Thưa ông, lý do nào khiến DLG quyết định lập công ty con chuyên về khai thác và chế biến khoáng sản?
Đây là hoạt động nằm trong chương trình tái cấu trúc Tập đoàn. Chúng tôi muốn tổ chức, đầu tư mạnh mẽ hơn vào khoáng sản, vì khoáng sản đã và sẽ là nguồn thu ổn định cho DLG bên cạnh những hoạt động kinh doanh cơ bản khác. Trong 6 tháng cuối năm 2012, chúng tôi dự tính sẽ thu được nguồn tiền lớn từ khai thác khoáng sản. Nguồn tiền này tuy chưa phải là nguồn thu chính của DLG, nhưng sẽ là nguồn vốn đáng kể bổ sung vào vốn hoạt động của Tập đoàn.
Trong khai thác khoáng sản, hình như DLG còn muốn đi sâu về luyện kim?
DLG đã có xấp xỉ 30 mỏ khoáng sản, từ mỏ đá đến mỏ chì, kẽm. Vì thế, trong những năm tới, ngoài khai thác các loại đá cho vật liệu xây dựng như đá granit, bazan…, chúng tôi muốn tăng doanh thu, lợi nhuận thông qua các hoạt động chuyên về luyện kim, khai khoáng. Muốn vậy, DLG phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hợp tác liên kết, liên doanh là cách để chúng tôi gia tăng sức mạnh đầu tư. Chúng tôi nâng vốn đầu tư từ 12 tỷ đồng lên 58 tỷ đồng và chuyển tên Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá granit Đức Long Gia Lai thành Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Tây Nguyên cũng vì lý do này.
DLG sẽ đầu tư ra sao vào khoáng sản, thưa ông?
Chúng tôi đã mở đường vào mỏ, lập nhà máy, khai thác nhiên liệu thô. Sắp tới, DLG sẽ nhập thêm máy móc thiết bị, tổ chức đội ngũ công nhân chuyên về luyện kim, khai khoáng. Khi đó, DLG sẽ khai thác đa dạng các khoáng sản khác nhau.
Chúng tôi muốn phát triển và đưa khoáng sản trở thành một trong những ngành mũi nhọn của Tập đoàn.
Với mảng bất động sản thì sao?
Tình hình bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, nên ở những dự án chưa cần thiết phải đầu tư, DLG sẽ tạm ngừng.