Định vị vai trò nhà thầu nội tại siêu dự án đường sắt

Sự tham gia sâu, ngay từ đầu của các doanh nghiệp trong nước không chỉ góp phần kéo giảm chi phí xây dựng, mà còn đảm bảo việc chuyển giao công nghệ tại Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra suôn sẻ.
Các nhà thầu lớn trong nước có đủ khả năng tham gia thực hiện Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Trong ảnh: Cầu Mỹ Thuận 2 - công trình cầu dây văng lớn, phức tạp do tư vấn và nhà thầu trong nước xây dựng

Xây cơ chế hỗ trợ

“Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng liên quan đến việc xử lý các kiến nghị về công tác chuẩn bị tham gia các dự án hạ tầng đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao do Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đề xuất”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Trong Công văn số 2557/BXD-KTQLXD phát đi vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy đã nêu đích danh 6 đơn vị có trách nhiệm báo cáo về các đề xuất của VACC gồm: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và vật liệu xây dựng; Vụ Quản lý doanh nghiệp; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng; Ban Quản lý dự án đường sắt.

“Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì báo cáo về nội dung kiến nghị liên quan đến công tác khảo sát tư vấn, thiết kế và tổng hợp toàn bộ nội dung liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ đạo.

Trước đó, tại Công văn số 3095/VPCP-CN, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng xem xét các đề xuất của VACC liên quan đến các cơ chế hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia thực hiện Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vừa được Chính phủ giao Bộ Xây dựng tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 23/4/2025 về việc triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

“Đây chính là bộ cơ chế, chính sách giúp các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp và các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và một số dự án đường sắt quan trọng quốc gia khác, như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin.

Được biết, tại Văn bản số 32/CV-VACC gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào đầu tháng 4/2025, VACC cho hay, với năng lực hiện có, cùng với sự tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các công trình giao thông phức tạp (cầu đúc hẫng, cầu dây văng, cầu vòm thép, đường bộ cao tốc...), các nhà thầu lớn trong nước hoàn toàn có đủ khả năng tham gia thực hiện Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mặc dù vẫn cần chuẩn bị thêm về nhiều mặt, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xây dựng mới của nước ngoài.

Trong số 8 đề xuất được đánh giá như “chìa khóa” mở cửa cho doanh nghiệp Việt tham gia Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trị giá 67,34 tỷ USD, đáng chú ý là việc VACC đề nghị cho tách riêng phần xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng, nhà ga đường sắt thành những gói thầu riêng có quy mô 1,5 - 2,5 tỷ USD để các nhà thầu trong nước có thể được tham gia theo cơ chế chỉ định thầu có điều kiện cho tổ hợp các nhà thầu Việt Nam có giảm giá 3 - 5% giá của dự toán được duyệt.

Về tiêu chuẩn năng lực kinh nghiệm nhà thầu, VACC đề nghị bổ sung tiêu chí lựa chọn các nhà thầu đã có kinh nghiệm tham gia các công trình hạ tầng cấp đặc biệt, cấp 1 đảm bảo tiến độ, chất lượng, thay vì phải có kinh nghiệm trong các dự án đường sắt như Luật Đấu thầu quy định.

Để các nhà thầu trong nước có đủ năng lực “gánh” được các gói thầu xây lắp quy mô lên tới 2,5 tỷ USD tại Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, VACC kiến nghị cho phép cộng dồn năng lực tài chính của các thành viên trong tổ hợp nhà thầu để đáp ứng được giá trị các gói thầu do Chính phủ quy định.

“VACC sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các nhà thầu lớn trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn làm nhân tố chủ chốt trong các tổ hợp nhà thầu có thể đảm đương được công trình trên với các yếu tố: vốn, kinh nghiệm thực tế đã thực hiện trong 3 năm gần đây”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết.

Định vai trò cho nhà thầu nội

Một đề xuất rất đáng chú ý khác của VACC có thể tác động lớn đến công tác chuyển giao, làm chủ công nghệ vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao là việc cho phép các đơn vị tư vấn của Việt Nam được tham gia các gói thầu cùng với các nhà thầu thi công để đảm bảo thực hiện được định hướng xuyên suốt cho dự án theo phương thức thiết kế tổng thể (FEED), kể cả trường hợp nhà tư vấn đó đã tham gia các báo cáo tiền khả thi hoặc báo cáo khả thi.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình sử dụng công nghệ hiện đại, lần đầu triển khai tại Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu, lựa chọn loại hình công nghệ phù hợp với hình thái địa lý, nhu cầu vận tải và phải đáp ứng được tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận, làm chủ trong vận hành khai thác. Quá trình này không thể tách rời vai trò của tư vấn trong nước để cùng nghiên cứu đề xuất, đảm bảo sự phù hợp với các điều kiện trong nước.

Thực tế, việc thi công các dự án lớn, công nghệ mới vừa qua cho thấy, không thể tách rời vai trò của lực lượng tư vấn trong nước. Nếu giao trách nhiệm này cho tư vấn nước ngoài, việc phối hợp sẽ mất nhiều thời gian và thiếu linh hoạt trong xử lý các công việc phát sinh.

“Tư vấn chính là lực lượng đi đầu trong việc tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao cho các đơn vị trong nước để thực hiện thành công Dự án, đồng thời đảm bảo tính độc lập, khách quan, kiểm soát chi phí phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Phạm Hữu Sơn phân tích.

Liên quan khả năng tham gia của các doanh nghiệp xây lắp tại Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cho rằng, với trình độ hiện tại, một số nhà thầu lớn trong nước có thể đảm nhận phần thi công hạ tầng với vai trò là nhà thầu độc lập hoặc nhà thầu chính trong tổ hợp với các doanh nghiệp nước ngoài.

Được biết, thời gian vừa qua, không chỉ HHV, một số nhà thầu trong nước đã tổ chức các đoàn đi nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt, metro của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm “nhập khẩu” chương trình và chuyên gia.

“Mặc dù có yêu cầu cao về yếu tố hình học, bán kính đường cong và độ chính xác, nhưng HHV tin rằng, nhà thầu nội sẽ đảm nhận tốt công tác thi công các công trình cầu, hầm của tuyến đường sắt tốc độ cao”, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định.

NHU CẦU VỐN CHO PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VỀ ĐƯỜNG SẮT

- Tư vấn, thiết kế và quản lý dự án: khoảng 22 - 27 tỷ USD (từ nay đến năm 2035).

- Xây dựng công trình đường sắt: Đến năm 2050, định hướng các hoạt động cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường sắt ước đạt giá trị khoảng 275 tỷ USD, trong đó tổng nhu cầu vốn để cải tạo đường sắt hiện có khoảng 5 tỷ USD; đường sắt quốc gia xây mới khoảng 31 tỷ USD; đường sắt tốc độ cao khoảng 31 tỷ USD; đường sắt đô thị khoảng 170 tỷ USD.

- Vật tư đường sắt: khoảng 3,1 tỷ USD cho riêng Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

- Công nghiệp đầu máy, toa xe và phụ tùng, phụ kiện: Khoảng 23,6 tỷ USD, trong đó Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hơn 6,6 tỷ USD; chi phí mua sắm đầu máy toa xe cho đường sắt đô thị khoảng 17 tỷ USD.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA, ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

- Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đến năm 2030 có 16 tuyến đường sắt được triển khai đầu tư với chiều dài 4.802 km, trong đó có 9 tuyến mới: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (1.541 km) và các tuyến kết nối cảng biển lớn, cảng hàng không quốc tế quan trọng; đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (129 km); đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng Lạch Huyện (390 km); đường sắt vành đai phía Đông thuộc khu đầu mối Hà Nội (31 km); đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (84 km); đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (174 km); đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh (128 km); tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (43 km); tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ kết nối với Lào (khoảng 103 km).

- Mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035 sẽ cơ bản hoàn thành theo các quy hoạch đã được duyệt.

Trong đó, Hà Nội đến năm 2035 hoàn thành khoảng 410 km, đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 200 km; TP.HCM đến năm 2035 hoàn thành khoảng 355 km, đến năm 2045 hoàn thành thêm khoảng 155 km.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục