DN cần chủ động hơn

(ĐTCK-online)Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam” vừa được Bộ Ngoại giao tổ chức, các chuyên gia cùng có chung nhận xét, nếu chủ động và phát huy khả năng trong hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam sẽ đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế.
Cao su là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên trong nội bộ khối ASEAN. Cao su là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên trong nội bộ khối ASEAN.

Chưa tận dụng hết cơ hội

Một trong những liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế của cộng đồng kinh tế ASEAN, chính là Hiệp định Khu vực tự do thương mại ASEAN (CEPT/AFTA). Với hiệp định này, hầu hết thuế suất với hàng hoá nhập khẩu của các nước trong ASEAN chỉ từ 0 đến 5%. Đây là lợi thế mà các DN Việt Nam có thể tận dụng để đưa hàng hoá của mình vào các nước trong khu vực nhằm tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, theo ông Lê Quang Lân, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại), trong suốt 1 năm qua, Vụ này chỉ nhận được câu hỏi của... 2 doanh nghiệp (DN) về chính sách thuế CEPT/AFTA. Việc DN chưa tận dụng cơ hội rất quan trọng này khiến cho tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trong khu vực tận dụng ưu đãi thuế CEPT/AFTA còn rất thấp so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này.

Đánh giá về thị trường tiềm năng ASEAN trên 567 triệu dân với GDP đạt hơn 1.000 tỷ USD, các chuyên gia đều cho rằng, sự hội nhập sâu và chủ động của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo Bộ Ngoại giao, kể từ khi gia nhập ASEAN (ngày 28/7/1995) đến nay, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án hợp tác ASEAN và góp phần quan trọng cho sự phát triển và thành công của ASEAN thời kỳ qua. Việt Nam đã có đóng góp quan trọng và cụ thể trong 4 lĩnh vực hợp tác ASEAN như chính trị-an ninh, kinh tế, chuyên ngành và quan hệ đối ngoại. Những tham gia tích cực của Việt Nam tạo vị thế ngày càng quan trọng trong ASEAN và tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển kinh tế hài hoà với lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết cơ hội trong khối ASEAN để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

 

Chú trọng tới các lĩnh vực ưu tiên

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên trong nội bộ khối. Đó là các lĩnh vực nông sản, thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may, cao su, ô tô, điện tử, du lịch, hàng không, chăm sóc sức khoẻ, E-ASEAN và logistics. Theo ông Nguyễn Tương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giao thông - Vận tải), để phát triển các lĩnh vực ưu tiên này, các ngành cần xây dựng chương trình phát triển và thực hiện theo lộ trình cụ thể. Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý để phát triển các ngành ưu tiên trên. Một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên trong ASEAN chính là phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các ngành ưu tiên phát triển mà trước hết là giao thông - vận tải và bưu chính - viễn thông. 

Chia sẻ với quan điểm này, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngoài việc các ngành trong lĩnh vực ưu tiên có lộ trình phát triển riêng ngành mình thì cần phải có chương trình để phối hợp phát triển các ngành trong một chuỗi. “Giả sử du lịch và hàng không có thể liên kết thành một chuỗi ngành ưu tiên thì cũng cần phải “ghép” thêm cả thuỷ sản và nông sản vào trong chuỗi này. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển hiện nay còn quá yếu. Dường như mỗi ngành chỉ quan tâm tới sự phát triển của riêng mình, nên còn rất rời rạc. Điều này đòi hỏi cần một chính sách hoàn chỉnh hơn để tận dụng ưu đãi trong các lĩnh vực ưu tiên trong ASEAN”, TS. Thiên nói.

Với một loạt kiến nghị nhằm thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên trong ASEAN, ông Nguyễn Tương cho rằng, DN là đối tượng cần được quan tâm thông qua việc nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho các DN trong các lĩnh vực này.

 

Chủ động hội nhập

Một trong 12 lĩnh vực ưu tiên trong ASEAN là logistics mới được AEM 37 (9/2005) bổ sung và do Việt Nam là điều phối viên. Sở dĩ Việt Nam chủ động trong lĩnh vực này bởi xu hướng phát triển cũng là để thể hiện quyết tâm trong hội nhập kinh tế. Điều này được thể hiện hiệu quả ngay bằng việc cải cách các vấn đề liên quan tới cảng biển của Việt Nam . Số giấy tờ cần phải xuất trình và nộp cho cơ quan chức năng của Việt Nam đối với các tàu nước ngoài khi cập cảng đã giảm xuống hơn một nửa. Thủ tục để nhập cảnh chỉ còn 1 “cửa” thay vì phải đến 6 “cửa” như trước đây. Và hiệu quả nhìn thấy rõ nhất là, thời gian lưu tàu đã giảm nhiều, giảm chi phí cho DN. Từ một ví dụ cụ thể trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc hội nhập kinh tế khu vực, bởi điều đó sẽ tạo ra một cơ chế năng động hơn cho nền kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, để hội nhập kinh tế thành công, một trong những yếu tố cơ bản là phải tạo điều kiện giúp các DN nâng cao tính chủ động. Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã có nhiều hiểu biết và tham gia nhiều hơn vào “chuỗi”  quan hệ sản xuất, kinh doanh quốc tế, song các DN Việt Nam vẫn bị đánh giá là còn rất bị động. Đây là một trở ngại lớn.

Duy Đông
Duy Đông

Tin cùng chuyên mục