Disney và bài học marketing vô giá

Benjamin Franklin từng có câu nói nổi tiếng: “Kể tôi nghe và tôi sẽ quên. Dạy tôi và tôi sẽ nhớ. Để tôi cùng tham gia và tôi sẽ học hỏi”. Hẳn là những lời này có thể được ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống và trong kinh doanh. Với những người làm marketing, có thể nói những bộ phim Disney là những tác phẩm mà chúng ta có thể “tham gia” và học hỏi rất nhiều.
Disney và bài học marketing vô giá

Mọi người thích được vui và nuôi hy vọng

Phim Disney là những câu chuyện tuyệt vời. Con người luôn ao ước những câu chuyện. Disney cũng xuất sắc trong việc tiếp thị những câu chuyện này. Khách hàng thường thích những quảng cáo có thể làm họ vui và họ sẽ đáp lại chúng.

Những người khổng lồ về quảng cáo luôn biết rõ điều này và có những quảng cáo là câu chuyện đáng nhớ nhờ vào tính giải trí của chúng. Disney là một nhà giải trí. Họ bán những câu chuyện, những siêu anh hùng từ hành động đến bi kịch. Trong khi đó, chiến dịch marketing mà nhiều công ty triển khai lại khá là buồn chán. Có rất ít tính giải trí trong những quảng cáo mà chúng ta xem. Thậm chí còn không có sắc màu của cá tính trong đó. Quảng cáo truyền thống đã chán và các quảng cáo online hiện nay cũng không khá hơn. Và những thương hiệu biết làm người xem quảng cáo vui trở thành ngoại lệ.

Những ký ức sống mãi

Disney tuyệt vời vì các bộ phim của họ liên hệ đến bạn ở một góc độ cá nhân. Từng bộ phim đọng lại trong bạn với những nhân vật được ghi khắc mãi trong ký ức. Sau bao nhiêu năm Mickey Mouse vẫn còn là một biểu tượng, một minh chứng vĩ đại với những gì mà Disney đã làm với một nhân vật phim hoạt hình.

Sự thật thì ý tưởng sử dụng các mascot thể thao được vay mượn trực tiếp từ Disney – từ sự liên quan ở góc độ cá nhân của các nhân vật Disney với khán giả. Ý tưởng mascot cũng rất hữu hiệu cho các nhà làm tiếp thị nếu được sử dụng tốt.

Đồng lòng vì một mục tiêu chung là điều quan trọng

Tại các công viên chủ đề của Disney, khách hàng là khách, công việc là “vai diễn”, nhân viên là “diễn viên” và mọi thứ họ làm đều cho thấy một phương pháp.

Tại Disney Studios và Pixar, mọi người cùng làm việc cật lực để tạo nên những bộ phim làm say mê, chinh phục và “thôi miên” khán giả. Mọi người nói cùng một ngôn ngữ, mỗi người có một vai trò.

Disney vẫn sử dụng phương pháp “top-down” (phân tích hay suy diễn) để mang lại cho đội ngũ sự tự do gần như không giới hạn. Họ cùng nhau mạo hiểm, họ đến với những ý tưởng mà đôi khi đi ngược dòng chảy vốn được chấp nhận.

Tiếp thị cần hội nhập vào mọi chức năng – bộ phận khác của doanh nghiệp. Nhưng tại hầu hết doanh nghiệp, tiếp thị chỉ là một chức năng – bộ phận riêng lẻ.

Phim Disney vui nhộn

Trong niềm vui tồn tại giá trị. Phim Disney đưa bạn đến thế giới khác, cho bạn một “liều thuốc” phi thực giữa thời gian thực. Disney sử dụng từ thể loại hành động, bi kịch, cảm xúc, hoạt hình cho đến hiệu ứng âm thanh, kỹ thuật số và cả các phiên bản 3D để giữ cho người xem nhập cuộc.

Đó là những câu chuyện hấp dẫn của các anh hùng và tên đểu giả, của cái tốt chống lại cái xấu và có khi là sự tự vấn sâu sắc. Các trailer, poster, sản phẩm có thương hiệu Disney và các công cụ marketing khác trước và sau khi công chiếu phim đều là các sự kiện mang tính hành động và kịch tính. Họ tung ra những tư liệu “behind-the-scene”, phỏng vấn đoàn làm phim… theo kiểu “chúng tôi đã làm điều đó như thế nào” trên kênh YouTube và các kênh truyền hình giải trí khác.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp làm marketing theo cách họ làm kế toán. Chuẩn mực một cách cứng nhắc. Không trái tim, không linh hồn.

Không phải tất cả các ngành hàng đều có thể tự do mang lại “sự vui vẻ”, nhưng luôn có cách để phát triển các kế hoạch marketing tương tác cao – sử dụng cả hoạt động truyền thống và trực tuyến để làm cho marketing nổi bật. Không có gì có thể buộc một doanh nghiệp trông nhàm chán, ngoại trừ sự thiếu tưởng tượng.

Disney ưu tiên sự tưởng tượng

Thậm chí những ngành hàng khô chán nhất vẫn có thể tìm cách để nội dung marketing và sự xuất hiện trên mạng xã hội trở nên nổi bật hơn. Hãy viết như bạn nói! Hãy đặc biệt! Hãy để sự hài hước lên tiếng! Hãy kể câu chuyện của bạn đầy tính hình tượng!

Nếu nói rằng “bản chất thương hiệu này vốn khô khan” thì đó là một lời “thoái thác”. Vì mọi thứ đều là một cơ hội. Mickey Mouse tai to có thể cũng đã nhàm chán. Nhưng cậu ấy không chán chút nào sau ngần ấy năm tháng. Đơn giản là Disney không biết từ “chán”. iPhone của Apple cũng thế. Thậm chí nhiều thập niên sau, chúng ta vẫn yêu Disney vì chúng ta yêu sự tưởng tượng.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục