn này, HĐQT PAC xác định, nhiệm vụ quan trọng của Công ty là duy trì sự ổn định và tránh tối đa các rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ công nợ, từ hàng tồn kho. Nghĩa là, chúng tôi đã và chỉ sản xuất trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng mức độ cung - cầu. Mặc dù vậy, chúng tôi sẽ không quên trách nhiệm phải đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Muốn vậy, chúng tôi phải tìm thêm các hợp đồng xuất khẩu. PAC sẵn sàng nhận ít lợi nhuận từ những hợp đồng này, với mục đích duy trì công việc và thu nhập cho người lao động.

Chúng tôi chờ nền kinh tế qua khỏi khó khăn, khi đó, PAC - với lực lượng lao động ổn định và tránh được rủi ro, sẽ nhanh chóng hồi phục và nắm lấy cơ hội phát triển.

 

“Nỗ lực tìm những công trình mới”

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon (FCN)

So với những tháng đầu năm, thì quý III/2012, hoạt động của FCN có khó khăn hơn. Vì thế, doanh thu, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm ước sẽ không đạt 75% kế hoạch năm như chúng tôi mong muốn. Chúng tôi ước tính, doanh thu, lợi nhuận 9 tháng chỉ đạt hơn 70% chỉ tiêu cả năm. Nhiệm vụ cho 3 tháng còn lại của năm vì thế khá nặng nề.

Sở dĩ hoạt động kinh doanh từ tháng 7 của FCN gặp khó khăn là do tiến độ các công trình bị chững lại hoặc chậm hơn so với dự trù. Điển hình là Dự án luyện thép Formosa ở Hà Tĩnh đang chậm tiến độ, nên với vị trí nhà thầu xử lý nền cho dự án, FCN cũng bị ảnh hưởng. Thay vì dự kiến ghi nhận 500 tỷ đồng doanh thu từ dự án, nhưng vì chậm tiến độ, năm 2012, chúng tôi ước chỉ thu từ dự án này 200 - 300 tỷ đồng. FCN đang nỗ lực tìm kiếm thêm công trình khác để có thể đảm bảo chỉ tiêu doanh thu đề ra.

 

“Về đích trong tầm tay”

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF)

Chúng tôi chưa tính toán con số kinh doanh của tháng 9, tuy nhiên, nhìn vào kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, với kim ngạch xuất khẩu gần 75 triệu USD, thì việc đạt được chỉ tiêu doanh thu 90 triệu USD của AGF cho năm 2012 là trong tầm tay.

Trong 9 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu của AGF vẫn là Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Đặc biệt, năm nay, AGF mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, từ chỗ chỉ chiếm 10% kim ngạch, thì nay thị trường này đang chiếm 30 - 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty. Chúng tôi đánh giá Mỹ là thị trường tốt nhất và cần tiếp tục mở rộng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cứ 10 doanh nghiệp thủy sản thì có đến 7 đơn vị lao đao, AGF cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Khó khăn lớn nhất là tình trạng một số DN tìm cách phá giá trong việc xuất khẩu. Đối với các đơn vị này, miễn bán được hàng, thu được tiền thì giá thấp họ cũng sẵn sàng bán. Vì thế, giữ thị trường, thị phần trong năm nay đối với AGF là công việc không đơn giản. Chúng tôi chủ trương lấy chất lượng và ổn định làm lợi thế. Cho đến nay, các khách hàng quen thuộc của AGF vẫn chọn AGF.

Trong vấn đề vốn hoạt động, AGF có sự thuận lợi từ uy tín và thương hiệu. Ngoài ra, chúng tôi chuyên tâm với con cá, nên hạn mức tín dụng của ngân hàng dành cho AGF vẫn được duy trì. Chúng tôi còn có sự hỗ trợ từ phía công ty mẹ là CTCP Hùng Vương.

Thời gian qua, AGF đã mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản từ 60 héc-ta lên 100 héc-ta. Đây là yếu tố quan trọng cho sản xuất ổn định, bền vững và giảm giá vốn sản phẩm.

Ngọc Thủy thực hiện.
Ngọc Thủy thực hiện.

Tin cùng chuyên mục