Muốn chết phải qua "cò"?
Mặc dù đã tạ̣m dừng hoạt động mấy tháng nay, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc CTCP B.S, tại Hưng Yên vẫn chưa biết hiện tại công ty mình đã được giải thể hay chưa. Mấy tháng trước, ông có đến cơ quan thuế làm thủ tục quyết toán, nhưng họ bảo đợi.
Những ngày sau đó, vị giám đốc này liên tiếp giục cơ quan thuế nhanh chóng làm thủ tục nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là "chờ". Mong muốn của ông Hùng là nhanh chóng được “khai tử” DN để tìm hướng đi mới nhưng không được đáp ứng.
“Tôi đợi ròng rã cả mấy tháng trời rồi mà không thấy họ xuống. Khi tra cứu mã số thuế, thấy tình trạng người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”, ông Hùng lo ngại công ty mình sẽ vướng phải những rắc rối pháp lý, khi công ty tạm ngừng hoạt động mà vẫn chưa hoàn thành các thủ tục.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Trần Văn Trung, Giám đốc CTCP Đầu tư và thương mại Tân Hưng (H. Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, công ty của ông gửi hồ sơ tới cơ quan thuế từ cuối năm 2011, đã làm thủ tục xác nhận không còn nợ thuế, kèm theo các giấy tờ liên quan như đăng ký kinh doanh, quyết định giải thể… Thế nhưng, tới nay, vẫn chưa thể giải thể. Nguyên nhân, theo ông Trung, cán bộ chi cục thuế huyện này có tiếp nhận hồ sơ, nhưng bảo cứ để đó rồi đợi thông báo.
Phải đi đến cảnh phá sản, giải thể đã là hết sức đau khổ, ê chề nhưng bi kịch hơn, hiện nay DN muốn “ra đi” còn phải qua "cò".
Ngày 5/4, CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Đại Hưng, trụ sở tại Gia Lâm (Hà Nội) đăng ký làm thủ tục giải thể. Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Vạn Đảo, Q. Hoàng Mai (Hà Nội) cũng ra thông báo do tình hình kinh doanh không hiệu quả nên không thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, giữa thông báo và việc hoàn thiện thủ tục là một quá trình và thời gian dài đằng đẵng. Kế toán của một trong những DN trên cho biết, chị phải chạy long tóc gáy suốt mấy tháng trời chỉ để lo thủ tục thuế cho công ty mà cũng không xong.
Theo quy định, muốn giải thể phải có giấy xác nhận không nợ thuế. Mặc dù Công ty đóng thuế đầy đủ, nhân viên thuế phụ trách DN vẫn đòi mang toàn bộ hồ sơ, sổ sách lên để kiểm tra. “Muốn giải thể cũng đâu phải dễ, có lẽ phải ra dịch vụ và gặp cò môi giới vì họ có đường dây cả rồi” - kế toán này nói.
7 năm vẫn không thể phá sản
Giải thể đã như vậy, phá sản còn rắc rối và khó như lên trời. WonderBuy, một trong số ít thương hiệu “dũng cảm” tuyên bố phá sản hồi năm ngoái cũng bị mắc cạn ở đây. Thương hiệu bán lẻ điện máy này phải phá sản sau khi lỗ tới 52 tỷ đồng. Về nguyên tắc, nếu mọi việc suôn sẻ, sau 90 ngày kể từ ngày nộp đơn, WonderBuy sẽ có phán quyết cuối cùng của tòa án. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, câu chuyện phá sản vẫn giậm chân tại chỗ, thủ tục tiếp tục bị kéo dài và việc giải quyết công nợ là câu chuyện chưa có hồi kết.
Hay như trường hợp của CTCP Dược Viễn Đông (DVD), mặc dù giám đốc đi tù, DN có đơn xin phá sản, tòa thụ án nhưng đến gần nửa năm vẫn chưa thể hoàn thành xong các thủ tục và giải quyết được các nghĩa vụ, trách nhiệm có liên quan.
Nhưng "chật vật" để được phá sản phải kể đến Công ty Q. (TP.HCM), hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, khi đã 7 năm trôi qua họ vẫn không "được chết". Cụ thể, cuối năm 2005, công ty gặp khó khăn khi số nợ không trả nổi lên tới 25 tỷ đồng và 258.000 USD.
Chủ nợ đã gửi đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Tổ thanh lý tài sản kiểm kê, định giá tài sản chỉ vỏn vẹn 2,8 tỉ đồng. Ba năm sau, phần đất Công ty Q. thuê xây dựng nhà làm việc bị thu hồi (dù thời gian thuê đất vẫn còn) và tài sản trên đất này định giá còn khoả̉ng vài trăm triệu đồng.
Phần đất trên được hỗ trợ chi phí đền bù, thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng nhưng đơn vị thuê sau không thanh toán nên Công ty Q. không trả được nợ cho ngân hàng. Tính đến nay, đã 7 năm trôi qua, tòa án vẫn chưa thể tuyên bố DN bị phá sản dù trên thực tế công ty không còn hoạt động.